“Mọi người thật sự thích sơmi Blank Label bởi vì họ có thể nói: tôi đã góp phần sáng tạo kiểu này”, Fan Bi trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Thượng Hải, nơi mà những chiếc sơmi Blank Label được may theo số đo, chi tiết khách hàng đưa ra và giao bất cứ nơi đâu trên thế giới trong khoảng bốn tuần.
Fan Bi, ông chủ 22 tuổi. Ảnh: NYT |
Fan Bi là giám đốc điều hành của công ty Blank Label. Kể từ dịp lễ Halloween năm rồi, Bi và ba cộng sự của mình – ở độ tuổi 19, 22 và 30 – tham gia loại hình “cùng sáng tạo”, một xu hướng nhỏ nhưng đang phát triển, sử dụng internet để khách hàng được tự tay thiết kế sản phẩm họ mua.
Lợi ích đối với những chủ doanh nghiệp tham gia mô hình kinh doanh này rõ ràng là chi phí thấp. Ví dụ như Blank Label, mô hình kinh doanh này không cần sản xuất sơmi mọi kiểu và mọi kích cỡ. Không cần thuê mướn kho trữ. Không cần thuê mặt bằng cho cửa hàng.
Trong một chuyến đi Thượng Hải, nơi cha mẹ Bi sinh trưởng, Bi nảy ra một ý nghĩ: dịch vụ may đo cho sinh viên với giá rẻ, nhưng chưa nghĩ đến kinh doanh qua mạng.
Sau đó Bi gặp Danny Wong, giờ đây là một sinh viên 19 tuổi chuyên ngành truyền thông tại đại học Bentley. Wong nộp đơn xin làm đại diện. Thích thú với tiêu chí “tạo cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà chế tạo”, Wong đã căn vặn Bi về các chiến lược tiếp thị, nhất là tiếp thị trên mạng. Họ quyết định hợp tác và vài tháng sau, Blank Label ra đời.
Cách đây vài tuần, trước khi quyết định viết về Blank Label, tác giả bài báo giới thiệu Fan Bi trên New York Times, cô Amy Wallace nhấp chuột vào trang web và thiết kế một kiểu sơmi cho đứa con trai 13 tuổi của mình. Đó là một chiếc áo sọc được làm hoàn toàn bằng chất liệu vải “xanh lá sôi nổi”. Tất cả loại vải của Blank Label đều mang những cái tên hết sức ấn tượng như thế. Wallace chọn kiểu may, kích cỡ, đường xẻ, loại cổ một nút, không túi và không cầu vai. Cả quy trình mất khoảng mười phút. Giá của cái áo đó là 72 USD. Những kiểu sơmi thông thường khác của Blank Label chỉ có 45 USD/cái.
Trang web cho xem một kiểu áo, trông có vẻ to. Nhưng khi Wallace kiểm tra, trong đơn hàng không liệt kê lớp lót cổ màu khác. Bất kể Wallace làm gì, cổ áo vẫn màu xanh lá thay vì màu xám đã chọn. Wallace nhấp chuột vào “Help”, gửi tin nhắn và ngay lập tức nhận được phản hồi, từ chính Bi.
Cách đây vài ngày, chiếc áo được giao đến. Đúng y như Wallace đã thiết kế, đúng như Bi cam đoan là nó sẽ như vậy. Cô Wallace nói: “Nếu con trai của tôi không thích, Bi cho tôi trả lại, sẽ không ai hỏi gì. Và đây là phần hay nhất: tôi đã góp phần tạo ra nó”.
(Theo Võ Phương // SGTT Online // New York Times)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com