Bắt đầu với 500.000 đồng vốn nhưng với đam mê nghiên cứu, sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, anh Giang Mãng Phước đã trở thành một trong những nhà sáng chế “có tiếng” tại TPHCM. Từ 3 triệu đồng lợi nhuận thu được từ sáng chế đầu tiên vào năm 2000, anh Phước đã thành lập Công ty Sản xuất trang thiết bị kỹ thuật y tế Phước Vinh, việc “hiện thực hóa” các sáng chế đã mang lại cho công ty doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng/năm.
Cáng cứu thương đa năng của anh Giang Mãng Phước chịu được sức nặng của 5 người lớn. |
Từ đơn hàng... của vợ
Thời điểm cuối những năm 90 trước đây, trang thiết bị y tế ở nước ta rất khan hiếm, hầu như phải nhập khẩu toàn bộ với chi phí đắt đỏ, gây khó khăn cho công tác khám và điều trị bệnh: Từng là thợ cơ khí làm việc tại nhà máy dệt Việt Thắng, có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu cấu tạo các thiết bị y tế khi làm nhân viên bán hàng, bảo hành tại Công ty Trang thiết bị y tế TPHCM, từ 1998, anh Giang Mãng Phước bắt đầu lao vào nghiên cứu, tìm hiểu và sáng chế các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trong ngành y.
Con đường khởi nghiệp của anh cũng thật tình cờ. Năm 1999, vợ anh, bác sĩ Nguyễn Thị Trọng mang về nhà một chiếc nhãn áp kế Maclakov, hỏi anh có làm được không, anh gật đầu và bắt đầu con đường “sáng chế” khoa học của mình.
Được vợ chi 500.000 đồng cho nghiên cứu, với vốn liếng kiến thức về chế tạo và thời gian dài tìm hiểu về trang thiết bị y tế khi làm việc tại Công ty Trang thiết bị y tế TPHCM, chỉ một tháng sau, anh đã chế tạo xong chiếc nhãn áp cầu nhưng bị trả lại do chưa đủ tiêu chuẩn. Anh Phước tiếp tục mày mò nghiên cứu, nhờ các chuyên gia y tế trong lĩnh vực mắt tư vấn để hoàn thiện sản phẩm của mình. Cuối cùng, sau những thử nghiệm nghiêm ngặt, Bệnh viện Mắt TPHCM đã xác nhận nhãn áp kế của anh đạt tiêu chuẩn và đặt hàng.
Với chất lượng tốt, giá chưa bằng 1/10 giá thiết bị ngoại nhập, chiếc nhãn áp kế đã mang lại cho anh 3 triệu đồng lợi nhuận đầu tiên, là động lực giúp anh tiếp tục lao vào sáng chế, thương mại hóa sản phẩm ngay sau đó.
Từ 3 triệu đồng ban đầu, anh Giang Mãng Phước mạnh dạn thành lập Công ty Phước Vinh, chuyên sản xuất trang thiết bị y tế vào năm 2000. Ngay trong thời điểm này, HIV-AIDS đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Nắm bắt được nhu cầu xã hội, anh Phước lại lao vào nghiên cứu máy hủy kim tiêm, vốn là mối đe dọa lớn đối với bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ và người dân. Cuối năm 2000, máy đốt kim tiêm do anh sáng chế ra đời, có thể đốt kim, xi lanh kim loại thành tro trong tích tắc, an toàn, hiệu quả. Đây lại là sáng chế thành công thứ hai của anh, sản xuất được trên 5.000 chiếc, cung cấp cho rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại TPHCM.
Sau nhãn áp kế, máy đốt kim tiêm, anh tiếp tục chế tạo tủ đựng dụng cụ y tế, khử trùng bằng tia cực tím, dụng cụ khám chữa bệnh trong lĩnh vực răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng…, đặc biệt là sản phẩm cáng cứu thương đa năng của anh được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2006, đoạt giải thưởng sáng chế TPHCM 2008, được đánh giá cao tại Chợ công nghệ và thiết bị ASEAN 3+ tại Hà Nội 2009.
Sản phẩm với những ưu điểm đáng kể so với cáng ngoại nhập: có thể gập lại làm 4 để tiết kiệm diện tích; di chuyển linh hoạt nhờ 4 bánh xe; giá chỉ 2 triệu đồng (cáng ngoại nhập khoảng 240 USD); có thể chịu lực khoảng 350kg… Nhờ vậy, đến nay công ty của anh Phước đã sản xuất trên 3.000 cáng cứu thương, cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế tại TPHCM.
Từ ngày thành lập doanh nghiệp, suốt 10 năm qua, anh Phước luôn chú trọng tới việc thu hút nhân tài, kêu gọi những công nhân kỹ thuật, kỹ sư trẻ về làm việc, với những chính sách đãi ngộ xứng đáng. Đặc biệt, từ năm 2005, anh Giang Mãng Phước luôn tìm cách mời gọi trí thức Việt kiều về làm việc. Đến nay, người phụ trách kinh doanh của Công ty Phước Vinh là anh Trương Bạch Vũ, thạc sĩ quản trị kinh doanh đã học tập tại Mỹ.
Với anh Giang Mãng Phước, sáng chế là đam mê, niềm tự hào đồng thời cũng là mong mỏi một ngày không xa, người Việt Nam có thể tự sản xuất được máy móc, trang thiết bị trong mọi ngành nghề, thay thế được hàng ngoại nhập. Để làm được điều đó, các ngành chức năng cần đưa ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về các sản phẩm sáng chế; có các chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể đối với nhà sáng chế, các cơ sở phát triển sáng chế (y tế, công nghiệp, nông nghiệp…) mới có thể đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, sáng tạo; từng bước thay thế trang thiết bị nhập khẩu, phát triển khoa học công nghệ Việt Nam.
(Theo KIÊN GIANG // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com