Dù khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất để ổn định đời sống công nhân. Điều mong mỏi nhất hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp là những chính sách ổn định nền kinh tế vĩ mô lâu dài để có thể yên tâm sản xuất kinh doanh. TBKTSG ghi nhận ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp trong cuộc bàn tròn góp ý cho chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Bà Ngô Thị Báu: Tổng giám đốc Công ty Foci Nguyên Tâm
Với mức lãi suất như hiện nay, dù nhiều doanh nghiệp có đủ vốn kinh doanh, họ cũng không mặn mà với việc bỏ vốn ra làm ăn, vì gửi số tiền này để được hưởng lãi suất ngân hàng sẽ an toàn hơn kinh doanh.
Việc hạ lãi suất cho vay tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn, sẽ góp phần sớm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Bởi những doanh nghiệp trong ngành sản xuất là “xương sống” của nền kinh tế, với tỷ lệ lao động làm việc cao ở mỗi công ty.
Việc thắt chặt cho vay không nên “đánh đồng” tất cả các loại hình doanh nghiệp, mà cần có những quy định rõ ràng cho từng ngành nghề, nhằm nới lỏng những điều khoản cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất.
Dù kinh doanh không có lợi nhuận, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động, nhằm giữ vững thương hiệu. Quan trọng hơn, nhờ đó doanh nghiệp sẽ giữ chân được người lao động, tạo thu nhập cho họ trong bối cảnh khó khăn, tránh gây bất ổn xã hội từ việc thất nghiệp.
Ông Võ Quang Uyên: Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Quang Tâm
Theo tôi, để doanh nghiệp tồn tại và kinh doanh được trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần sớm ổn định các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Việc áp dụng những biện pháp hành chính để “chữa cháy” khi giải quyết những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô trong thời gian qua đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp hoang mang. Việc hoạch định kinh doanh của doanh nghiệp bị đảo lộn do biến động của thị trường.
Dù khó khăn của doanh nghiệp hiện nay vẫn là tình trạng “khát vốn”, nhưng nguồn vốn cho doanh nghiệp chỉ là phần “ngọn” của vấn đề. Doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh, nhưng hàng hóa sản xuất ra không bán được.
Người tiêu dùng tiếp tục thắt lưng buộc bụng, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, những nỗ lực của doanh nghiệp cũng không mang lại hiệu quả. Một môi trường kinh doanh ổn định trong dài hạn, với những chính sách minh bạch là điều doanh nghiệp mong muốn nhiều nhất trong lúc này.
Ông Đỗ Hà Nam: Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex
Nhà nước nên ưu tiên giải quyết vốn vay cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2011. Đây là việc hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi thực tế cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới với lãi suất thấp vẫn còn nhiều.
Hiện nay chúng ta không thiếu nguồn vốn để cho doanh nghiệp vay. Nhưng điều đáng lo nhất là nguồn vốn được phân bổ cho doanh nghiệp vay hiện nay vẫn theo cách “chia đều, chia bình quân” cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Mặc dù chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nông nghiệp... nhưng thực tế diễn ra không như Nhà nước mong đợi. Hiện nay các ngân hàng chỉ cho những doanh nghiệp mà họ cảm thấy an tâm và nắm chắc được phần “gốc” vay. Chưa kể những doanh nghiệp được vay buộc phải “đi đêm” với những đơn vị cho vay.
Ngoài nguồn vốn trong nước, chúng ta vẫn có thể tận dụng nguồn vốn từ các ngân hàng nước ngoài, Nhà nước có thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp trong nước vay vốn. Thật ra, các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng được nguồn vốn này trong thời gian qua để tồn tại. Nhưng chỉ một số ít doanh nghiệp lớn làm được việc này, trong khi đó nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ vẫn ở mức cao.
Để giải quyết việc vi phạm quy chế cho vay, Nhà nước cần ngồi lại với các ngân hàng nước ngoài để bàn thảo những quy định sao cho doanh nghiệp trong các ngành nghề có chọn lọc mà Nhà nước muốn hỗ trợ vượt qua khó khăn được vay ưu đãi. Những quy định với những điều khoản chặt chẽ sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn giá rẻ mà vẫn không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước.
Thời gian qua, nguồn vốn giá rẻ này vẫn chảy vào thị trường Việt Nam thông qua các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài việc bơm vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nguồn vốn này tiếp tục được “rót” cho các doanh nghiệp trong nước là đối tác của công ty nước ngoài.
Vì vậy, mục tiêu hạn chế cho vay nhằm giảm lạm phát của Nhà nước đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, ở ngành nông sản, do tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện mua gom nông sản xuất khẩu. Điều này càng làm doanh nghiệp trong nước kiệt quệ hơn, do thiếu nguyên liệu chế biến. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp buộc phải nhận làm gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài với giá rẻ mạt.
Trên thực tế Nhà nước đã dành các khoản vay nợ nước ngoài với mức lãi suất ưu đãi cho các tổng công ty lớn như Vinashin vay. Tại sao những tổng công ty nhà nước được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi như vậy, còn đại bộ phận các doanh nghiệp trong nước lại không được? Đó là câu hỏi cần phải được sớm trả lời. Tại sao Nhà nước không dành một khoản vay này cho doanh nghiệp xuất khẩu, với điều kiện vay chặt chẽ và được giám sát tốt hơn. Nói rộng ra, để giải quyết vốn vay cho doanh nghiệp, Nhà nước cần có những giải pháp căn cơ hơn.
Môi trường kinh doanh của chúng ta hiện nay vẫn nặng về cơ chế xin-cho. Những doanh nghiệp có năng lực kinh doanh thì không tiếp cận được vốn vay. Ngược lại có những doanh nghiệp không có năng lực kinh doanh, nhưng khi họ bỏ chi phí ra để bôi trơn lại được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Những doanh nghiệp này được vay sẽ dẫn đến rủi ro cho nền kinh tế. Nếu không giải quyết rốt ráo được vấn đề này, chúng ta sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn. Chính sách cho vay cần minh bạch, có tiêu chí rõ ràng và quan trọng nhất là các đơn vị được Nhà nước giao phó phải cho vay đúng và hết lượng tiền đó nhưng không được làm thất thoát. Khi đó dù muốn hay không ngân hàng buộc phải chọn ra những doanh nghiệp có năng lực để cho vay.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com