Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người thương binh làm giàu từ đá

Khi ông tính chuyện phát triển kinh tế từ những hòn đá trên núi thì mọi người trong gia đình đều hoài nghi, còn bà con hàng xóm thì lắc đầu, nghĩ ông có vấn đề…

Ông Nguyễn Cảnh Hưng - Ảnh Chinhphu.vn

Với đôi bàn tay khéo léo, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Cảnh Hưng ở xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) đã biến những hòn đá vô tri  giác thành những hòn đá cảnh có giá trị kinh tế cao, mang về hàng tỷ đồng mỗi năm và giúp đỡ hàng trăm gia đình làm giàu.

Tình nguyện vào nơi mưa bom bão đạn

Ở tuổi 73, trên đầu đã điểm những sợi tóc bạc nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh và luôn cần mẫn làm việc. Ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh.

Ông Hưng kể, ông là con một nên được miễn không phải đi bộ đội. Nhưng đất nước đang trong cảnh chiến tranh ác liệt, ông nhận thấy mình cần phải làm việc gì đó để đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ông tình nguyện viết đơn xin đi bộ đội, xông pha vào nơi mưa bom bão đạn. Tháng 2/1964, ông lên đường nhập ngũ để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ ở lại quê nhà.

Sau một thời gian huấn luyện, ông được bổ sung vào một đơn vị bộ binh thuộc Quân khu 4, chiến đấu ở các mặt trận đường 9 – Nam Lào, Bình Trị Thiên và Huế.

 Trận đánh ác liệt làm ông nhớ nhất là trận đánh diễn ra vào tháng 5/1967, ở khu vực Cù Dinh –Ba Re thuộc tỉnh Quảng Trị, đơn vị của ông phải đánh trả lại sự đổ bộ của hơn 1.000 lính thủy đáng bộ Mỹ. Trận đánh kéo dài hơn một tháng mới kết thúc.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Hưng tâm sự: “Dù phải chiến đấu trong hoàn cảnh rất ác liệt nhưng chúng tôi vẫn không lùi bước”.

Ngày 1/1/1968 đơn vị của ông tham gia chiến dich tết Mậu Thân, đánh chiếm khu vực chợ Đông Ba, Huế. Sau 5 ngày chiếm đóng đơn vị ông được lệnh rút ra vùng Quảng Điền. Trong một trận đánh, ông bị thương gãy chân trái và mất một ngón tay. Ông được phẫu thuật ngay tại chỗ, phải cắt bỏ chân trái trong điều kiện không có thuốc gây mê. Cuối năm 1968 ông được chuyển ra Bắc để điều trị và trở về quê nhà trên  đôi chân đi tập tễnh trên chiếc nạng gỗ.

Kiếm tiền tỷ từ đá

Ngày về nhà đoàn tụ với vợ con, lòng ông nặng trĩu. Bởi vợ ông một nách nuôi sáu đứa con nhỏ trong khi đó cuộc sống gia đình ông chủ yếu phụ thuộc vào làm ruộng nên gặp rất nhiều khó khăn. Ông lại bị mất một chân, sức khỏe có hạn.

Hàng đêm ông luôn trăn trở phải làm cách nào đó để cải thiện kinh tế gia đình, cùng vợ nuôi các con ăn học.

Mới đầu, ông mở một quán nước nhỏ gần nhà bán cho khách qua đường, dù cố gắng, mỗi ngày ông cũng chỉ kiếm được vài ba nghìn. Cuộc sống gia đình ông vẫn thiếu thốn đủ bề.

Ngồi bán nước, nhìn vào những ngọn núi trước mặt, ông tự nhủ, tại sao mình không làm giàu từ những hòn đá trên núi.

Nghĩ là làm, ông lấy chiếc xe đạp đã cũ, một mình vượt hơn 20 cây số lên núi lấy đá mang về nhà. Khi ông tính chuyện phát triển kinh tế từ những hòn đá. Mọi người trong gia đình đều hoài nghi, còn bà con hàng xóm thì lắc đầu, ngao ngán.

Với đôi bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo, ông đã thổi hồn vào những hồn đá vô tri vô giác. Ông cần mẫn đục đẽo những hòn đá thô sơ rồi ghép lại với nhau thành những tác phẩm nghệ thuật như hòn Trống Mái, núi Vọng Phu… có giá trị kinh tế cao, bán cho khách qua đường.

Chỉ sau 3 ngày, ông đã bán hết toàn bộ số sản phẩm làm ra, thu về hơn 200 nghìn và mua được hơn 2 tạ thóc, đó là năm 1980.

Thời điểm ấy, cả xã chỉ có một mình ông làm nghề đá cảnh. Khi nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng, ông không chỉ đi tìm đá ở các ngọn núi trong tỉnh mà còn lặn lội sang tận Hòa Bình để lấy đá.

“Làm nghề đá cảnh cũng gặp nhiều nguy hiểm, có những lần đi lấy đá, phải trèo lên những ngọn núi cao, không ít lần bị ngã, trầy xước chảy máu. Thậm chí, có lần thoát chết trong gang tấc”, ông Hưng tâm sự. 

Thấy sản phẩm của ông có mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo nên khách hàng tìm đến với ông ngày càng đông. Nhiều khách sạn và khu du lịch nổi tiếng cũng đến đặt hàng. Thậm chí, ông còn xuất khẩu đá cảnh ra một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Úc…

Từ năm 1999 đến nay, ông xuất được 23 container đá cảnh ra nước ngoài, thu về hàng chục tỷ đồng. Mỗi năm, ông có tổng doanh thu từ đá cảnh gần 4 tỷ đồng.

Nghĩa tình đồng đội

Khi đã ăn nên làm ra, trở thành tỷ phú từ nghề đá cảnh, ông không giấu nghề mà còn mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ những người đồng đội cũ phát triển kinh tế từ nghề đá cảnh.

Ngay từ đầu những năm 1990, ông đã chủ động mở các lớp tập huấn làm đá cảnh cho các hội viên cựu chiến binh, các gia đình thương binh, liệt sĩ và người dân trên toàn xã. Kinh phí tự ông bỏ ra.

Tại các lớp tập huấn, ông tận tình chỉ bảo mọi người cách chọn đá, tạo hình cho đá. Những gia đình nghèo, chưa có nguyên liệu làm đá cảnh, ông sẵn sàng giúp đỡ. Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều cựu chiến binh trên toàn tỉnh Hà Nam đã tìm đến chỗ ông học nghề. Tính đến nay, ông đã dạy cho hơn 100 gia đình làm nghề đá cảnh, giúp họ làm giàu.

Nhờ vậy, ngoài cây lúa, xã ông đã có thêm nghề làm đá cảnh, những gia đình làm với quy mô nhỏ cũng thu về vài trăm triệu đồng, còn những hộ làm quy mô lớn thu về vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, ông Hưng đang là Chủ tịch hội đá cảnh tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Thanh Liêm.

Với những thành tích trên, năm 2002, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2006 được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng ba và được UBND tỉnh Hà Nam tặng bằng khen nhiều năm liền.

Ngồi nhìn những hòn đá cảnh trước mặt, ông bảo: “Niềm vui lớn nhất là tôi đã giúp được nhiều cựu chiến binh thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề đá cảnh. Như vậy là tôi cũng đã làm được điều gì đó xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường”.

(Theo Nguyễn Thắng // Tin Chính phủ)

  • "Tướng chăn vịt" và câu chuyện làm giàu của người cựu tù Phú Quốc
  • Đam mê và giàu nghị lực
  • Đổi đời với ca cao
  • Độc đáo “ Hoa đất sét” !
  • Làm giàu từ nuôi đặc sản rừng
  • Người Sán Dìu thành công làm vải muộn
  • Trồng kiểng: làm chơi ăn thật
  • Người “bán kẹo” giỏi nhất Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao