Ông Sáu Đức nói: “Bây giờ chính sách thuế được Nhà nước khuyến khích nên không còn là điều quá lo lắng. Mai mốt nếu được đất đai cho nông dân tích tụ sẽ tạo điều kiện cho nông dân yêu nghề, càng giỏi nghề và có cơ hội làm ăn quy mô lớn. Tuy nhiên đi tới thành công và làm giàu, đất đai chỉ là điều kiện cần. Bởi lẽ tất cả chi phí đầu tư, sản xuất và tìm mối liên kết tiêu thụ nông sản nông dân phải tính toán, dự liệu như một DN thực thụ. Không phải nhất nhất thứ gì cũng trông cậy vào sự trợ giúp từ Nhà nước”.
Gió chướng ào ạt thổi mạnh ngọn lúa là lúc nước trên đồng rút cạn. Lúa mau mắn vượt lên xanh mượt, mơn man cùng gió dợn sóng nhấp nhô. Phóng tầm mắt xa rộng trên cánh đồng miền biên viễn Tây Nam, mỗi độ vào xuân, đồng lúa xanh mát như trải thảm đẹp như tranh vẽ. Rồi chẳng mấy chốc, bất chợt chiều hôm nao lúa trĩu bông cong oằn ngã sang sắc vàng óng ả. Cứ mãi mê nhìn lúa vào thì con gái như vậy mà Sáu Đức trụ chân lập nghiệp hàng chục năm trời ở đồng đất này. Dân làm ruộng nhà nghề ở An Giang hầu như ai cũng biết tiếng Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức) – một nông dân bền chí làm lúa trở thành nông gia đại điền trên vùng đất Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang). Anh nói, có làm ruộng mới thấy yêu thương cây lúa, quanh năm lo lắng chăm sóc như con. Hễ ngày nào ra đồng, cái cảm xúc ấy dạt dào như mới ngày nào đặt chân trên mảnh đất có sức quyến rũ kỳ diệu này.
Thảo nào xưa ông bà ta thường dạy con cháu, phàm ở đời điều gì có yêu, có quý thì mới tận tâm, tận lực hết lòng. Bất chợt, tôi liên tưởng hồi trong năm, hôm về Mỹ Hiệp Sơn - vùng tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang. Giữa mùa nước nổi, đứng trên con đê vững chãi của nông trại chuyên canh trồng khoai của Ba Hạo (Đỗ Quý Hạo), tôi ngỡ ngàng trước đồng khoai rộng lớn và độc đáo ở vụ mùa nghịch mà vẫn xoè lá, xanh mơn, rậm rì. Ba Hạo yêu đất này như máu thịt. Anh cầm củ khoai trên tay lấm lem bùn đất mà ánh mắt như say sưa trìu mến. Bây giờ thì nhiều người đã hiểu, hơn 20 năm miệt mài Ba Hạo từ nông dân tay trắng nay nổi tiếng là nông gia biết cách làm ăn lớn và làm giàu ở xứ này từ... củ khoai lang.
Tôi lại nhớ hồi trong năm, về vùng đồng tôm ven biển Bạc Liêu nhằm ngay đợt mưa dầm lê thê. Tôi lội sình bì bõm theo lão nông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) vòng vo quanh quẩn qua mấy vuông nuôi tôm. Ông già say sưa thuật chuyện nuôi tôm sạch trên quy mô rộng lớn vài chục hécta khiến tôi mê nghe mà quên mất cái lạnh giữa mưa dầm. Thành công liên tiếp, mỗi năm thu vô tiền tỷ. Nhưng tỷ phú nông dân mà thoạt nhìn qua cách ăn mặc giản dị của ông đố ai biết được. Tính nết của ông cũng chẳng xấu bụng giấu nghề. Ai hỏi gì, ông làm cách nào, ông đều kể lại hết cho nghe... để cùng làm giàu với ông. Có lẽ cùng một điểm chung của mấy ông nông dân tỷ phú ở miền Tây mà tôi gặp đều quả quyết: Nhà nông ai cũng có thể làm giàu. Chỉ có điều, thời nay muốn làm ăn lớn, đất đai phải rộng, phải cơ giới hóa... mới có cơ may cạnh tranh được. Chuyện bây giờ đã rõ. Cơn khát... đại điền ngày hôm nào nay có những nông dân giỏi kiểm chứng. Họ đã và đang làm giàu thật sự.
Vui đầu năm
Năm hết Tết đến, nghe chuyện nông gia làm ăn vẫn phát lên bất chấp thời kinh tế toàn cầu suy thoái thật ngoạn mục. Mấy ngày giáp Tết lão nông Sáu Ngoãn hồ hởi đúc kết: “Năm qua dân nuôi tôm sú ven biển miền Tây phấn khởi vô cùng, giá tôm bốc lên cao dữ dội. Trong tháng cuối năm vừa rồi tôi thu hoạch ao tôm vụ nghịch ngay lúc trúng giá thấy ham. Thiệt là trái ngược một năm 2008 bi đát trước đó, dân nuôi tôm... “sảng hoàng” buông tay thua lỗ 30-40%. Ngay cả tôi nuôi tôm sạch bền vững cũng ảnh hưởng kéo theo. Cả năm thu 90 tấn tôm bán ra giá trị giảm 30-35% vì rớt giá. Nhưng qua rồi hồi thắt ngặt, Tết năm nay nhà tôi vui lắm, tôi vừa nhận tin mình vinh dự được chương trình do Bộ NN-PTNT cùng Hội Nghề cá Việt Nam bình chọn là một trong top 10 DN xuất sắc trong tổng số 100 DN, cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh tiêu biểu trao tặng Cúp Vàng 2009 - danh hiệu Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam lần thứ nhất. Một niềm vinh hạnh mà Ban tổ chức cho biết như một sự tưởng thưởng cho DN và khích lệ nông ngư dân giỏi trong phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả để hướng tới ngành thủy sản phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập”.
Trở về vùng lúa, khoai, vào mấy tháng cuối năm khoai lang tím vụ nghịch giá nhảy vọt lên 7.500 đ/kg, thật đáng đồng tiền bù đắp mồ hôi nông dân khó nhọc, khắc khoải trong mấy tháng giá cả ì ạch ở mức 4.000 đ/kg. Ba Hạo vui mừng báo tin như vậy. Vì lúc này 10 ha khoai mùa nghịch của Ba Hạo đang vào kỳ thu họach. Tới nữa sau Tết ra giêng anh sẽ thu thêm 20 ha nữa. Theo cách đón gió xa gần, trước dấu hiệu kinh tế hồi phục, Ba Hạo đoán chắc sản phẩm khoai lang sẽ lên đời trở lại.
Trong khi đó, bên trên cánh đồng lúa mới vào Xuân, ông Sáu Đức vừa thăm đồng về, tôi gọi điện nghe giọng ông tươi rói, cười khà: “Lúa đông xuân vụ này ngon lành, sâu rầy ít lắm nên xanh mơn mởn nay vừa chớm trổ bông. Vừa rồi lại nghe lúa gạo đang có giá, mấy doanh nghiệp ký được thêm cả triệu tấn gạo xuất khẩu cho năm mới. Chắc phen này trời độ nông dân...”.
Vẫn còn khát…
Lần theo thời khẩn hoang khai phá vùng đất Nam Bộ xưa kia, đất miền Tây Nam Bộ ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Tiết trời ấm áp quanh năm, dân mần ruộng dù mặc áo quần phong phanh cũng chẳng lo chi đói rét. Nhưng rồi thời cuộc sang trang, số người địa chủ một thời nhà cao cửa rộng, điền đất trăm mẫu, tiền muôn bạc vạn nay đã mờ xa. Cách mạng mang lại ruộng cày cho nông dân. Và bẵng đi bao năm khi áp lực dân số gia tăng, đất đai chia sẻ manh mún, làm ăn quy mô nông hộ chừng 1-2 ha đất thì làm giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, cho con cái học hành chớ lấy đâu dư ra tích luỹ giàu lên cho được. Người lo xa bắt đầu lo lắng, còn trong giới nhà nông miền Tây đã có người âm thầm lách qua “giới hạn” của mức hạn điền, tích tụ đất đai để vươn lên làm giàu.
Đã có không ít người biết được hồi khởi nghiệp của lớp nông gia mới Sáu Đức, Ba Hạo, Sáu Ngoãn... trong đó, có người ban đầu chỉ tay trắng không có “hòn đất chọi chim” hay người có vốn nhiều nhất gom hết cũng chỉ mua được 2-3 ha đất. Dần dần có làm ăn nỡ nồi, như trang trại Sáu Đức mở rộng lên 70 ha, thường xuyên có 6-7 nhân công làm việc quanh năm và vào mùa vụ có tới 30 người. Một năm làm lúa thu vô tiền tỷ, đủ sức cơ giới hoá, chủ động giống 100%. Lo hết các khâu làm đất cày ải, bơm tưới, cắt gặt, suốt lúa... đảm bảo 100% bằng máy và còn dư sức 30% làm thêm dịch vụ cho những cánh đồng lân cận. Có thể nói ngày nay Sáu Đức đã biến cánh đồng từ làm lúa một vụ 4 tấn/ha trông cậy vào nước trời nay thành đồng lúa làm 2 vụ ăn chắc 13 tấn/ha/năm. Tính ra tổng thu một năm gần 1.000 tấn lúa, nếu tính 20 kg/giạ như ông bà xứ này làm lúa hồi xưa, thì mỗi năm Sáu Đức thu vào kho gần 50.000 giạ lúa, đủ sức chống chọi trước sóng gió thị trường.
Làm nông quy mô lớn nhất định phải tính chuyện cơ giới hóa, Ba Hạo cũng nhất trí như vậy. Bằng chứng sau hai năm hết quay đê chủ động trồng khoai tăng vụ, vòng quay đất từ 52 ha tăng lên 130 ha, rồi Ba Hạo dấn tới mở xưởng cơ khí, cải tiến và chế tạo công cụ máy làm đất cho tới khâu thu hoạch, kết quả giảm được 50% công lao động, Ba Hạo dự tính trong năm mới sẽ đầu tư thêm 150 triệu đồng nâng cấp nhà xưởng chế thêm máy đào mương, máy phun thuốc cỏ, máy trồng khoai tự động và đăng ký thực hành chứng nhận Global GAP cho khoai lang.
Một chiều cuối năm khi mùa tôm thắng lợi khép lại, ngồi bên tách trà bốc khói, ông Sáu Ngoãn dõi nhìn ngoài mấy ao tôm giăng giăng. Ông nhẩm kể ra cho tôi nghe biết bao công việc chi li của nghề nuôi thủy sản. Nào là đòi hỏi kỹ thuật làm ăn bài bản, lên lịch từng ngày, từng giờ. Bất chợt, ông thắc mắc: “Làm ăn lớn hàng chục hécta đất thì với nông gia biết cách làm thì chẳng đáng ngại điều gì. Chỉ mỗi điều lo ra bên ngoài, nhà nông cần lắm làm ăn theo kiểu liên kết bốn nhà. Lâu nay tôi nghe nói hoài, liệu rằng bước sang năm mới các nhà kia có chịu xáp vô thật sự hay chưa ?”.
(Theo Đức Hưng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com