Cửa hàng thức ăn nhanh Big Bang là một trong những vụ đầu tư nhớ đời của Lê Trường Giang |
Hoàng Thành Đức - sinh viên năm cuối khoa khoa học máy tính Trường đại học KHTN (TP.HCM) - quyết định hoãn chuyến du học của mình đầu năm học vừa rồi. Điều níu chân Đức là thị trường chứng khoán VN.
Đức thú nhận mình không đam mê lĩnh vực máy tính đang theo học, nên anh chàng tự tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư tài chính. “Mình muốn trở thành một chuyên gia tư vấn chứng khoán” - Đức nhận ra điều trên sau khi thử tham gia đầu tư thật trên thị trường này. Với số vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng, có lúc thua lỗ lên đến 30% vốn, nhưng hiện tại tổng vốn tham gia thị trường của Đức đã lên đến hơn 30 triệu. Bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, Đức học bằng cách tự trải nghiệm với những thất bại của mình. “Khi đầu tư bắt đầu lỗ, mình hoài nghi kiến thức đã có và học từ kinh nghiệm của những người đi trước” - Đức nói.
Võ Duy Anh - sinh viên năm cuối Đại học KHTN - cũng đã tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2. Bắt đầu với số vốn 15 triệu, lúc đầu lời đến 100 triệu đồng rồi thua lỗ gần hết, nhưng với Duy Anh đó là những trải nghiệm “để không mất năm tỉ, mười tỉ sau này”.
Không chỉ mặn mà với lĩnh vực đầu tư, nhiều sinh viên còn trực tiếp tổ chức kinh doanh.
Nguyễn Đăng Phong - sinh viên năm cuối Trường đại học Mở, đã kinh doanh khá nhiều vụ trước khi lên kế hoạch mở cửa hàng bán hoa đúng theo sở thích của mình. “Cửa hàng cần vốn ban đầu 400 triệu đồng. Mình đang xây dựng đội ngũ các cộng sự và vạch ra chiến lược cho cửa hàng” - Phong chia sẻ. Mất hơn bốn tháng để chuẩn bị cho ngày khai trương, Phong phải lo từ nguồn cung đến tìm hiểu thị trường tiêu thụ, xoay nguồn vốn... “Kinh nghiệm từ những lần kinh doanh trước giúp mình đỡ vất vả hơn. Nhưng lần này mình được thử nghiệm với việc xây dựng kế hoạch dài hơi gần mười năm và cách xây dựng thương hiệu cho cửa hàng” Phong cho biết.
Lê Trường Giang - sinh viên năm 3 Trường đại học Bách Khoa TP.HCM - cũng thử sức kinh doanh ngay từ năm đầu đại học. “Mình sang nhượng lại một quán bán thức ăn nhanh ở làng đại học Thủ Đức. Và đó thật sự là vố nhớ đời với bọn mình. Mình và cậu bạn cùng góp vốn lỗ hơn 10 triệu đồng sau bốn tháng kinh doanh. Hai đứa phải đi làm thêm và tiết kiệm trong một thời gian dài để trả nợ” - Giang kể lại. Thế nhưng thất bại lần đó cũng là kinh nghiệm quý báu để Giang tiếp tục thử sức với những kế hoạch kinh doanh sau này. Bài học mà Giang rút ra: “Khi chưa nắm vững nguyên lý kinh doanh thì đừng vội đầu tư lớn. Hãy bắt đầu kinh doanh nho nhỏ thôi”.
Học làm giàu
CLB Investment (Đầu tư) do một nhóm sinh viên đam mê kinh doanh lập ra từ tháng 6-2010. Mỗi tuần sinh hoạt một lần với những nội dung về chứng khoán, tài chính cá nhân...
Phạm Thị Thùy Trang, một sáng lập viên của CLB, cho biết mục tiêu hướng tới của CLB là xây dựng môi trường chia sẻ những kiến thức về chứng khoán và tài chính cho sinh viên. “Nhiều bạn có ý tưởng kinh doanh, nếu có sự chuẩn bị tốt từ khi còn là sinh viên thì khi ra trường các bạn sẽ xây dựng cuộc sống tốt hơn” - Duy Anh, người đưa ra ý tưởng thành lập CLB, nói.
Chú trọng đến một sân chơi vừa học vừa hành, CLB “đảm bảo đã học là dùng được” khi hướng dẫn các thành viên tham gia đầu tư chứng khoán trên thị trường thật. “Thêm kiến thức về quản lý tài chính và có thêm cơ sở để củng cố những ý tưởng kinh doanh của mình” là điều Trần Thị Chi - sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ và tin học - thu hoạch được sau khi tham gia sinh hoạt với CLB.
Hồ Tiến Dũng - sinh viên năm cuối chuyên ngành chứng khoán Trường đại học Kinh tế TP.HCM - và nhóm bạn đã xây dựng nên CLB chứng khoán và lập ra Quỹ đầu tư để tạo một nơi mà “Người trẻ được phát triển ý tưởng, được học hỏi và được vấp ngã trong thực tế để trưởng thành”. Dũng cho biết “Tổng vốn của quỹ là 28 triệu đồng. Khi tham gia quỹ các bạn sẽ được tham gia phân tích thị trường và ra quyết định mua cổ phiếu nào”.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com