Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng giám đốc đi lên từ nhân viên khuân vác

picture
Đặng Đình Gia phát biểu tại lễ khai mạc giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV - Ferroli Cup 2010.

Từ một nhân viên khuân vác bình thường cho tới vị trí hiện tại là quyền Tổng giám đốc Ferroli Indochina, Đặng Đình Gia đã để lại dấu ấn tại những công ty anh đi qua.

Giản dị và điềm tĩnh, Đặng Đình Gia khiến người đối diện cảm nhận được sự gần gũi và thoải mái khi tiếp xúc. Sinh năm 1972, trong một gia đình có sáu người con tại một miền quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh, khi vừa học hết lớp 12, do hoàn cảnh gia đình, anh đã quyết định lên Hà Nội đi làm. Sáu năm vật lộn trên đất Thủ đô là quãng thời gian hết sức khó khăn khi anh phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống.

Cho đến tháng 8/1995, anh được nhận vào làm nhân viên khuân vác tại nhà máy Coca-Cola Ngọc Hồi. “Đó là một trong số ít các công ty vào thời điểm đó không đặt nặng tiêu chí bằng cấp. Bất cứ ai có tâm huyết và nghị lực đều được tạo điều kiện phát triển”, Gia nhớ lại.   

Đi làm để đi học

Tại Coca-Cola Ngọc Hồi, Gia đã bắt đầu với công việc của một nhân viên khuân vác rồi dần chuyển qua các vị trí nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng và điều hành bán hàng.

Một thời gian sau, anh đã được thăng chức Giám đốc bán hàng khu vực trong khi vẫn chưa có bằng đại học dù khi đó, anh đang theo học tại chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1997, anh rời Coca-Cola Ngọc Hồi để đảm nhiệm vị trí Giám đốc bán hàng khu vực miền Bắc và miền Trung của Nhà máy Bia Rồng Vàng.

Tuy nhiên, công việc mới  đòi hỏi anh phải di chuyển nhiều tới các tỉnh miền Trung trong khi vẫn phải duy trì việc học tại Hà Nội. Đặt trọng tâm cho việc học, anh xin nghỉ tại Rồng Vàng, sang làm cho Công ty Dược phẩm Mega Product của Thái Lan. Năm 2002, anh nhận bằng tốt nghiệp đại học. Cùng thời gian này, anh được tuyển dụng vào vị trí Phó giám đốc bán hàng phía Bắc của Công ty Mỹ phẩm LG Việt Nam. Sau hai năm gắn bó với công ty này, anh lại quyết định ra đi tìm cho mình những hướng mới.

Gần 10 năm lăn lộn, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau tại các công ty từ Bắc vào Nam đã mang lại cho Đặng Đình Gia những kinh nghiệm cũng như những điều kiện cần và đủ trong công việc quản lý. Năm 2005, anh gia nhập Ferroli Indochina - một công ty chuyên về bình nước nóng - với vị trí Giám đốc bán hàng và tiếp thị. Nhưng Gia vẫn chưa dừng việc học hành lại ở đó.

Bốn năm sau, anh lấy bằng MBA của một trường đại học Mỹ. “Sau khi hoàn thành khóa học, tôi cảm thấy như làm mới bản thân mình, cách nhìn của tôi cũng thay đổi so với trước đây”, anh tâm sự.

Là một người coi trọng việc học nhưng Gia lại quan niệm bằng cấp không phải là yếu tố quyết định khi lựa chọn nhân sự. Đó là lý do tại sao khi tuyển chọn nhân viên và cộng sự, ngoài yếu tố bằng cấp, Gia còn trao cơ hội cho những người giàu kinh nghiệm và lòng quyết tâm.

Cuộc phiêu lưu với Ferroli

Tính đến giờ, có thể nói hai bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Gia là khi ở Coca-Cola Ngọc Hồi và gia nhập Ferroli Indochina. Nếu như tại Coca-Cola Ngọc Hồi, anh được trao cơ hội để học hỏi và tự khẳng định mình thì tại Ferroli Indochina, anh đã có thể áp dụng những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong 10 năm lăn lộn.

Năm 2005, khi mới tới Ferroli Indochina, công ty vừa được thành lập và  bắt đầu lắp ráp sản phẩm bình nước nóng với một nhà máy có diện tích khoảng 2.300 m2 tại Từ Liêm (Hà Nội). Nhiệm vụ của Gia khi đó là xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm cũng như đưa ra các chính sách và chiến lược marketing của công ty tại Việt Nam. Nhiệm vụ mà anh phải đảm nhận tại công ty mới khác biệt với những công việc trước đây và nó đem lại ít nhiều những thách thức.

“Từ trước đến nay, các công việc của tôi thường chỉ tập trung vào hoạt động bán hàng và mạng lưới phân phối, ít khi tham gia vào các hoạt động marketing và định vị thương hiệu. Công việc tại Ferroli Indochina yêu cầu tôi phải đưa ra các sách lược marketing và tôi phải học và nghiên cứu về marketing để làm việc này”, anh nói.

Và thời gian đã chứng tỏ anh hoàn toàn có thể làm tốt công việc đó. Một thành công nổi bật trong việc quảng bá thương hiệu cho Ferroli chính là việc thương hiệu này trở thành nhà tài trợ chính cho giải bóng chuyền nữ quốc tế Cup VTV Ferroli năm 2010. Gia là người trực tiếp đứng đằng sau sự thành công đó. Lý do anh chọn tài trợ cho giải bóng chuyền nữ bởi đây là sự kiện thể thao thu hút rất nhiều khán giả đến nhà thi đấu cũng như khán giả xem qua truyền hình - đây là phân khúc khách hàng mục tiêu của sản phẩm bình nước nóng Ferroli.

Nhờ chất lượng sản phẩm cũng như những chiến dịch quảng bá thương hiệu đúng hướng, nhãn hiệu bình nước nóng Ferroli đã trở nên quen thuộc với khách hàng cả nước. Công ty này hiện đã trở thành một trong hai tên tuổi đứng đầu thị trường bình nước nóng của Việt Nam. Năm 2008, Ferroli Indochina đã đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội) với công suất 500.000 sản phẩm/năm. Hiện công ty cung cấp ra thị trường Việt Nam hơn 50 loại sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm bình nước nóng Ferroli còn được xuất khẩu đi các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, điển hình là Đài Loan và Hàn Quốc. Tăng trưởng hàng năm của Ferroli Indochina là hơn 50%, và dự kiến trong năm 2010 sẽ đạt mức doanh thu 300 tỷ đồng.

Đặng Đình Gia không quên nói về công sức của đội ngũ nhân viên, những người cộng sự đắc lực của anh. “Công ty đã may mắn khi có được một đội ngũ nhân sự trẻ trung mà hầu hết họ là những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực bình nước nóng này. Thành công của Ferroli Indochina hiện nay có rất nhiều công sức của họ”, anh nói.

Bí quyết thành công ư? Với Gia, là “cần có tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm”. “Kiến thức và kinh nghiệm thì có thể học được, nhưng tâm huyết là ở bên trong mỗi con người. Khi nào chúng ta thắng được bản thân mình thì ra thị trường mới có cơ hội phát triển”, anh nói.

(Theo Vneconomy)

  • Kẻ từng 'bóc lịch' trở thành tỷ phú từ tay trắng
  • Chăn vịt kiếm hàng chục tỷ đồng mỗi năm
  • Chuyện về người thanh niên làm kinh tế giỏi ở Hải Phòng
  • 'Vua dế' kiếm tiền tỷ trên dãy Tam Đảo
  • Khởi nghiệp từ vốn vay một con lợn
  • 'Ông chủ' Gỗ Trường Thành: Đi lên từ hai bàn tay trắng
  • Trương Văn Bền: chỉ huy trưởng kỹ nghệ
  • Tỷ phú chăn nuôi trên đất đồi gò
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao