Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tri thức và sáng tạo là nền tảng thành công

Nhà máy chế biến rau sạch tại Vân Hoà (Ba Vì, Hà Nội) của Tập đoàn Sáng tạo Sannam - tinkinhte.com
Nhà máy chế biến rau sạch tại Vân Hoà (Ba Vì, Hà Nội) của Tập đoàn Sáng tạo Sannam
Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về chuyện làm ăn của doanh nghiệp. Riêng với TS Hoàng Đình Phi, Chủ tịch Tập đoàn Sáng tạo Sannam, thì kinh doanh không hẳn là lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu...
 
Doanh nhân “nhiều trong một”

Tôi cùng TS. Hoàng Đình Phi lên thăm trang trại của anh vào một ngày cuối năm. Quãng đường từ Hà Nội lên Ba Vì dường như ngắn lại bởi câu chuyện đầy những kỷ niệm của anh về tuổi thơ, gia đình và quê hương.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng bù lại, anh được nuôi dạy trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ. Như bao bạn bè đồng trang lứa, ngay từ khi còn nhỏ, Phi đã gắn với đồng ruộng quê hương. Tuổi thơ trải qua bao nhọc nhằn của “nghiệp nông gia” hai sương một nắng…

Năm 1986, anh thi đỗ vào Trường đại học Ngoại ngữ quân sự. Sau khi kết thúc khóa học chuyển tiếp tại Liên Xô (cũ), về nước năm 1990, anh nhận công tác tại Học viện Quốc phòng. Thời điểm đó, tiếng Nga được “đón tiếp” không mấy mặn mà, anh quyết định bước vào một lĩnh vực đầy mới mẻ là xuất nhập khẩu vật liệu, kỹ thuật xây dựng.

Mang trong mình nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ, Hoàng Đình Phi quyết tâm mở riêng một doanh nghiệp với mục đích đơn giản là tạo việc làm cho bè bạn, người thân. Công ty Sannam đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Hóa ra quyết định táo bạo này lại là cú hích quan trọng đặt dấu ấn cho bước đột phá về sau.

Giải thích về tên gọi Sannam, Hoàng Đình Phi kể, trong tiếng Hán, có nghĩa là ba hướng nam. Chữ Nam thứ nhất là quê hương anh (xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, Nam Định), nơi đầy ắp kỷ niệm thuở thiếu thời. Chữ Nam thứ hai là Việt Nam - nơi trái tim anh luôn hướng về trong những năm tháng học tập ở nước ngoài. Chữ Nam còn lại là trong từ Đông Nam Á, thể hiện khát vọng phấn đấu của doanh nghiệp.

Nghe có vẻ lớn lao nhưng thực tình, khái niệm kinh doanh của Sannam khá đơn giản. Đó là một nhóm các công ty thành viên liên kết với nhau, trong đó Sannam là công ty mẹ chi phối và quản lý theo một chiến lược sáng tạo đã được hoạch định. Tất cả đều phục vụ mục tiêu xây dựng Sannam trở thành một tập đoàn kinh doanh lấy học tập và sáng tạo làm nền tảng. Biểu tượng ngôi sao 4 cánh thể hiện 4 lĩnh vực chính, gồm công nghệ phần mềm, thương mại điện tử, cơ khí và nông nghiệp.

Có thể nói, Sannam là đơn vị tiên phong trong việc phát triển kinh tế tri thức, 15 năm qua vừa phát triển, vừa đầu tư sáng tạo công nghệ để làm ra sản phẩm cụ thể. Quan trọng hơn, Công ty không kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”. Điều này có nghĩa là trong một phạm vi nào đó, có thể Sannam không nhiều tiền bạc, nhưng lại giàu về trí tuệ, về khát vọng, về tình yêu, đất nước con người, cuộc sống và kinh doanh.

“Phải không ngừng học tập để nâng cao khả năng sáng tạo”, đó là điều mà Hoàng Đình Phi luôn nung nấu. Từ năm 1990 đến 2008, cho dù phải vật lộn với bộn bề công việc, nhưng anh vẫn không ngừng củng cố và mở rộng kiến thức, thể hiện qua các bằng đại học về luật, thạc sỹ quản lý công nghệ và kinh doanh quốc tế, tiến sỹ chuyên ngành quản lý kinh tế và hiện là giảng viên Bộ môn Quản trị chiến lược và Quản trị công nghệ của Trường đại học Thương mại Hà Nội.

Anh tâm niệm, một cá nhân khi đã nghiêm túc học tập và có khả năng sáng tạo, thì có nghĩa là họ đã học đến đẳng cấp và vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi họ thành công trên con đường của mình. Điều này đã trở thành bản sắc văn hóa của Sannam, đó là phải biết học tập để “nghiêm túc và sáng tạo trong công việc”, biết hành động để trở nên “thân thiện và cao thượng trong cuộc sống”.

Từ câu chuyện về một mô hình…

Tôi thực sự ấn tượng về cơ ngơi khang trang, môi trường làm việc khoa học và văn hóa doanh nghiệp mang đậm dấu ấn Sannam. Tọa lạc dưới chân núi Tản, thuộc địa phận thôn Đồi Voi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, với quy mô trên 20 ha, trang trại (đồng thời cũng là nhà máy chế biến thực phẩm Sannafood) được chia thành 3 khu chính, gồm khu sơ chế rau, khu sản xuất rượu mơ Núi Tản và khu nghỉ dưỡng.

Anh kể, 15 năm trước, với ý nghĩ đơn giản là biến nơi này thành địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần của gia đình. Thế rồi, từ chỗ chỉ trồng hoa, cây cảnh, anh đã “say” và quyết định đầu tư mở rộng quy mô. Công ty thực phẩm Sannamfood ra đời như thế.

Nghe thì đơn giản, nhưng đây là một quá trình cực kỳ gian nan. Với một doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, thì con đường duy nhất là phải tạo được hướng đi thực sự khác biệt và bằng chính nội lực của mình.

Anh Phi kể, có 2 câu chuyện làm anh nhớ nhất khi đầu tư Sannamfood. Thứ nhất là, tại thời điểm đó, nói đến nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch là những khái niệm hết sức mơ hồ, thậm chí, nhiều người còn không hiểu HACCP là gì, thì Sannamfood đã đáp ứng tiêu chuẩn này, từ rau sạch đến hoa quả sấy, phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Không những thế, Sannamfood còn là công ty đầu tiên thành công trong việc phát hiện, phân tích, nhân giống đăng ký bản quyền các loại rau rừng tự nhiên. Hiện Công ty đã gieo trồng được 20 loại rau khác nhau. Mô hình cung cấp rau của Công ty khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Thứ hai là, mối liên kết giữa các “nhà”. Thực tế cho thấy, chỉ có 2 nhà là doanh nghiệp và nhà nông. Công ty ký hợp đồng với hộ nông dân, đầu tư hạ tầng, hệ thống nước tưới tiêu, cung ứng vật tư, toàn bộ quy trình chăm sóc phân bón sạch, máy móc, chế biến, tiêu thụ, người nông dân có nghĩa vụ đến chăm sóc rau hàng ngày và thu hái sản phẩm. Mỗi gia đình sẽ được giao khoán 3 mẫu đất để trồng rau và được chia 50% sản lượng. Chẳng hạn, với rau ngót, sản lượng bình quân một hộ khoảng 1 tấn/ha, với giá thị trường 5 triệu đồng/tấn, sau khi chia 50% sản lượng cho nhà máy, thì mỗi hộ thu được 2,5 triệu đồng.

Việc hưởng lợi nhuận theo sản phẩm sẽ giúp các hộ nông dân trong quá trình sản xuất, bởi không phải hộ nào cũng có thể tiếp cận được vốn để có thể tự phát triển sản xuất theo ý mình.

“Bản thân doanh nghiệp như Sannamfood với đầy đủ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành qua 10 năm xây dựng phát triển, mà còn chưa đủ sức thuyết phục cán bộ ngân hàng cấp huyện về ‘tính khả thi’ của dự án, mà lại là dự án được ưu đãi số 1 (xét về mọi phương diện), thì bà con nông dân làm sao có thể tìm được ‘cửa’”, anh Phi nói.

… đến ước mơ về một nền nông nghiệp hiện đại

Mong ước lớn nhất của Hoàng Đình Phi là phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo anh, chúng ta có tiềm năng đất đai với diện tích đất nông nghiệp trải dài từ đồng bằng đến trung du miền núi, trong khi đó nông nghiệp không đơn thuần chỉ là trồng lúa, mà còn nhiều thế mạnh khác, tùy từng khu vực.

Điều quan trọng hiện nay là phải khắc phục điểm yếu của sản xuất nông nghiệp. Đó là tình trạng đất manh mún, dồn điền đổi thửa quá chậm, cánh đồng chia làm nhiều mảnh, nên năng suất lao động không những thấp, mà còn khó áp dụng cơ giới hóa, thủy lợi, đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, tại trung du, còn quá nhiều diện tích bị bỏ hoang, hoặc đang trồng những loại cây kém hiệu quả.

“Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, giá trị nông nghiệp không cao nhưng bền vững, lâu dài”, anh chia sẻ.

Lý do nữa là thực phẩm sạch là những mặt hàng thiết yếu của đời sống, nhất là khi điều kiện sống ngày càng được nâng cao, thì xu thế tiêu dùng càng hướng về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm tự nhiên hoàn toàn.

Con người ngày càng vươn tới những nhu cầu hưởng thụ cao hơn và an toàn cho sức khoẻ, nhiều sản phẩm đã vượt qua chất lượng thông thường, trở thành nét văn hóa ẩm thực. Rượu mơ Núi Tản của Sannam là một ví dụ điển hình. Mua công nghệ Nhật Bản không được, chuyên gia của Viện Công nghệ thực phẩm cũng bó tay. Vậy mà, bằng nỗ lực mày mò nghiên cứu, phát triển công nghệ, lên men từ mơ xanh thành rượu mơ thành phẩm, Sannam đã chế tạo thành công thương hiệu Rượu mơ Núi Tản nổi tiếng trong và ngoài nước.

Anh cho rằng, lực lượng, công cụ, nguyên liệu sản xuất không thiếu, thậm chí ở mức độ dư thừa, trong khi quan hệ sản xuất vẫn chưa thúc đẩy được mô hình phát triển hiệu quả nhất. “Không phải ngẫu nhiên mà trong 5 mục tiêu chiến lược Sannam xây dựng (sức khỏe tốt, đạo đức tốt, tri thức tốt, nghề nghiệp tốt và gia đình tốt), yếu tố sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Chúng ta đang phát triển nông nghiệp một cách thiếu tổ chức. Hậu quả trước mắt không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, bởi những sản phẩm gây hại sức khỏe, khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng, mà còn gây hệ lụy đến thế hệ sau”, TS. Phi nói.

(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư)

  • Ông Ba 'đất phèn' được phong Anh hùng Lao động
  • Giàu lên nhờ cà phê chồn
  • Phất lên nhờ trồng nấm
  • Phất lên nhờ 'gà sách đỏ'
  • Tỉ phú niken gốc Việt
  • Xây dựng thương hiệu quốc gia
  • Người cặm cụi “phù phép” cho… những rễ cây
  • Chuyện đại diện ở miền Tây
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao