Là những doanh nhân tiêu biểu và thành đạt, song phần lớn họ vẫn cho rằng, để hoà nhập với đội ngũ doanh nhân thế giới, doanh nhân Việt Nam vẫn cần thêm thời gian tích luỹ kinh nghiệm. Đặc biệt, trọng trách và ý thức xã hội được các doanh nhân nhận diện rất rõ ràng.
Ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hoà |
Cần 5 năm để đưa Vinacaphe ra thế giới
Trong cạnh tranh, điểm mấu chốt ở mỗi DN là nội lực. Các doanh nhân phải có cách nhìn nhận đúng quy luật thị trường, tận dụng, khai thác tối đa cơ hội mà thị trường đem lại bằng thế mạnh, sở trường của mình.
Chúng tôi đã xác định kế hoạch xây dựng Vinacaphe không chỉ là thương hiệu mạnh của Việt Nam, mà là một thương hiệu mạnh của khu vực trong vòng 5 năm tới. Chính vì vậy, dù là DN có cổ phần chi phối của Nhà nước, nhưng cá nhân tôi không quá đặt nặng vấn đề sở hữu, mà điều quan trọng là, trong kinh doanh, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật.
Tất nhiên, doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước ở góc độ nào đó có thuận lợi, song có khó khăn riêng. Nhưng đã là một doanh nhân, quan trọng nhất là có tầm nhìn chiến lược, có khả năng tập hợp lực lượng để thực hiện chiến lược đó và hơn thế, chiến lược này phải được xây dựng phù hợp với DN, với điều kiện kinh tế xã hội ở từng giai đoạn.
Tích luỹ vốn song song với kinh nghiệm quản trị
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Bắc Mỹ An – Furama Resort |
Sau thời gian dài học hỏi, nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm từ các DN có vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, doanh nhân Việt Nam tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm. Biểu hiện rõ nhất là doanh nhân Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng khá thành công, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực. Ở mảng tiêu dùng và dịch vụ, DN Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhiều DN nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, năng lực cạnh tranh của DN phụ thuộc vào nhiều yếu tố: công nghệ, tri thức, quy mô vốn và môi trường đầu tư. Ở góc độ nội lực, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục học hỏi, để tích luỹ vốn, song song với kỹ năng quản trị và hoà nhập với kinh tế quốc tế. Có lẽ cũng phải mất ít khoảng 5 năm nữa để có những bước ngoặt lớn.
Phải xác định được tầm nhìn cho DN
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op Mart |
Xây dựng và phát triển doanh nghiệp là nỗ lực của mỗi cá nhân trong DN. Trong đó, lãnh đạo là người kết nối mọi người thành một tổ chức hoàn chỉnh, vững vàng đi đến thành công; là người xác định được tầm nhìn tương lai cho DN, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và luôn tìm kiếm sự thay đổi phù hợp với sự phát triển của DN và xã hội.
Ở Saigon Co.op, phương châm làm việc “mình vì mọi người” sẽ tiếp tục tạo nên những thành công.
Tất nhiên, bên cạnh những nỗ lực liên tục của doanh nghiệp, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch mạng lưới bán lẻ trên từng địa bàn dân cư, làm cơ sở để các doanh nghiệp xác định được hướng phát triển của mình.
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh (TP.HCM) |
Doanh nghiệp tư nhân có vai trò ngày càng lớn
Vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, trong cơ chế thị trường hiện nay ngày càng lớn. Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi với doanh nghiệp, với người lao động, với sự nghiệp của mình trong các quyết định kinh doanh.
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thích ứng với những biến động lớn của thị trường, cũng như những thay đổi trong điều hành chính sách. Chúng tôi cần nhất sự hậu thuẫn từ môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định.
Sức đề kháng của DN mạnh hơn
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Giày An Thịnh và Đô Ba |
Doanh nhân Việt Nam đã học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm được khá nhiều, đặc biệt là trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là “phép thử” khốc liệt. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã trụ vững, sức đề kháng mạnh mẽ hơn.
Tôi cho rằng, nền kinh tế cần những những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, có sức đề kháng mạnh, kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp có thể quy mô còn nhỏ, nhưng sức bền và năng lực nội tại chính là điều kiện để họ phát triển ngày một lớn hơn, tạo thêm việc làm cho người lao động, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đang lớn lên, môi trường kinh doanh có tác động rất lớn.
Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn |
6 chữ cốt lõi trong kinh doanh: quy luật, chu kỳ, xu hướng
Kiến thức, tư duy toàn cầu, am tường luật pháp quốc tế là những điều mà các doanh nhân hiện tại phải trang bị. Kế đến là liên kết hợp tác trong một xu thế mới. Doanh nhân cũng cần đặc biệt để tâm đến 6 chữ cốt lõi: quy luật, chu kỳ, xu hướng. Nhờ 6 chữ này mà trong năm 2009, Thái Tuấn đạt tăng trưởng cao nhất trong 10 năm.
Khát vọng của chúng tôi là trở thành thương hiệu thời trang toàn cầu. Trên cơ sở tái cấu trúc tầm nhìn, chúng tôi tiến hành tái cấu trúc chiến lược đầu tư chiều sâu trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là quản lý và tay nghề cao, đầu tư công nghệ mới để thực hiện tầm nhìn, vươn ra khu vực và thế giới, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, những dự báo cơ bản về tầm vĩ mô cũng như diễn biến kinh tế thế giới là những điều mà chúng tôi đang thiếu, khó tiếp cận. Nếu thiếu dữ liệu này, chúng tôi khó có tiên liệu, phương án dự phòng trong kinh doanh.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com