Ðó là tiền đề quan trọng giúp Vinalines hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm năm (2006 - 2010) đã được Chính phủ phê duyệt, hướng tới xây dựng tổng công ty thành một tập đoàn hàng hải mạnh, tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt của ngành hàng hải Việt Nam.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững
Cuối năm 2008 và đầu năm 2009 được coi là một trong những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng trong lịch sử ngành vận tải biển thế giới. Khó khăn, thách thức đó tác động rõ nét tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinalines.
Cước vận tải biển giảm mạnh, chỉ số BDI giảm từ gần 14.000 điểm (tháng 7-2008) xuống còn hơn 800 điểm (tháng 12-2008) và cũng chỉ mới tăng lên 6.000 điểm (tháng 6-2009). Do sự dư thừa cung trọng tải các tàu cỡ lớn khiến cước các loại tàu nhỏ giảm đáng kể. Thêm nữa, do tình trạng khan hiếm hàng hóa trên các tuyến quốc tế, các chủ tàu phải đưa một số tàu về hoạt động trên tuyến nội địa, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về giá cước trên thị trường này. Ðối với hoạt động khai thác cảng, dưới tác động của suy giảm kinh tế, lượng hàng hóa thông qua các cảng chính của tổng công ty có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu. Loại hàng có đơn giá xếp dỡ cao như hàng công-ten-nơ, sắt thép giảm, trong khi lượng hàng rời chưa bao gói, đơn giá thấp, lại tăng. Ðối với hoạt động dịch vụ, những khó khăn về tài chính, đơn giá, khối lượng dịch vụ cũng giảm do khách hàng có xu hướng tiết kiệm chi phí thuê ngoài, hoặc cắt giảm quy mô hoạt động.
Tuy nhiên, xác định năm 2009 có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển năm năm của tổng công ty, nên từ cuối năm 2008, Vinalines đã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra; tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu nhằm cơ cấu lại và trẻ hóa đội tàu vận tải biển; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển theo đúng tiến độ đã được phê duyệt...
Nhờ làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, do chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, cho nên sáu tháng đầu năm 2009 không có tàu nào của tổng công ty phải ngừng khai thác, nằm chờ hàng. Tổng sản lượng vận tải biển của tổng công ty là 14,6 triệu tấn, đạt 53% kế hoạch năm và bằng 90% cùng kỳ năm 2008. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 32,2 triệu tấn, đạt 69% kế hoạch năm, tăng 26% so cùng kỳ năm 2008. Tổng doanh thu 7.960 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm và bằng 72% so cùng kỳ năm 2008. Nộp ngân sách Nhà nước 596 tỷ đồng, tăng 48% so cùng kỳ năm 2008.
Về đầu tư phát triển đội tàu, mục tiêu năm 2009, tổng công ty sẽ đầu tư thêm khoảng 200 nghìn tấn trọng tải tàu thông qua hình thức đóng mới trong nước và mua tàu đang sử dụng. Sáu tháng đầu năm, mặc dù việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn, nhưng tận dụng cơ hội giá tàu đang sử dụng giảm mạnh so các năm trước, các doanh nghiệp trong tổng công ty đã đầu tư được bảy tàu hàng khô với tổng trọng tải khoảng 180 nghìn tấn. Ðến nay, tổng công ty cũng đã nhận bàn giao và đưa vào khai thác 24 tàu trong Chương trình đóng mới 32 tàu biển trong nước. Ðến ngày 30-6-2009, tổng trọng tải đội tàu của tổng công ty đã đạt 2,6 triệu DWT, bảo đảm mục tiêu phát triển đội tàu đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt
Về dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Vinalines cũng đã tập trung đầu tư vào ba trọng điểm đó là: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và Cảng trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Cái Cui - Cần Thơ). Những dự án đầu tư tại Cảng Ðình Vũ (Hải Phòng), Cái Cui giai đoạn 2, Cảng công-ten-nơ quốc tế Vũng Tàu, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Cảng quốc tế SP-PSA, Cái Mép... cũng đã góp phần giúp Vinalines duy trì được sự tăng trưởng cao, bền vững thời gian qua.
Tận dụng thời cơ để phát triển
Do dự báo trước được tình hình khó khăn của suy thoái kinh tế thế giới, từ cuối năm 2008, Vinalines đã áp dụng hàng loạt biện pháp mở rộng thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, tuyến vận tải để nâng cao doanh thu như tiết kiệm chi phí quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có; đưa tàu vào bảo dưỡng định kỳ để khai thác có hiệu quả cao; tranh thủ giá cả thị trường giảm do khủng hoảng, tổng công ty đã tích cực mua vật tư thiết yếu để sử dụng; tăng khấu hao tài sản để hỗ trợ cho năm 2009. Từ cuối Quý II-2009, suy thoái kinh tế thế giới chậm lại và đã có dấu hiệu hồi phục nhưng tốc độ còn chậm và chưa ổn định, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rất khó lường trước. Tuy nhiên, Vinalines xác định, khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn đang tạo ra cho mình những thời cơ mới trên các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc thực hiện các kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, tìm kiếm các nguồn đầu tư...
Theo kế hoạch phát triển giai đoạn 2006-2010, định hướng đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2010, Vinalines sẽ sở hữu và quản lý đội tàu có trọng tải ít nhất là 2,6 triệu DWT. Ðến ngày 30-6-2009, tổng trọng tải đội tàu của Vinalines đã đạt được mục tiêu này. Dự kiến giá tàu sẽ còn ở mức thấp cho đến hết năm 2009, Vinalines đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, trẻ hóa đội tàu và cơ cấu lại đội tàu chuẩn bị cho giai đoạn kinh tế hồi phục. Phấn đấu nâng trọng tải đội tàu lên khoảng 3 triệu DWT vào cuối năm 2010. Tiếp tục phối hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm Chương trình đóng mới 32 tàu biển trong nước; phối hợp triển khai kế hoạch đóng mới tàu biển giai đoạn tiếp theo tại các nhà máy của Vinashin bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Tiếp tục huy động các nguồn vốn bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, nhất là ba trọng điểm đầu tư (Vân Phong, Cái Cui, Hải Phòng). Thực hiện hợp tác sử dụng dịch vụ trong nội bộ để giảm chi phí dịch vụ đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động kinh doanh. Kiện toàn tổ chức tổng công ty. Ðổi mới công tác điều hành theo hướng nhanh, gọn, sát thực tế của công ty mẹ và các công ty thành viên. Ðoàn kết, gắn bó, tạo sức mạnh và cạnh tranh lành mạnh để phát triển.