Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Coimex và doanh nhân làm nên thương hiệu Surimi Việt Nam

Coimex không chỉ là thương hiệu thủy sản hàng đầu trong nước bởi chất lượng của hàng loạt sản phẩm Surumi được tạo nên bởi một doanh nhân cả cuộc đời gắn liền với nghề cá mà còn là thương hiệu Surimi Việt Nam có uy tín trên thị trường EU. 

Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Kháng- Cựu chiến binh là doanh nhân
 
Người thuyền trưởng chèo lái con thuyền Coimex

Đó là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Kháng, thường được mọi người thân mật gọi là Hai Kháng. Ông gắn với Coimex từ ngày đầu cầm tờ quyết định thành lập đến ngày hôm nay đã hơn 22 năm. Hơn hai mươi năm đó, trải qua những thăng trầm của nền kinh tế đất nước, sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới và cả những cơn bão tố của lòng người… ông đã vững tay chèo, cùng đồng nghiệp, cũng là những đồng đội của mình “chèo lái” con thuyền Coimex vượt qua bão táp một cách ngoạn mục để có ngày hôm nay.

Coimex thành lập năm 1989 trên cơ sở hợp nhất Công ty Vận tải và Khai thác hải sản Côn Đảo với Công ty Sản xuất – Kinh doanh – Xuất nhập khẩu Côn Đảo.  Ngày đó, Lê Văn Kháng được lãnh đạo huyện Côn Đảo tín nhiệm, cử làm giám đốc doanh nghiệp nhưng phải tự tạo lập vốn liếng để làm ăn theo cơ chế thị trường theo hướng tự cân đối, tự trang trải. Chỉ với một quyết định thành lập, không vốn, không có văn phòng, trụ sở làm việc lúc đó chỉ là một cái bàn đá đặt nhờ dưới gốc cây tại một đơn vị bạn ở số 51 đường Ba Cu, thành phố Vũng Tàu. Xoay xỏa tạo vốn từ nguồn tiền thế chấp tài sản của gia đình với ngân hàng, đi Kiên Giang, Hậu Giang xin hai chiếc tàu cũ về sửa sang làm phương tiện và tạo lập tài sản, Hai Kháng cùng cán bộ công nhân viên Coimex đã bắt đầu sự nghiệp bằng việc khai thác, đánh bắt hải sản và vận chuyển nhu yếu phẩm từ đất liền ra Côn Đảo. Khó khăn về người, về của không làm nao núng những con người đã quyết tâm cùng nhau xây dựng Côn Đảo vững mạnh. Vì vậy mà vừa làm, vừa tích lũy, vừa phát triển, chỉ trong vòng 10 năm, Coimex đã có đoàn tàu 26 chiếc với trang thiết bị thông tin, ngư cụ đảm bảo hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển, tăng vốn tự có lên 10 lần, nộp ngân sách cho huyện Côn Đảo số tiền lên tới 180 tỷ đồng.

Vượt qua những khó khăn của một doanh nghiệp non trẻ, vượt qua hai cơn bão khủng khoảng kinh tế tài chính toàn cầu, Hai Kháng đã không chỉ vực lại doanh nghiệp đã có lúc tưởng như bị những cơn bão táp nhấn chìm mà còn vượt sóng một cách ngoạn mục bằng những giải pháp chỉ có ở Hai Kháng. Đó là việc mạnh dạn thực hiện “khoán 10” trong ngành thủy hải sản. Ngay từ lúc cơ chế bao cấp vừa mới được xóa bỏ, quyết định ăn chia lãi 50/50 giữa công ty với thuyền viên không phải ai cũng thấu hiểu và ủng hộ. Đã có những hiểu nhầm của cấp dưới, hiểu chưa đúng của cấp trên, nhưng rồi ông vẫn  mạnh dạn áp dụng. Và quả thật, kết quả đã trả lời cho những quyết định táo bạo ấy của ông: Sản lượng đánh bắt tăng lên, không còn chuyện thuyền viên bán cá ngoài khơi trước khi tàu cập bến, đời sống cán bộ công nhân viên và thuyền viên ổn định, nâng cao…

 
Rồi khó khăn đến, khi giá cả nhiên liệu tăng cao, tàu thuyền không đủ điều kiện,  công suất đánh bắt bắt xa bờ, ngư trường mỗi ngày một xa… ông lại tiếp tục làm một “cú” chuyển đổi ngoạn mục là bỏ khai thác đánh bắt, chuyển sang chế biến thủy sản. Sở dĩ, ông ráo riết chuyển hoạt động doanh nghiệp sang chế biến một phần là do đánh bắt ngày một không hiệu quả, song một phần lớn là do ông thấy những con tôm, con cá của biển khơi khi được đánh bắt lên bờ đã không có nơi tiêu thụ, chỉ dùng làm khô, làm mắm, có khi còn làm phân bón. Đau lòng trước cảnh các nhân viên, các ngư dân đứng bán hai ngày không hết chục tấn cá, đau lòng trước việc những con cá tạp xuất khẩu không được, tiêu thụ trong nước không kịp đành bỏ hư:
 “Tôi quyết định chuyển đổi sản xuất từ khai thác sang chế biến thủy sản để tìm đầu ra con những con cá nhỏ của Việt Nam. Nhìn thấy những con cá to, những con tôm ngon đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được mang đi, chỉ còn lại những con cá tạp nhỏ như những cái bàn tay bỏ lại, tiêu thụ trong nước không hết, làm khô làm mắm…càng thôi thúc tôi phải chuyển đổi sản xuất. Tôi sang Nhật bản, Hàn Quốc…tham khảo và học hỏi về công nghệ chế biến surumi, nhập dây chuyền về sản xuất để tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào ấy, vừa giúp ngư dân tiêu thụ hết sản lượng đánh bắt, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Và nhà máy chế biến surimi đầu tiên của Việt Nam do Coimex đầu tư với công nghệ của Hàn Quốc ra đời như vậy”-  Hai Kháng chia sẻ.
 
 
Khi Coimex đang lướt sóng ngon lành với những đơn hàng ổn định từ các nước trong khu vực, đầu ra được bao tiêu, thì đầu vào lại thiếu hụt, nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu không ổn định. Sự cạnh tranh ráo riết của các nhà sản xuất trong nước đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên liệu đầu vào. Bài toán kinh tế mới được đặt ra: Vốn và quản trị doanh nghiệp. Thế là ông lại tiếp tục đưa Coimex vượt con sóng đại dương ra tới tận trời Âu bằng việc cổ phần hóa toàn bộ Công ty. Doanh nghiệp có vốn, người lao động được làm chủ, khí thế lao động trong công ty hừng hực. Ông bàn với các cổ đông tổ chức các khu trang trại nuôi trồng con giống; mở mang thêm các nhà máy; xây dựng cơ chế thu mua hải sản hợp lý cho ngư dân trên khắp các miền của đất nước; cải tiến khoa học kỹ thuật, xây dựng các phòng thí nghiệm để đảm bảo chất lượng sản phẩm hướng đến một thị trường khó tính và cao cấp hơn: Thị trường EU.

Sản phẩm Coimex đã đưa thương hiệu  Surimi Việt Nam đi khắp thế giới

Surimi và sản phẩm mô phỏng từ chả cá là loại thức ăn nhanh được nhiều quốc gia châu Á và phương Tây sử dụng thông dụng, được chế biến thành nhiều mẫu mã đa dạng, đẹp mắt như càng cua, con tôm, cá viên, bánh bao… Sản phẩm này có nguồn gốc từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhu cầu tiêu thụ Surumi mỗi ngày một tăng-  Đó là lời khẳng định của Hai Kháng sau hơn 10 năm vật lộn với nghề chế biến sản phẩm này. Điều đó được thể hiện rất rõ nét trong thời gian gần đây, mỗi  năm  công  ty  có  thể  xuất khẩu trung  bình  20.000  tấn  surimi nguyên liệu và khoảng 1.000 tấn sản phẩm surimi mô phỏng. Mấy năm gần đây, tổng giá trị xuất khẩu của công ty đạt gần 38 triệu USD/năm. Có thời  điểm,  như năm 2007, khối lượng surimi và các sản phẩm sau surimi của Coimex XK ước  chiếm  khoảng ¼  tổng  khối lượng  surimi  xuất khẩu của  cả  nước. Đặc biệt là từ 2008, xuất khẩu surimi Việt Nam liên tục tăng mạnh, cả về lượng và giá trị. Giá xuất khẩu trung bình surimi đông lạnh của Việt Nam đang tăng dần theo thời gian: Trong tháng 8.2011 đã đạt 1,97 USD/kg, tăng 0,01 USD/kg so với tháng 7.2011 và tăng 0,24 USD/kg so với cùng kỳ năm 2010. Có những thời điểm giá surimi  Việt Nam xuất khẩu đã tăng lên hơn 2,36 USD/kg. Năm  2010  giá  trị  xuất khẩu  của  Coimex đạt gần 40 triệu USD, tăng 60% so với 23,4 triệu USD năm 2009, chiếm  20%  tổng  XK  surimi  của Việt Nam, năm 2011 giá trị xuất khẩu đạt 42,3 triệu USD, dẫn đầu toàn quốc về xuất khẩu Surumi sang thị trường EU.  Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại Nhật, EU và ASEAN cũng liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Chỉ riêng thị trường Hàn Quốc, hiện đã có 19 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất mặt hàng này. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines đang là 4 nhà nhập khẩu lớn mặt hàng này của Việt Nam tại ASEAN. Còn Pháp và Lítva đang là 2 nhà nhập khẩu chả cá và surimi lớn nhất của VN trên tổng số 7 nhà nhập khẩu trong khối EU.

“Thế mạnh của surimi Việt Nam là ta có thể giao hàng quanh năm do nguồn lợi thủy sản nước ta mùa nào cũng có”. Ông Hai Kháng chia sẻ.  “Vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, trong khi ghe thuyền đánh cá ngoài khơi đã về neo bờ nghỉ Tết, nhưng 4 dây chuyền chế biến sản phẩm chả cá Surimi của Coimex vẫn hoạt động hết công suất để kịp lô hàng xuất đi châu Âu”. Hai tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Coimex đạt khoảng 5 triệu USD. Đó là con số nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2011 mà Coimex đã bình thản đi qua cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới, với thành tích kim ngạch xuất khẩu 42,3 triệu USD năm 2011, tăng hơn 6 triệu USD so với năm 2010; lợi nhuận 2011 đạt 24,765 tỷ đồng, tăng 17,9% so với kế hoạch đề ra. Liên tục trong 2 năm 2010 - 2011, Coimex  đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu sang Liên bang Nga và EU. Mới đây, Coimex vừa hợp tác với tập đoàn Shuanghui – một tập đoàn chế biến thực phẩm của Trung Quốc có mạng phân phối toàn cầu xuất khẩu không hạn chế sản lượng surumi tới tập đoàn này.

 Công nhân đang làm việc tại công ty
 
Trong lúc nhiều nhà máy chế biển thủy sản phải tạm ngưng vì thiếu nguyên liệu, khó khăn đầu ra, hoặc khó thu hồi công nợ, kết quả của Coimex đã khiến không ít người trong giới kinh doanh phải nể phục. Sản lượng ban đầu từ 3.000 tấn/năm tăng lên 12.500 tấn/năm và kim ngạch xuất khẩu từ 3,9 triệu USD đã tăng lên hơn 40 triệu USD/năm, trở thành đơn vị đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. “Sở dĩ, surimi của Coimex được khách hàng ở các nước châu Âu, châu Mỹ đón nhận bởi sản phẩm được chế biến có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng bằng cách loại bỏ xương, loại bỏ các tạp chất và chất gây dị ứng trong hải sản, không có cholesteron. Coimex luôn giữ đúng nguyên tắc không dùng bất kỳ loại hóa chất nào để chế biến sản phẩm. Coimex đã ứng dụng đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như: HACCP, Halai, GMP, BRC, ISO 9001:2008 và có code DL286 để xuất khẩu đi EU” - ông cho biết.

Từ những kinh nghiệm đúc kết được sau hơn 10 năm sản xuất mặt hàng này cùng với việc thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững, Coimex đặt mục tiêu cho năm 2012 là 16.000 tấn sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu 43 triệu USD. Bên cạnh đó, Coimex sẽ thực hiện nhiều dự án đầu tư như: Góp vốn cùng với các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến Surimi công suất 10.000 tấn/năm tại vùng có nguồn nguyên liệu tốt và dồi dào như Kiên Giang; Hợp tác trao đổi công nghệ, kỹ thuật chế biến với Tập đoàn Texchem Malaysia và đầu tư thêm một dây chuyền chế biến hàng Surimi mô phỏng, vốn đầu tư do Công ty này cung cấp và bao tiêu sản phẩm sang các nước EU, Mỹ và Châu Á; Đầu tư thêm dây chuyền sản xuất càng ghẹ do khách hàng Pháp bao tiêu đầu ra; Tăng cường triển khai sản xuất thêm nhiều mặt hàng rau, củ, quả, mực, hải sản phối trộn để xuất khẩu vào thị trường có sẵn như Nhật bản, Hàn Quốc và mở rộng thêm các thị trường khác trong khu vực châu Á; Triển khai thực hiện hợp đồng gia công với Tập đoàn Korea và Nhật Bản gia công rong biển, tạo việc làm ổn định, tăng kim ngạch xuất khẩu và thu nhập cho người lao động.

 Sản phẩm của công ty Coimex
 
Sau hơn hai mươi năm xây dựng và phát triển, từ hai bàn tay trắng, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Kháng đã tạo dựng được một Coimex có nền tảng vững chắc với vốn điều lệ hơn 80 tỷ đồng, có 4 nhà máy chế biến Surimi tại Kiên Giang, Trà Vinh, Vũng Tàu. Mặt hàng làm nên thương hiệu Coimex trên toàn thế giới chính là chả cá Surimi và các sản phẩm Surimi mô phỏng. Các loại sản phẩm này không ngừng cải tiến dể có mặt hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và sản phẩm Surimi của Coimex đã trở thành thương hiệu Surimi của Việt Nam. 

Địa chỉ vàng cho các quỹ từ thiện của huyện đảo

Sản xuất kinh doanh phát triển, đời sống người lao động được ổn định, chỉ sau 3 năm cổ phần hóa Coimex đã đưa vốn điều lệ từ 36 tỷ đồng tăng lên 80 tỷ đồng, cổ tức chia cho cổ đông trung bình 20-30%/năm. Lương bình quân người lao động năm 2000 từ 980.000 đồng/tháng đến nay đã lên tới hơn 4 triệu đồng/người, thuộc loại cao nhất trong các doanh nghiệp chế biến hải sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau 5 năm cổ phần hóa, Coimex đã hoàn vốn đầu tư cho cổ đông và trừ hết khấu hao máy móc thiết bị, đồng thời có nguồn vốn để mở rộng và tái đầu tư. Nhờ vậy, trong năm 2011, Coimex đã đạt lợi nhuận gần 25 tỷ đồng, tương đương gần 31% vốn điều lệ, chia cổ tức cho cổ đông 23%. Dự kiến năm 2012, Coimex sẽ chia cổ tức  cho cổ đông 21%.

Không chỉ đảm bảo ổn định đời sống cán bộ công nhân viên, đảm bảo quyền lợi của cổ đông, Coimex còn là một địa chỉ vàng cho các quỹ từ thiện của huyện Côn Đảo và thành phố Vũng Tàu, điều đó âu  cũng bởi chữ “tâm” của người chèo lái con thuyền Coimex. Chữ tâm không chỉ được ông thể hiện ở việc luôn tìm tòi mọi giải pháp, đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm tạo uy tín đối với khách hàng; luôn tìm đầu ra cho sản phẩm, kinh doanh hiệu quả để đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên mà còn là những hoạt động tri ân, đền đơn đáp nghĩa với cộng đồng. Coimex luôn được coi là một “địa chỉ vàng” cho các chương trình, các quỹ tình nghĩa, tình thương, phòng chống bão lụt, khuyến học, chất độc mầu da cam, nuôi dưỡng thương bình nặng, bà Mẹ Việt Nam anh hùng… Đặc biệt là sự chia sẻ với những địa phương vùng sâu vùng xa xây cầu và đường giao thông nông thôn với tổng số tiền lên tới gần 800 triệu đồng, ủng hộ chương trình Huyền thoại Côn Đảo và tài trợ xây dựng Đền thờ Côn Đảo  số tiền 550 triệu đồng.

Bên cạnh đó, sự đóng góp vào ngân sách địa phương của Coimex đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện đảo Côn Đảo. Từ lúc thành lập đến năm 2000, Coimex đã đóng góp được hơn 108 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. 10 năm sau đó (2000-2009) mặc dù tình hình kinh tế không thuận lợi nhưng Coimex vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã tiếp tục nộp ngân sách cho huyện đảo với số tiền 604 tỷ đồng. Ghi nhận những thành tích đó, mới đây, Nhà nước đã phong tặng Huân chương Độc lập Hạng III cho tập thể cán bộ công nhân viên của Coimex.

Thành tích đã đạt được

Hơn 20 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành Coimex đã vinh dự đón nhận

- Huân chương Độc lập Hạng III, Huân chương Lao động Hạng III, Hạng II và Hạng I

- Cờ Luân lưu Chính phủ; Cờ thi đua UBND Tỉnh

- Bằng khen Bộ Thương mại về thành tích xuất khẩu:

- Các giải thưởng về chất lượng và thương hiệu:

+ Tiêu chuẩn ISO 9001 - 2008, HACCP;

+ + Coude châu âu EU – DL286 và 520 , HALLA, KOSHER, BRC ( an toàn thực phẩm toàn cầu )

+ Đang xúc tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 14000 về môi trường;

+ Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2007, 2008 , 2009 và 2010 ;

+ Cúp vàng thương hiệu Việt năm 2008 ;

+ Cúp vàng sản phẩm thủy sản Việt nam chất lượng cao và uy tín thương mại năm 2008;

+ Cúp vàng chất lượng vàng thủy sản Việt nam 2009, 2010;

+ Giải thưởng Ngọn Hải đăng năm 2007, 2008 và 2009;

+ Cúp vàng sản phẩm ưu tú Hội nhập WTO, Top 100 thương hiệu XK uy tín 2010;

+ Doanh nghiệp tín nhiệm năm 2010
 
+ Cờ thi đua UBND Tỉnh và Cờ Thi đua Chính phủ năm 2011 

(Theo Tường Vi // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao