Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Ông chủ' Gỗ Trường Thành: Đi lên từ hai bàn tay trắng

Từ một xưởng sơ chế gỗ nhỏ, Trường Thành trở thành một doanh nghiệp gỗ hàng đầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Cách đây chừng 20 năm, cái tên Gỗ Trường Thành còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng. Bởi lúc đó mới chỉ là một xưởng nhỏ - ông chủ đồng thời là thợ - chuyên gia công sản phẩm phục vụ bà con khu vực Tây Nguyên và làm hàng theo yêu cầu của các xưởng sản xuất lớn.

Vừa làm vừa mày mò

- Ông có thể kể đôi chút về quá khứ, thời mà ông vừa chân ướt chân ráo bước chân vào sản xuất và kinh doanh gỗ?

Sinh trưởng ở Sơn Tây (Hà Nội), tôi được biết ở nước ta còn có rất nhiều vùng nguyên liệu về gỗ. Ngay sau khi rời quân ngũ, tôi đã nghĩ đến chuyện làm thế nào để tận dụng được ưu thế các vùng nguyên liệu này. Tuy nhiên, phải đến năm 1979, khi vào Nam lập nghiệp, cơ hội mới đến.

Có thể nói, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển hàng xuất khẩu: nhân công dồi dào, chi phí thấp, tay nghề lại rất tốt. Hơn nữa, như tôi nói, nguyên liệu rất sẵn, mặc dù nhiều năm trước đây, chúng ta đã xuất nguyên liệu thô làm hao hụt không ít tài nguyên và các doanh nghiệp gỗ hiện đang phải nhập khẩu nguyên liệu thêm. Bên cạnh đó, các quy định ngày càng thông thoáng hơn, doanh nghiệp được cấp quota xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến, nên có thể đẩy mạnh sản phẩm với chất lượng cao ra thị trường quốc tế.

- Bước ngoặt nào đã đưa xưởng gỗ sơ chế này lên một quy mô và vị thế mới, thưa ông?

Cuối năm 1998 và đầu năm 1999, do tăng cường gia công sản phẩm, chúng tôi thu được kết quả lợi nhuận lên tới 7 tỉ đồng, bằng mức lợi nhuận của 3- 4 năm trước cộng lại. Chúng tôi quyết định tái đầu tư bằng phương thức mua lại một doanh nghiệp nước ngoài tại Bình Dương, đó là tiền thân của Trường Thành Bình Dương I - công ty mẹ của tập đoàn hiện nay.

- Ở thời đó, khi nghiệp hoạt động tư vấn, tài chính doanh nghiệp chưa nở rộ như hiện nay, vì sao ông nảy sinh ý ông mua lại doanh nghiệp nước ngoài? ông tự thực hiện hoạt động mua - bán này hay thông qua một tổ chức trung gian tư vấn nào?

Đúng nghĩa là chúng tôi vừa làm vừa mày mò. Chưa có một tiền lệ nào, mà cũng không biết hỏi tổ chức trung gian tư vấn nào. Nhưng tôi dám làm, vì nghĩ rằng với quy mô và hệ thống cơ sở của xưởng gỗ Trường Thành, muốn phát triển lớn, không thể không đầu tư. Bài toán đơn giản là mua lại hệ thống sản xuất sẵn có của một doanh nghiệp nước ngoài, với mức giá rẻ, khi người ta đang có nhu cầu bán, thì sẽ lợi hơn là đầu tư mới. Nhất là, điều đó hợp lý với mức vốn đầu tư đang ít ỏi.

- Theo quan điểm của ông, có bí quyết để giúp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam cạnh tranh được với những doanh nghiệp lớn trong ngành này của Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ trên thị trường quốc tế?

Mỗi doanh nghiệp có thể có bí quyết cạnh tranh riêng. Tôi cho rằng "thương trường như chiến trường", đặc biệt đối thủ của chúng ta là Trung Quốc, cả hai cùng không chọn dòng sản phẩm cao cấp mà chọn dòng sản phẩm đại trà. Đây là một khó khăn rất lớn. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định rõ chiến lược là chỉ tập trung vào những đơn hàng lớn, ít mẫu mã, với số lượng nhiều nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất, cung cấp đến khách hàng những sản phẩm có chất lượng ổn định nhất. Hơn nữa, toàn bộ quy trình sản xuất khép kín từ khâu xẻ luộc, ngâm tẩm, sấy, phôi, định hình, lắp ráp, hoàn thiện đến đóng gói đều phải theo hệ thống tiêu chuẩn châu Âu và Nhật Bản. Đồng thời, được kiểm soát nghiêm ngặt bởi ban giám đốc khối sản xuất cùng đội ngũ kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp đầy kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm.

May mắn chỉ chiếm... 5%

- Nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đều đã rơi vào tình trạng thiếu những đơn hàng lớn?

Chiến lược chung là như vậy, nhưng cũng phải uyển chuyển cho phù hợp với từng thời điểm. 9 tháng đầu năm 2009, mặc dù các doanh nghiệp ngành xuất khẩu gỗ đều tăng trưởng thấp, nhưng về doanh số, chúng tôi đã đạt mức tăng trưởng hơn 40% . Đó là nhờ cách đây một năm rưỡi, đoán trước tình tình khó khăn do co hẹp thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã quyết định chuyển hướng, phân khúc lại thị trường. Trước đây chuyên làm hàng hạng sang cho những thị trường cao cấp, thì nay chuyển xuống làm hàng trung bình với giá trung bình và giá thấp, phù hợp với tiêu dùng của thời kỳ khủng hoảng. Nhờ đó mà Trường Thành vẫn tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng trong suốt thời gian khủng hoảng. Chúng tôi cho rằng mặc dù doanh nghiệp nhận đơn hàng với lợi nhuận thấp hơn, nhưng đó cũng là phương cách để duy trì sức mạnh của công ty, duy trì công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên.

- Trường Thành là một doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với kết quả lợi nhuận thấp, các cổ đông sẽ không tiếp tục đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp?

Bài toán nào cũng có rắc rối của nó, nhưng trong kinh doanh, không thể thiếu thẳng thắn và minh bạch. Tôi đã nói và còn sẽ tiếp tục khẳng định với các cổ đông là mong họ chưa nóng vội kỳ vọng gặt hái lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào Trường Thành ngay, bởi khó khăn chung chỉ vừa mới đi qua. Hiện Trường Thành có rất nhiều rừng đang đến tuổi khai thác, nhiều đất đai để phục vụ một chương trình trồng rừng lớn, mỗi năm trồng từ 3.000 - 5.000ha và trên số đất đai đang quản lý 34.000ha thì chương trình trồng rừng đã lên đến 100.000ha. Những chương trình đầu tư này được tổ chức một năm trước đây. Lẽ dĩ nhiên, đầu tư nhà máy hay trồng rừng không thể mang lại hiệu quả ngay lập tức. Theo kế hoạch, vào đầu năm 2010, Trường Thành sẽ có những khoản lợi nhuận đột biến đến từ những chương trình đầu tư trước đây.

Tôi cho rằng trong bối cảnh này, nếu Trường Thành tăng trưởng lên 10 triệu USD, có nghĩa là một công ty, một nhà máy khác ở Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan có thể phải đóng cửa; bởi vì đơn hàng năm nay trên thế giới sút giảm tới 30%. Và, theo nguyên lý đó, sau khi thị trường hồi phục, các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp gỗ Việt Nam như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... sẽ có khả năng yếu đi. Đó chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

- Ngoài thẳng thắn và minh bạch, theo ông, điều gì mà người lãnh đạo cần chú trọng khi điều hành doanh nghiệp?

Con người - Nhân lực, đó là mấu chốt của mọi vấn đề. Mỗi năm, chúng tôi chi đến mấy tỉ đồng cho việc đào tạo nhân lực. Chúng tôi có Trung tâm đào tạo nhân lực ngành gỗ tại Đắk Lắk. Ở trụ sở tại Bình Dương cũng có phòng học khoảng 200 chỗ, mời giáo viên nhiều nơi về giảng dạy cho anh em nhân công. Doanh nghiệp nào cũng vậy, nếu có một đội ngũ đoàn kết, chuyên nghiệp, thợ giỏi tay nghề, quản lý năng động và sáng tạo, thì không lo gì không phát triển.

- Chuyên làm hàng xuất khẩu, Trường Thành có gặp khó khăn gì khi quay lại khai thác thị trường nội địa?

Trường Thành đã khai thác thị trường nội địa hơn 3 năm qua nhưng chưa nhiều. Giai đoạn khủng hoảng gần đây, chúng tôi có những chương trình đánh mạnh vào thị trường nội địa. Khó khăn nhất là về mẫu mã và phương thức thanh toán. Trường Thành dự kiến xây dựng một nhà máy mới, sản xuất những sản phẩm chuyên biệt cho thị trường nội địa với giá không cao lắm so với túi tiền người tiêu dùng.

- Ông có nhận thấy mình may mắn khi trở thành doanh nhân thành đạt, được kết nạp vào Câu lạc bộ Doanh nhân Thế giới?

Tôi có được những thành quả như hôm nay, 80% là nhờ nội lực, 15% là kiến thức và 5% còn lại là may mắn. Niềm tin là vậy, khao khát là thế, nhưng con đường đi đến thành công không là con đường luôn bằng phẳng. Để tồn tại, để không bị sự đào thải của thị trường, tập thể chúng tôi luôn phải giữ vững lập trường của mình, đó là tạo ra sản phẩm chất lượng tốt với giá thành hợp lý. Thành quả của một doanh nghiệp không bao giờ được đúc kết chỉ nhờ sự vun đắp của một vài cá nhân.

Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành

Bao gồm bảy nhà máy chính, tổng diện tích hơn 240.000m2, với 90% sản lượng xuất khẩu. Năm 2005, đoạt giải "Cúp Vàng chất lượng quốc tế 2005" tại Tây Ban Nha và "Giải chất lượng vàng Việt Nam 2005". Năm 2008, được bình chọn trọn trong danh sách "Top 30 Thương hiệu Quốc gia".

(Theo doanhnhan360)

  • Trương Văn Bền: chỉ huy trưởng kỹ nghệ
  • Tỷ phú chăn nuôi trên đất đồi gò
  • Trở thành tỷ phú từ... một con nhím
  • Doanh nhân và phong thủy
  • Những thăng trầm của doanh nhân Việt
  • Doanh nhân nói về áp lực kinh doanh
  • Cộng điểm từ nội lực
  • Cô nàng 'nhảy' việc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao