Thiếu nữ Sán Dìu bêncây vải thiều muộn. |
Tự mày mò thử nghiệm nhiều năm, người dân Sán Dìu làng Muối (Lục Ngạn, Bắc Giang) đã thành công trong việc điều chỉnh vải thiều chính vụ thành muộn vụ, biến loại quả này từ chỗ luôn trong cảnh được mùa mất giá thành một đặc sản, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Sau sáu năm kể từ khi lên giúp dân chế biến vải muộn đóng lọ thuỷ tinh quy mô hộ gia đình, đầu tháng 7 này tôi mới có dịp trở lại làng Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Tôi vẫn nhớ từ thị trấn Chũ theo quốc lộ 31, hướng đi Sơn Động khoảng 12 km rẽ trái là tới thôn Muối. Lâu ngày trở lại, cảnh vật đổi thay đến khó nhận ra khiến tôi đi quá đường tới Tân Hoa. Quay xe trở lại đến chợ Phì Điền (xã Phì Điền) thấy một thanh niên, hỏi đường vào làng Muối, thấy anh ta lắc đầu, lạnh nhạt. Hỏi lại lần nữa, anh ta phát ra một tràng tiếng Trung Quốc. Thì ra đây là một thương nhân Trung Quốc đến mua vải muộn mang về nước bán.
Cây vải thuộc họ Bồ Hòn (Sapindaceae), tên tiếng Anh, tiếng Pháp là Litchi. Hiện nay dân ta trồng ba loại vải: vải sớm, vải thiều chính vụ và vải thiều muộn. Đặc điểm của vải sớm là chua, khả năng chống chịu nhiệt độ khá. Chính vì vậy dân trong Tây Nguyên (các huyện Krông Pac, Krông Năng của tỉnh Đác Lắc; Krông Nô, Đăk Mil của tỉnh Đác Nông) thường trồng vải xen cà phê vừa làm cây che bóng mát vừa cải thiện thu nhập. Vải sớm thu hoạch vào trung tuần tháng 4 dương lịch, bán thường được giá. Vải thiều chính vụ thì luôn luôn trong vòng luẩn quẩn được mùa thì mất giá, chỉ được giá khi mất mùa.
Vải thiều muộn, đúng như cách gọi, được thu hoạch vào quãng đầu cho đến giữa tháng 7 dương lịch. Thời điểm này, trên thị trường, vải đã trở thành loại hoa quả khá hiếm vì vậy bán rất được giá. Nhưng làm thế nào để có được vải muộn? Thay đổi quy luật của thiên nhiên, của đất trời là chuyện không đơn giản!
Ấy thế mà vài ba năm lại đây, dân trồng vải làng Muối lại thành công trong việc “hãm”, làm chậm lại thời gian thu hoạch vải thiều, qua đó xóa được cái “quy luật” nghiệt ngã “được mùa mất giá”.
Vậy vải thiều muộn (hiện đang được bán với giá 25000đ/kg, cao gấp đôi so với vải chính vụ) tại làng Muối, Lục Ngạn, Bắc Giang đích thực có từ bao giờ và do ai, do cơ quan nào bày cách?
Chở vải ra chợ Phì Điền bán cho thương lái.
Làng Muối có hơn 300 hộ dân, hơn 1500 nhân khẩu, tất cả đều là người người dân tộc Sán Dìu. Cả làng trồng hơn 200 mẫu vải. Dân trong làng, người học cao thì hết lớp 7, còn lại phần lớn mới qua bậc tiểu học. Ấy thế nhưng đúng là “cái khó ló cái khôn”, qua bao vụ đau đầu nhức óc trăn trở tìm đầu ra cho quả vải chính vụ, cuối cùng người dân làng Muối chợt nghĩ: vải sớm bán được giá, vải muộn còn được giá hơn, vậy tại sao không tìm cách để làm cho vải thiều ra muộn hơn? Nếu vải chín muộn chẳng những không bị ép giá mà còn bán được với giá cao, người ta tranh nhau mua. Mày mò thử nghiệm giãn vụ mãi, cuối cùng người làng Muối cũng đã đạt được điều mình mong ước: cây vải thiều của làng đã cho ra sản phẩm muộn hơn vải thiều chính vụ từ 20 đến 25 ngày.
Câu chuyện nghe thì có vẻ đơn giản nhưng những người am hiểu về nông nghiệp thì mới biết đó là cả một kỳ tích. Chuyện thay đổi chu kỳ sinh trưởng của cây ăn quả lưu niên theo đúng ý mình là rất khó; đã thế lại còn phải lo mất mùa, lo ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm… Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ kiêm phó Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn Vy Văn Tư, người dân tộc Sán Dìu cho biết: Dù thu hoạch muộn hơn đến gần một tháng so với vải thiều chính vụ nhưng chất vải vẫn không thay đổi. Vẫn là cây ấy, vẫn đất ấy, dân chúng tôi đâu có dùng dao dùng kéo để mà “phẫu thuật” cây được đâu. Chuyện dùng hóa chất nhập ngoại như một số người hoài nghi thì lại càng không có!
Anh Tư đưa tôi đến nhà anh Tô Văn Hải, Bí thư Chi bộ thôn Muối kiêm phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Sơn. Nhà anh đang bán vải muộn trên đồi vải sau nhà. Cây nào cũng trĩu quả đỏ tươi, trông thật ngon mắt. Tôi hỏi: Để vải chín muộn thế này, anh có bí quyết gì không?
Anh Hải cười, cũng một giọng chân chất giống hệt anh Tư: Bí quyết gì đâu anh! Bức xúc vì cứ được mùa chính vụ lại bị rớt giá, ép giá, gia đình tôi tự mày mò “hãm” cây thôi. Dân Sán Dìu chúng tôi quyết là phải làm bằng được.
Anh Vy Văn Ba là trưởng thôn Muối, năm nay 51 tuổi, dáng người mảnh khảnh, rất cởi mở. Hỏi về quy trình làm vải muộn, anh nói vanh vách không phải suy nghĩ vì kiến thức thực tiễn đã in trong đầu: Dân làng tôi đã thử nghiệm nhiều loại phân bón gốc, bón lá và thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, phải bám sát nông lịch, thời tiết để định thời gian khoanh cành. Rồi thì kết hợp nhìn cây, nhìn trời, nhìn đất để điều chỉnh cho vải chín chậm. Những việc này nói không tính toán thì không phải, nhưng nó là cảm quan, là kinh nghiệm (*).
Thế mới biết, để có vải muộn thật dễ mà cũng thật khó. Người dân phải tốn rất nhiều công sức theo dõi, chăm sóc định kỳ. Lá, quả nào bị bệnh phải hái bỏ ngay. Phân bón gốc, bón lá và thuốc bảo vệ thực vật phải được sử dụng kịp thời vừa tránh lãng phí vừa tránh ảnh hưởng môi trường. Cách thức chung là thế nhưng khi làm thì mỗi nhà mỗi khác, phụ thuộc chất đất, chất cây, (cách dân làng Muối gọi các yếu tố Thổ nhưỡng- Nông hoá- Cây trồng) nước tưới, độ cao của mạch nước ngầm và hiện trạng chung của cây trong vườn.
Anh Vy Văn Tư và nữ sinh viên trường Đại học Newcastle bên vườn vải thiều muộn.
Ở thị trấn Chũ, gặp anh thanh niên Nguyễn Văn Cung (thôn Cẩm Định, xã Thanh Hải) đang thồ vải muộn đi bán, tôi hỏi anh xem để làm vải muộn có cần đến hoá chất nhập ngoại như Ethrel, B9 mà một số người làm vải sớm, vải chính vụ dùng không? Anh Cung bảo chỉ cần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là đủ, có điều rất tốn công chăm sóc.
Tại vườn vải nhà anh Tô Văn Hải, máu nghề nghiệp nổi lên, tôi đo độ Brix (phản ánh độ đường Fructo) trong quả vải nhà anh được 17-18, mỗi cân từ 30-35 qủa. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là mấy chục quả vải mọi người ăn tại vườn không thấy quả nào bị sâu đầu quả. Đây là một tiêu chuẩn bắt buộc mà những thương nhân Trung Quốc nêu ra khi nhận hàng.
Trước đây khi chỉ thuần vải chính vụ người làng Muối phải chen nhau xếp hàng chờ cân vải cho tư thương, giá thì bèo bọt mà vẫn mong bán được. Nay chuyển được sang thu hoạch muộn, xe máy chở vải ra đến chợ Phì Điền được bao nhiêu hết ngay bấy nhiêu. Từ chỗ lo ế, vải thiều làng Muối giờ đã “trăm người bán vạn người mua”.
Vải muộn được giá gấp đôi so với vải chính vụ, đời sống dân Sán Dìu làng Muối đã có sự cải thiện đáng kể. Cái nghèo đã dần bị đẩy lui khỏi cổng làng, nhiều nhà khấm khá, dựng lại nhà ngói mới, xây nhà tầng khang trang. Năm 2004, khi dân ở đây làm vụ vải muộn thứ 2, số nhà dân có điện thoại cố định chỉ tính trên đầu ngón tay, nay điện thoại cố định không dây, điện thoại di động đã trở nên phổ biến, nhiều nhà dùng ba bốn chiếc. Đời sống đi lên, nhiều nét văn hoá của người Sán Dìu bị lãng quên trước đây, giờ lại được phục hồi như việc may, mặc trang phục cổ truyền dân tộc, tục đám cưới lại...
Sự cần mẫn, chăm chỉ một nắng hai sương cùng sự năng động, sáng tạo đã đem lại cho người dân Sán Dìu làng Muối thương hiệu vải muộn đặc sản. Và đó chính là tiền đề, chứ chẳng phải là sự ngẫu nhiên, cũng chẳng do “phép màu” nào cả, để họ có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
(Theo Trần Khánh Dinh -Viện Nghiên cứu rau quả // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com