Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh nghiệm vượt khó của một giám đốc thương binh

Ra khỏi chiến trường năm 1975, cơ thể không còn lành lặn, trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ không theo kịp xã hội, thương binh nặng 1/4 Trần Hồng Quảng xách ba lô đến xin việc tại Công ty Rau quả Hải Phòng.
 
Sau 20 năm vừa học, vừa công tác, anh được đề bạt chức Phó giám đốc Công ty. Cuộc sống tạm ổn định, nhưng anh luôn thấy chưa trọn vẹn vì thấy đồng đội sống quá khó khăn, chật vật do thương tật.

Năm 1995, anh quyết định nghỉ công tác ở Công ty Rau quả Hải Phòng và thành lập Xí nghiệp Tập thể thương binh Quang Minh, chỉ với 35 triệu đồng hỗ trợ ban đầu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng ít vốn gom góp từ 35 thương binh. Ban giám đốc Xí nghiệp có 4 người thì 3 người là thương binh. Bên cạnh đó, tình trạng sức khoẻ của người lao động cũng không tốt, các vết thương cũ luôn tái phát, tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ còn non kém, cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhà xưởng gần như không có gì.

“Mục đích thành lập Xí nghiệp là xây dựng một mái nhà chung cho thương bệnh binh và người tàn tật, tạo việc làm phù hợp với sức khoẻ, trình độ mỗi người, để họ tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội, có thu nhập ổn định, xoá bỏ mặc cảm”, anh Quang nói.

Thời kỳ đầu, Xí nghiệp chủ yếu làm dịch vụ, trong đó có dịch vụ cung cấp dầu đốt lò nung clinker cho các nhà máy xi măng. Do việc thanh toán tài chính lúc đó thường gặp khó khăn, nên những người thương binh có sáng kiến đề nghị các nhà máy xi măng trả clinker thay tiền. Sau đó, Xí nghiệp xây dựng 2 xưởng nghiền xi măng ở Lam Sơn (Thanh Hoá) và Ninh Khánh (Ninh Bình) và cho ra đời những bao xi măng mác P300 nhãn hiệu Lam Sơn. 

Không dừng lại ở đó, Xí nghiệp Quang Minh đã phát triển kinh doanh đa ngành, từ vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng đến nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài hai xưởng sản xuất xi măng kể trên, xí nghiệp còn có đội xe vận tải gồm 70 chiếc, vào Nam ra Bắc liên tục, 20 cửa hàng kinh doanh dịch vụ nằm rải rác ở các địa phương trên toàn quốc, một trạm sản xuất khí CO2, một trạm kinh doanh xuất nhập khẩu ở Quảng Ninh, một xưởng sửa chữa cơ khí ở Hải Phòng...

Đến nay, Xí nghiệp Tập thể thương binh Quang Minh đã có số vốn lên hàng trăm tỷ đồng, nộp ngân sách mỗi năm gần 1 tỷ đồng, các năm sau luôn có mức tăng trưởng từ 15 đến 20% so với năm trước. Xí nghiệp đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động, trong đó hơn 52% là anh em thương binh, con em gia đình chính sách. Ngoài ra, Xí nghiệp còn tích cực tham gia công tác xã hội như làm từ thiện, ủng hộ đồng bào bão lụt, hỗ trợ các đối tượng chính sách hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngày 19/5/2010, Xí nghiệp đã tổ chức đoàn rước ngọn lửa thiêng từ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn phát hỏa khởi công xây dựng Nhà máy Xi măng Trường Sơn, với vốn đầu tư gần 62 triệu USD. Nhà máy được xây dựng bên dòng sông Đá Bạc (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) trên diện tích đất 16 ha, với dây chuyền công nghệ sản xuất xi măng lò quay hiện đại, có công suất thiết kế 400.000 tấn/năm.

Giám đốc Trần Hồng Quảng cho biết, khi Nhà máy hoàn thành, Quang Minh sẽ tặng xi măng cho các gia đình xây mộ liệt sĩ; giảm giá bán từ 5 đến 10% cho các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công; hỗ trợ 100% xi măng cho những địa phương tu bổ, xây dựng bia, đài tưởng niệm liệt sỹ.

Từ những thành công trên cương vị Giám đốc Xí nghiệp Tập thể thương binh Quang Minh, thương binh Trần Hồng Quảng đã bước lên Diễn đàn Nông dân trẻ thế giới được tổ chức tại Pháp (năm 2003), với sự tự tin của một thương binh Việt Nam anh dũng trong chiến đấu và biết làm giàu, sống nhân ái trong thời bình. Năm 2005, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

(Theo Thúy Hoa // Báo đầu tư)

  • “Người lính” trên thương trường
  • Tỷ phú tóc giả
  • Người thương binh làm giàu từ đá
  • "Tướng chăn vịt" và câu chuyện làm giàu của người cựu tù Phú Quốc
  • Đam mê và giàu nghị lực
  • Đổi đời với ca cao
  • Độc đáo “ Hoa đất sét” !
  • Làm giàu từ nuôi đặc sản rừng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao