Ở Đác Lắc, giới mộ điệu đồ thủ công mỹ nghệ được chế tác từ gỗ không còn lạ gì ông. Còn ở xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông, người ta lại nhắc đến với những cái tên gắn với công việc được cho “gàn dở” mà hết sức ý nghĩa của ông như: “Ông Tính gốc cây”, “ông Tính tổ hợp”, “ông Tính đồng đội”, “ông Tính gàn”... Tên ông là Đỗ Xuân Tính (SN 1955), một cựu chiến binh ở thôn 10, xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc.
Bỏ phố về rừng...
Chỉ riêng với cơ ngơi của ông ở Hoà Lễ thôi thì người ta đã có thể xem ông là “đại gia”. Vậy nhưng khi tiếp xúc với mọi người thì ông luôn thể hiện khí chất của một người lính: lối sống giản dị, lời nói bộc trực, mà cũng không kém phần hài hước. Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề về những việc ông đã làm được cho người dân địa phương, cho đồng đội cũ, ông cười khẳng khái: “Cái này thì tôi làm được! Và cũng chính vì điều này mà tôi được mệnh danh là “gàn” đó!”. Rồi ông bắt đầu kể về cái sự “gàn” của mình...
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tây (cũ), năm 1973 khi chưa học xong phổ thông thì ông xung phong lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu và được biên chế vào Tỉnh đội Đác Lắc. Năm 1991, khi đang mang quân hàm đại uý, ông chuyển ngành sang công tác tại Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên. Đầu năm 1994, trong một lần về thăm lại đồng đội, thăm lại chiến trường xưa ở Hoà Lễ, thấy đất đai ở đây còn nhiều, ông đùng đùng xin nghỉ việc không lương bỏ phố về khai hoang làm rẫy. Ông cười ha hả rồi bảo: “Tôi bắt đầu “gàn” từ độ ấy. Mặc gia đình can ngăn, mặc bạn bè khuyên nhủ, tôi đã quyết là làm!”.
Can ngăn không được, gia đình, bạn bè đành phải chịu, vét hết tài sản để cho ông đổ ra cải tạo đất. Sau 1 năm ông đã chuyển đổi được 70 ha đất hoang hoá đầy le, sậy thành đất rẫy trồng cà phê, lúa nước. Đến lúc này ông mới té ngửa ra bởi đất ở đây không có... nước! Giọng ông thảng thốt cứ như sự hụt hẫng của 16 năm về trước: “Trời ạ! Khi ấy tôi như người mất phương hướng, bỏ bê công việc suốt ngày đi lang thang trong rừng. Và rồi trong lúc bí bách đó, tôi đã tìm được lối thoát...”. Trong những lần lang thang vào rừng, vô tình ông phát hiện ra một con suối ở trên cao. Một ý tưởng táo bạo chợt loé lên trong đầu: “Tại sao ta không dẫn dòng nước mát này về tưới cho ruộng rẫy ở bên dưới kia?” Nhiều ngày liền sau đó, ông khăn gói lên vào rừng, đến con suối ngắm ngắm, nghía nghía rồi cuối cùng đưa ra quyết định: “Phải làm thuỷ lợi!”. Gia đình ông lại một phen nữa khốn đốn bởi quyết định này. Bao nhiêu tài sản ông mang ra cầm cố hết. Chưa đủ, ông huy động người thân, bạn bè... Gom góp tất thảy được 500 triệu đồng, ông đầu tư hết vào công trình thuỷ lợi này. Ông cười tếu táo: “Thời điểm đó 500 triệu đồng là một số tiền khổng lồ, tương đương với 100 lượng vàng chứ đâu phải ít. Tôi mà như người ta thì mang hết về phố, mua đất trên đường Ngô Quyền, đến nay thì giàu sụ rồi. Mà nếu như vậy thì làm gì tôi được mang tiếng là “gàn”, làm sao được các chú ghé về đây thăm...”.
Công trình thuỷ lợi này của ông đến nay vẫn còn phát huy tác dụng, đủ tưới cho trên 50 ha cà phê và 20 ha lúa nước và phục vụ nước sinh hoạt cho hàng chục hộ dâ trong vùng. Vậy đó, nhưng số tiền đầu tư cho công trình này đến nay ông vẫn chưa trả hết cho ngân hàng...
Cải tạo xong đất, làm xong thuỷ lợi, ông lại chia hết cho bà con trong vùng canh tác. Ai có nhu cầu thì ông bán, hộ nào nghèo thì ông cho mượn đất làm. Cơ ngơi 70 ha đất ngày trước của ông đến giờ chỉ còn 5 ha cà phê trồng xen lẫn với xoan. Ông bảo, chỉ cần giữ lại số ít này để dưỡng già là đủ rồi...
Thành công từ việc... “dở hơi”
Ông Tính nói vui: Cái sự “gàn” kể trên là “có tiếng mà không có miếng”, còn cái “gàn” đục đẽo gốc cây mới là “làm chơi ăn thật”. Có lẽ giới mộ điệu đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ở Đác Lắc không ai là không biết đến ông bởi những sản phẩm được ông làm ra từ những gốc cây đã... bỏ đi. Cái duyên đưa ông đến với nghề này cũng từ những ngày khai hoang đất. Vô tình ông phát hiện những gốc cây trong rẫy có hình thù lạ mắt, ông hì hục đào về, rồi tưởng tượng, đục đẽo tạo dáng. Ban đầu thấy việc ông làm ai cũng cười nhạo, bảo là dở hơi, rảnh việc. Ai nói gì ông cũng mặc. Tính ông là vậy. Đến lúc trong nhà ông được trưng bày đủ loại sản phẩm kệ, giá, bàn ghế, chim, thú... thì mọi người mới “ngộ” ra và thích thú trước những sản phẩm ‘dở hơi” của ông.
Thấy sản phẩm mỹ nghệ của ông Tính ngộ nghĩnh, lạ mắt, năm 1996, Liên minh Hợp tác xã Đác Lắc động viên ông đưa một số sản phẩm đi trưng bày ở Hà Nội. Thật bất ngờ, tại đây sản phẩm của ông đã được rất nhiều người quan tâm ra giá đòi mua. Từ đó, ông nảy sinh ý định đục đẽo gốc cây để bán. Việc đầu tiên khi ông về Đác Lắc là xúc tiến việc thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và thủ công mỹ nghệ Nguyên Hà. Thời ấy, thấy những sản phẩm ông làm ra có giá trị nên nhiều người có tiền ngõ ý muốn đóng góp vào hợp tác nhưng ông từ chối. Ngược lại, ông lại đi tìm đồng đội của mình ngày xưa, ưu tiên những người có hoàn cảnh khó khăn để vận động vào xã viên. Không cần vốn liếng gì rốt, chỉ cần đăng ký là vào. Tay nghề của xã viên thì ông đào tạo dần, nhưng lương và mọi lợi ích khác thì có đủ. Quan niệm của ông Tính là: “Mình có cơm ăn thì cũng phải tạo điều kiện cho người khó hơn mình có miếng cháo. Huống hồ chi là đồng đội của nhau, đã từng vào sinh ra tử thì càng phải có trách nhiệm với nhau hơn nữa”. Thời cao điểm, hợp tác xã của ông có đến gần 20 xã viên toàn là đồng chí đồng đội cũ. Sản phẩm ông làm ra luôn được thị trường ưa chuộng bởi mẫu mã luôn mới, đẹp có giá trị thẩm mỹ. Thời cao điểm, doanh thu của hợp tác xã Nguyên Hà lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Hiện tại do sản phẩm trên thị trường tiêu thụ không nhiều nên số xã viên cũng giảm bớt, chỉ còn gần 10 người, thu nhập bình quân từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng. Đây quả thật là một khoản tiền không nhỏ với người dân nông thôn Krông Bông.
Từ hợp tác xã của ông, đã có nhiều người tích luỹ được vốn, có được tay nghề cao đã tách ra làm ăn riêng, ổn định được cuộc sống. Cũng có người “trái tính trái nết”, học được nghề rồi quay sang làm cho người khác, cạnh tranh không lành mạnh với ông. Nhắc đến chuyện đó, ông Tính chặc lưỡi cười: “Cuộc sống là vậy mà. Nhưng đó chỉ là số ít thôi. Không thể vì thế mà mình chắc lép với anh em đồng đội của mình. Người nào thích ra đi thì tôi không giữ, còn những ai khó khăn, có nhu cầu đến với tôi là tôi sẵn sàng đón nhận”.
Cái sự “gàn” của ông Đỗ Xuân Tính thật ý nghĩa và đáng trân trọng biết bao!...
(Theo NGUYỄN CƯỜNG // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com