TS. Lê Hồng Sơn tại xưởng chế biến. |
Hôm rồi, tôi được xem chuyên mục câu chuyện sức khỏe hàng tuần của VTV2, có chương trình về tác dụng bổ dưỡng nhiều mặt của đỗ tương (còn gọi là đậu nành). Đến khi tiến sĩ (TS) Lê Hồng Sơn xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, tôi bị bất ngờ khi ông nói rằng trong hạt đỗ tương cũng có chất độc đấy, phải khử hết mới hoàn hảo. Và hiện ở Hà Nội vừa đưa vào hoạt động một dây chuyền công nghệ chế biến đậu nành hoàn chỉnh do trong nước tự thiết kế, chế tạo có khả năng khử chất độc trên, giữ được các chất dinh dưỡng tự nhiên, điều đặc biệt nữa, đây không chỉ là công nghệ lần đầu tiên có ở nước ta mà cả với thế giới.
TS. Lê Hồng Sơn hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ thực phẩm VINANUSOY, nhưng trước khi trở thành doanh nhân, ông từng là nhà khoa học trong biên chế Nhà nước. Ông nói với tôi rằng, trong đời có một lần quyết định rất khó khăn là vào đầu năm 2005, tự nguyện xin thôi biên chế Nhà nước. Không phải cơ quan chủ quản của ông là Viện Thiết kế và quy hoạch nông thôn không tiếc, không muốn giữ cán bộ chuyên môn giỏi, song Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn đã có chủ trương khuyến khích những ai muốn thử sức mình trên thương trường, thực sự dùng năng lực chuyên môn để làm giàu cho xã hội. TS. Lê Hồng Sơn trăn trở nhiều trước khi đi đến một quyết định táo bạo như vậy.
Một người say nghề
Ông đã có hơn 15 năm làm việc đầy hứng khởi, hiệu quả ở một cơ quan nghiên cứu. Sinh ra trên vùng quê nghèo Hoằng Phúc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, hồi học hết phổ thông, Lê Hồng Sơn đủ điểm đi nước ngoài, học tại Học viện Nông nghiệp Timiriadep, Liên Xô (cũ) và ông đã không do dự chọn ngành gắn bó với đồng ruộng là nông hóa thổ nhưỡng. Tốt nghiệp đạt bằng đỏ, lại có giải thưởng khoa học trong thời kỳ sinh viên, ông được giữ lại làm tiếp nghiên cứu sinh. Cuối năm 1989, ông bảo vệ thành công học vị tiến sĩ với đề tài Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng đến hệ men trong cây lúa. Cũng từ luận văn này, ông đã có một bằng sáng chế về phân bón vi lượng tổng hợp nhằm giải độc cho đất, tăng sức đề kháng, sức chống chịu sâu bệnh cho cây trồng. Và bằng sáng chế về phân bón vi lượng của ông đã áp dụng tại vùng trồng lúa Cratxnoda của Liên Xô đạt kết quả tốt. Khi về nước, tiếp tục bổ sung những nghiên cứu của mình, TS. Lê Hồng Sơn cho ra đời loại sản phẩm hợp chất hữu cơ vi lượng cao cấp POSIMIX PTS9 dùng cho lúa, rau màu, đậu, cây ăn quả, được nhận bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Rời cơ quan Nhà nước ở tuổi 45, tuổi còn sung sức và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ông lập Công ty TNHH Thái Dương YAMADA, chuyên chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông đã đưa nhiều giống lúa mới, phân vi lượng của Nhật Bản vào đồng ruộng Việt Nam. Nổi bật gần đây, Công ty Thái Dương sử dụng POSIMIX tại hầu khắp các huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa. Kết quả trên đồng ruộng cho thấy: năng suất đạt 65tạ/ha, tăng 600 - 1.000kg/ha so với ruộng lúa thông thường, chi phí mỗi ha lúa bón POSIMIX giảm 12,1%, tính chung diện tích dùng loại phân này cho giá trị thu nhập cao hơn trước đây dùng phân thông thường tới 3,5 triệu đồng. Không chỉ với cây lúa, Lê Hồng Sơn nghĩ ngay đến một loại nông sản quan trọng ở nước ta sau lúa và ngô, đó là đỗ tương. Đỗ tương có hàm lượng đạm (protein) cao nhất trong các loại hạt. 100g đỗ tương chứa 411 calo, 34g protein, 18g chất béo, 168mg canxi, 2,7 mg sắt và đầy đủ các chất khoáng dinh dưỡng, các vitamin, amino axit, đặc biệt còn có isoflavones tiền tố sản xuất các chất estrogen, phytoestrogen và nhiều axit béo không no khác rất cần thiết cho cơ thể. Các nghiên cứu gần đây, sữa đậu nành không đơn thuần là thức uống ngon, bổ dưỡng, 1 trong 6 loại đồ uống tốt nhất có lợi cho sức khỏe, giảm thiểu cholesterol, tăng cường hệ xương, giảm các triệu chứng xấu trong giai đoạn mãn kinh của phụ nữ mà còn có tác dụng ngăn ngừa các loại ung thư như: ung thư vú, tiền liệt tuyến, tử cung, trực tràng... Vào tháng 10/1999, Cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từng khuyến cáo: "25g đạm đậu nành hàng ngày có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ đau tim". Trong hạt đỗ tương cũng có chất độc, bằng chứng là khi đun không chín kỹ để chế biến thành các sản phẩm như đậu phụ, tào phớ, sữa nước... thì người sử dụng có thể bị chóng mặt, đầy hơi, trướng bụng. Đó là do hạt có hai loại men độc là soyin và antitrepxin rất khó khử. Dù sao đỗ tương là của quý trời đất ban tặng cho con người, nếu không có hiểu biết thấu đáo thì trong quá trình chế biến dễ làm mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng, tức là vô cùng lãng phí thứ "vàng xanh" ấy. Đậu phụ khi ép khuôn làm một lượng lớn vitamin nhóm B bị cuốn theo nước, bên cạnh đó người ta thường dùng thạch cao (CaSO4) làm chất đông kết, hoặc dùng chất bảo quản (natri benzoat) đều không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra bỏ bã, tức là bỏ phần lớn chất xơ rất cần thiết cho sự tiêu hóa. Ngay cả ở các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu hiện nay, chế biến đỗ tương theo phương pháp "phun sấy" hiện đại tuy đạt năng suất cao, bột mịn nhưng cũng đã để mất theo lượng nước bốc hơi hầu hết các vitamin cùng nguyên tố vi lượng.
Quyết định táo bạo
Là người có đầu óc thực tiễn, Lê Hồng Sơn hiểu rõ, đi vào lĩnh vực mới mẻ này để đạt tới một loại sữa bột đậu nành thực sự nguyên chất, vấn đề đầu tiên phải giải quyết là công nghệ. Giờ đây, chính việc "làm ngoài" lại có lợi thế, nhà khoa học và doanh nghiệp dễ dàng liên kết, đầu tư mà không vướng mắc thủ tục hành chính phiền hà như ở cơ quan Nhà nước thường gặp. Liên kết để tập trung chất xám và vốn, tạo ra sự đột phá nhanh nhất. Lê Hồng Sơn tìm đến những người bạn trong ngành chế tạo thiết bị. Và ông đã tập hợp được một nhóm các nhà khoa học đầu ngành trong nước như GS. Lê Nguyên Lương, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội; các TS. Nguyễn Trọng Thơm, Phạm Anh Tuấn, Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), về sau còn có sự giúp sức của một số chuyên gia người Canada. Nhóm này đã nhanh chóng đi đến quyết định tìm một công nghệ mới chưa hề có tiền lệ ở trong nước và thế giới, điều đó thể hiện sự tự tin cao ở mỗi thành viên. Trong hai năm (2006 - 2007), họ đã làm được một khối lượng công việc đáng khâm phục: lựa chọn sơ đồ công nghệ tối ưu; thiết kế, gia công chế tạo; lắp đặt hoàn chỉnh một dây chuyền gồm mấy chục loại máy móc, thiết bị khác nhau. Khâu nguyên liệu đầu vào cũng được tính toán kỹ lưỡng. Đỗ tương mua chủ yếu từ cao nguyên ĐăkLăk, là vùng nguyên liệu tốt nhất hiện nay, về đến nhà máy vẫn sử dụng thủ công để loại bỏ những hạt non, lép, do vậy càng nâng được chất lượng đầu ra. Nhà máy lấy tên "Trường Xuân", đặt tại xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội, đi vào hoạt động từ cuối năm 2008, với công suất 3 tấn/ca, 2.500 - 3.000 tấn sản phẩm/năm. Hiện có 3 loại sản phẩm chính: sữa bột Trường Thọ có đường và không đường (dùng cho người bị tiểu đường); sữa bột Trường Xuân dùng cho phụ nữ. Nhà máy đang chuẩn bị cho ra đời loại sản phẩm mới là sữa bột dùng cho trẻ em, có thêm các nguyên tố vi lượng giúp trẻ chóng lớn, thông minh. Vừa qua, ngành y tế kiểm tra, kiểm định các sản phẩm của Công ty CPCNTP VINANUSOY và đã cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, cho phép lưu hành rộng rãi trên thị trường.Tháng 6/2009, sữa bột đậu nành cao cấp Trường Xuân còn được Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam và Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam trao huy chương vàng cùng danh hiệu "Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng". Tiếng lành đồn xa, hiện nhà máy luôn chạy hết công suất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nhiều tỉnh, thành cả nước. TS. Nguyễn Trọng Thơm, Tổng giám đốc VINANUSOY, người chủ trì chính về công nghệ cho rằng, dây chuyền đầu tiên đã đi vào hoạt động, coi như kết thúc giai đoạn phòng thí nghiệm (pilot), rồi đây công suất sẽ còn được nâng cao, có thêm dây chuyền mới hơn đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Điều hành một lúc cả hai công ty (Thái Dương YAMADA và VINANUSOY), TS. Lê Hồng Sơn luôn bận rộn với việc kinh doanh, tổ chức nghiên cứu phát triển. Nhìn lại đoạn đường vừa trải qua, ông cũng không giấu được niềm vui, tự hào với công việc cùng các đồng nghiệp đã làm được. Ông bảo, khi quyết định ra khỏi biên chế là chấp nhận mạo hiểm với bản thân, gia đình. Và vừa qua, mạo hiểm bỏ công sức, vốn liếng với hạt đỗ tương, chúng tôi đã có được sự khởi đầu như ý. Vào thương trường là phải chấp nhận mạo hiểm, song biết chớp thời cơ, đi đúng hướng thì tin rằng sẽ còn gặt hái những thành công mới!
(Theo Phạm Quang Đẩu // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com