Trong thời gian gần đây dư luận, nhất là các DN tham gia vào việc sản xuất, chế biến gỗ tại VN đặc biệt quan tâm đến Đạo luật Lacey của Mỹ về việc các sản phẩm được sản xuất từ gỗ kể từ 1/4/2010 khi nhập vào Mỹ thì bắt phải chứng minh được ngồn gốc xuất xứ. Về vấn đề này, DĐDN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch HĐQT Cty CP VinaG7.
Ông Vũ Duy Hải cho biết: Hiện VinaG7 là một DN chuyên sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu, mỗi tháng xuất khẩu ra khoảng 800 nghìn USD và có khoảng 500 lao động thường xuyên làm việc tại nhà máy. Nhưng đến nay, VinaG7 vẫn chưa thấy được những khó khăn kể từ khi Đạo luật Lacey chính thức có hiệu lực.
- Vậy ông đánh giá thế nào về Đạo luật Lacey ?
Tôi cho đây là một biện pháp rất tích cực của đạo luật này. Trong đó, việc bắt buộc chứng minh nguồn gốc của gỗ nguyên liệu không chỉ đối với DN sản xuất, chế biến gỗ trong nước mà là trên toàn thế giới thì đây chính là biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc chặt phá rừng bừa bãi và đang trở thành căn bệnh khó chữa trên toàn thế giới. Đặc biệt, nó là biện pháp hữu hiệu để giảm tình trạng biến đổi khí hậu của thế giới hiện nay. Theo đạo luật này thì cây gỗ được khai thác đưa vào chế biến, sản xuất phải đảm bảo thời gian quy định chung của toàn thế giới như độ tuổi, thời gian, địa điểm khai thác cho phù hợp... DN muốn nhập sản phẩm vào thị trường Mỹ phải chứng minh được những điều này. Về lâu dài thì Đạo luật Lacey mang ý nghĩa tích cực toàn cầu nhiều hơn và đây cũng chính vì lợi ích chung tác động trực tiếp đến đời sống của cộng đồng con người.
Những nội dung bắt buộc khai báo theo Đạo luật Lacey * Tên khoa học của mọi loài thực vật sử dụng trong sản phẩm * Nước khai thác/xuất xứ * Số lượng và cách đo * Giá trị: Các DN sẽ nộp tờ khai cho Cơ quan Dịch vụ Thanh tra Sức khỏe Động Thực vật (Animal and Plant Health Inspection Service - APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (US Department of Agriculture - USDA). |
- Theo ông, Đạo luật Lacey có ảnh hưởng gì đến DN sản xuất, chế biến gỗ trong nước ?
Với những quy định mới thì chắc chắn nó sẽ có những tác động nhất định ban đầu và nó sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào thôi. Khó khăn lớn nhất là các DN chuyên sản xuất, chế biến gỗ mà sản phẩm của họ cung ứng nhu cầu dùng ngoài trời. Bởi với các sản phẩm này đòi hỏi hoàn toàn là gỗ tự nhiên. Ở thời điểm hiện tại, gỗ rừng tự nhiên trong nước còn ở mức độ thấp nên hầu hết các DN này phải nhập khẩu gỗ bằng rất nhiều đường khác nhau. Nhưng nó cũng không quá khó khăn khi xác nhận được nguồn gốc, xuất xứ của các loại gỗ này. Tuy nhiên, có một thực tế không chỉ trong nước mà kể cả trên thế giới thì một lượng gỗ bất hợp pháp trôi nổi trên thị trường là rất lớn. Do đó, các DN tham gia những nguồn gỗ này sẽ rất khó chứng minh được nguồn gốc của các loại gỗ. Khi Đạo luật Lacey ra đời nó hạn chế rất lớn việc các DN tham gia sản xuất những loại gỗ kiểu này và về lâu dài nó sẽ giảm rất lớn tình trạng khai thác rừng bừa bãi. Do đó, để tránh được những khó khăn do Đạo luật Lacey mang lại thì các DN hãy tập trung nhiều vào việc trồng rừng và sản xuất các sản phẩm từ rừng trồng và tuân thủ những quy định của nó.
“Điều rất quan trọng cần lưu ý là việc không hiểu biết về luật pháp và nghị định không thể bảo vệ người vi phạm khỏi bị khởi tố bởi Đạo luật Lacey nếu vi phạm luật”. TS Lê Khắc Côi - Cố vấn độc lập của Chương trình Flegt của EU tại châu Á. |
- Vậy đâu sẽ là giải pháp cho DN VN ?
Trước hết, theo tôi thì các DN trong nước hãy tuân thủ luật chơi này khi tham gia xuất khẩu hàng hóa của mình vào thị trường Mỹ. Nhận định của riêng cá nhân tôi thì chắc chắn Đạo luật Lacey sẽ có hiệu ứng rất lớn và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước khác, thậm chí của cả khu vực như Châu Âu, Châu Mỹ... Do đó, giải pháp tốt nhất để hướng tới chính là việc phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ phục vụ cho việc sản xuất gỗ trong nước cũng như trên thế giới. Thực chất, việc trồng rừng này ở trong nước đã có rất nhiều DN tham gia. Tuy nhiên, quy mô chưa lớn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và phục vụ xuất khẩu. Nhân dịp này, Chính phủ VN cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các DN trong nước đẩy mạnh trồng rừng.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Viết Đoàn // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com