Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những thăng trầm của doanh nhân Việt

Chuyên gia kinh tế Giản Tư Trung - Hiệu trưởng, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân PACE. Ảnh: Internet

Ông Giản Tư Trung sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, tốt nghiệp ĐH Kinh tế và ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh. Ông khởi sự kinh doanh bằng thành lập Cơ sở Nhựa Chợ Lớn, từng làm việc cho 3 trong số 4 tập đoàn tư vấn lớn nhất thế giới là KPMG, PWC và DTT, UB Chứng khoán nhà nước, đứng đầu công ty kiểm toán.

Sau nhiều năm học tập và tích lũy kinh nghiệm trong và ngoài nước, ông đã cùng một số cộng sự sáng lập ra Tổ hợp Giáo dục PACE. Hiện ông giữ cương vị Hiệu trưởng, Giám đốc điều hành Trường Doanh Nhân PACE.

Tamnhin.net
xin giới thiệu những chia sẻ của ông Giản Tư Trung về doanh nhân.

Doanh nhân 1.0, 2.0: Họ là ai?


Việt Nam không có một lịch sử kinh thương lâu đời, bởi xã hội xưa xem kinh doanh là việc không đáng trọng. Mãi đến đầu thế kỷ 20, các doanh nhân tiền bối như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… đã vẽ nên một diện mạo mới cho kinh thương Việt Nam. Nhưng dù tài năng và khát vọng có thừa, thế hệ doanh nhân “tiền bối” này cũng phải sớm dừng bước theo dòng chảy của thế sự.

Một thời gian rất dài sau đó, lịch sử kinh thương của ta là những trang sử khá buồn tẻ và đơn điệu. Cũng có một vài điểm đáng chú ý của kinh doanh ở khu vực miền Nam nhưng nhìn chung vẫn còn lẻ loi bên dòng chảy rộng lớn của kinh thương thế giới. Tiếp đó, kinh doanh gần như không có chỗ trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bảo hộ mậu dịch...

Đến khi đổi mới, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) chính thức được ban hành, và Luật Doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi... thì những mạch ngầm của dòng chảy kinh thương Việt Nam mới bắt đầu được khơi gợi.

Những doanh nhân thế hệ 1.0 đầu tiên của lịch sử kinh thương thời kỳ đổi mới đã ra đời. Phần đông trong số họ ra sức làm ăn để kiếm cơm, kiếm tiền và làm giàu, mang lại hạnh phúc cho mình và tạo dựng sự nghiệp riêng. Nhưng chính sự bộc phát này cũng tạo nên những hạn chế nhất định trong tính cách của đa số doanh nhân 1.0. Họ chưa quan tâm nhiều đến trách nhiệm xã hội hay đạo đức kinh doanh và thường chỉ làm ăn đơn lẻ trong nước và chủ yếu cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau.

Giai đoạn tiếp theo với hàng loạt sự kiện mang tính chất “cột mốc” đối với giới doanh dân Việt Nam. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (1999) với một tư tưởng cách mạng “người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm”, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (2005) đã chọn ngày 13-10 hàng năm làm ngày tôn vinh doanh nhân, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) với tinh thần “Đảng viên được làm kinh tế tư nhân”... đã mang đến làn gió “tự do kinh doanh” tươi mới cho người dân. Có thời gian, chỉ riêng TPHCM, mỗi tuần, lại ra đời thêm hơn 400 doanh nghiệp mới.

Trong bối cảnh đó, cùng với sự gia nhập WTO, với sự xuất hiện của những luồng tri thức kinh doanh toàn cầu vào Việt Nam, với sự tham gia thị trường của những tập đoàn đa quốc gia, sự trở về và khát vọng cống hiến của những người Việt xa quê; những doanh nhân Việt Nam uy tín hơn, có tâm và có tầm hơn đã xuất hiện. Đây có thể gọi là thế hệ doanh nhân 2.0.

Thế hệ này, bao gồm những doanh nhân trưởng thành từ thế hệ 1.0 và những doanh nhân mới, đã thực sự vẽ nên chân dung của những người chủ nhân của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ sôi động nhất. Họ đã hình thành một giới riêng, chứ không còn là những nhóm người đơn lẻ trong xã hội. Một lực lượng doanh nhân đã bắt đầu trỗi dậy và nhiều doanh nhân trong thế hệ này đã cùng chia sẻ sứ mệnh: Kiếm tiền bằng cách phục vụ xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Môi trường kinh doanh của thế hệ này cũng xuất hiện sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa các đối tượng vận hành trong cùng một lãnh thổ và bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ hơn của yếu tố quốc tế hóa trong giao thương.

Cùng với thành công này, có rất nhiều doanh nhân thế hệ 2.0 đã được xã hội tôn vinh vì những đóng góp thiết thực của họ cho sự phát triển chung của kinh tế đất nước nhưng cũng không ít người đã bị "đốn ngã"hoàn toàn bởi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thế hệ doanh nhân mới: 3.0

Những tư tưởng của thời cuộc và sự thay đổi của bối cảnh xã hội đã hình thành nên những đặc tính rất cơ bản của mỗi thế hệ doanh nhân. Và chính cuộc khủng hoảng hiện nay, cùng bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn về nhiều mặt của Việt Nam với thế giới cũng đã định danh những đặc tính cơ bản cho thế hệ doanh nhân của ngày mai: Doanh nhân 3.0.

Đó là những con người có khát vọng mới - khát vọng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới, dù quy mô của doanh nghiệp là lớn hay chỉ nhỏ gọn trong phạm vi gia đình, dù là đua tranh ở bên ngoài đất nước hay đua tranh với thế giới ngay trong “nhà” của mình, chứ không chỉ là đua tranh giữa các doanh nhân Việt với nhau. Đó còn là khát vọng dẹp bỏ những hình ảnh “doanh nhân Việt xấu xí” mà thay vào đó là khát vọng xây dựng hình ảnh mới đẹp hơn cho cả cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Doanh nhân 3.0, là những con người có năng lực mới - năng lực quản lý và lãnh đạo mới để có thể thực hiện được khát vọng mới nói trên. Đó là những doanh nhân: có khả năng nhìn xa (không chỉ 2 năm, 5 năm, mà có thể là 20 năm, 30 năm... thậm chí là xa hơn) và trông rộng (không chỉ giới hạn ở tầm nhìn VN, mà còn có khả năng nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi trên thế giới); có khả năng sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công cùng những con người với đủ màu da, quốc tịch, chủng tộc, cũng như tôn giáo...

Tất nhiên, doanh nhân 3.0 không thể không mang trong mình những giá trị mới, những phẩm chất, những văn hóa mới làm nền tảng giúp doanh nhân có năng lực thực hiện khát vọng của mình. Những giá trị mới này, không nằm ngoài nền tảng đạo đức kinh doanh mà ông cha đã dày công vun đắp, không nằm ngoài tinh thần phụng sự xã hội mà thế giới tôn vinh và cũng không nằm ngoài cái “đạo kinh doanh” mà thế hệ doanh nhân 2.0 đã bắt đầu nghĩ đến và tạo dựng. Những giá trị nền tảng (core values) đó có thể là: Tín thực (Integrity), Tiên phong (Leadership), Khát vọng (Aspiration), Dấn thân (Dedication), Tôn trọng (Respect)…

Ai sẽ là những người tham gia vào thế hệ doanh nhân 3.0? Đó hẳn là thế hệ doanh nhân trẻ mới được trui rèn và những doanh nhân hiện nay biết cách tự tái tạo lại bản thân mình, tự làm mới mình bằng khát vọng mới, năng lực mới và giá trị mới, trên nền tảng kế thừa những gì mà thế hệ doanh nhân 2.0 đã bước đầu tạo dựng.

Xã hội đang chờ đợi sự “trở mình” của những doanh nhân muốn khẳng định mình trong thời đại mới. Xã hội đang mong mỏi sự xuất hiện của những niềm tự hào quốc gia trong cuộc đua tranh toàn cầu. Xã hội đang sẵn sàng tôn vinh những người con người dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh, để tạo dựng những giá trị vững chắc và trường tồn cho chính mình, cho dân tộc mình và mang nhiều giá trị cho thế giới.

Cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là nhìn thấy cơ hội và cách hay nhất để thoát khỏi bế tắc là nhận ra con đường dài phía trước. Một nền kinh doanh mới đang chờ đợi chúng ta. Việt Nam đang thực sự cần những doanh nhân 3.0 dẫn dắt những doanh nghiệp 3.0 trong hành trình chinh phục nền kinh doanh 3.0. Đó sẽ là những con người lật lịch sử kinh thương Việt Nam sang trang mới và viết tiếp cho đời sau.

(Theo Hiền Lương – Công Thọ // Tamnhin)

  • Doanh nhân nói về áp lực kinh doanh
  • Cộng điểm từ nội lực
  • Cô nàng 'nhảy' việc
  • Làm thuê để làm chủ
  • Nuôi 'công chúa', 'hoàng tử' trên núi
  • Giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc - Trung - Nam 2010
  • Nguyễn Nam Phương: 'Ngọn hải đăng' trên biển
  • Cô chủ art doll mới lạ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao