Chiếc King Air của bầu Đức trên sân bay Pleiku. Ảnh: P.H. |
Hồi cuối năm 2008, chiếc phi cơ riêng đầu tiên được bầu Đức đưa về Việt Nam. Giá trị chiếc máy bay này sau thuế vào khoảng trên 7 triệu đôla Mỹ. Bầu Đức chia sẻ sau hơn một năm sử dụng phi cơ riêng, ông đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và gia tăng hiệu quả làm việc. Tại thời điểm đó, giới kinh doanh hàng không đã dự báo, ông Đức đã phá lệ về sở hữu máy bay mở đường cho nhiều đại gia khác tại Việt Nam thực hiện các thương vụ tương tự.
Nguồn tin từ Cục Hàng không VN cũng cho hay có không ít doanh nhân bày tỏ ý định sở hữu phi cơ và đề nghị tư vấn về thủ tục cất hạ cánh... Ngoài bầu Đức và ông chủ Hòa Phát - Trần Đình Long, một đại gia khác trong lĩnh vực tài chính ở Hà Nội cũng đang hoàn tất bản hợp đồng để sẵn sàng đưa một chiếc trực thăng về Việt Nam.
Hồi cuối năm ngoái, một đại gia TP HCM cũng lên kế hoạch tậu phi cơ riêng. Ông chủ hãng kinh doanh thực phẩm này có tên trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt trong 3 năm liền do VnExpress.net công bố. Nguồn tin khá thân cận với ông chủ hãng tiết lộ chiếc phi cơ mà vị đại gia này dự kiến nhập có giá khoảng 12 triệu đôla Mỹ. Tuy nhiên, do vướng một số thủ tục nên kế hoạch đưa máy bay về đến nay vẫn đang trong vòng bí mật.
Cùng thời điểm này, thị trường chứng khoán cũng rộ lên thông tin vị phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB - Nguyễn Đức Kiên dự kiến tậu máy bay riêng. Tuy nhiên, ông này nói với VnExpress.net, chưa có ý định mua máy bay.
Một quan chức Cục Hàng không VN cho biết quy định của Việt Nam hiện nay không cấm cá nhân sở hữu máy bay riêng, miễn là đảm bảo các quy định về an toàn, kỹ thuật... Hiện việc mua máy bay tư nhân đã phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc hiện đã có vài ba chục máy bay tư nhân, duy ở Việt Nam chỉ có một vài doanh nhân dám mạnh dạn sở hữu phi cơ riêng.
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, máy bay thuộc sở hữu của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam và của pháp nhân Việt Nam có trụ sở hoạt động chính tại Việt Nam được phép đăng ký tại Việt Nam. Điều 28, chương 1, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam xác nhận quyền sở hữu, chiếm hữu, thuê mua hoặc thuê có thời hạn đối với máy bay. Người sở hữu chuyên cơ phải tuân thủ các điều kiện về độ an toàn, bảo vệ môi trường, chứng chỉ bay… và tuân thủ các quy định của cảng hàng không nội địa. |
(Theo Hồng Anh - VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com