Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam Nguyễn Thành Lưu cho biết như vậy tại hội nghị Trao đổi kinh nghiệm đưa hàng vào siêu thị vừa diễn ra tại Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam Nguyễn Thành Lưu: Muốn vào siêu thị, phải có chi phí “dưới ngăn bàn” Theo kinh nghiệm của tôi, doanh nghiệp đã có thương hiệu mạnh thì cần phải chú ý đến kênh siêu thị, nếu thương hiệu còn yếu thì chưa nên chú ý đến kênh này. Có một thực tế là, hầu như hàng của các doanh nghiệp nhỏ muốn vào được các siêu thị lớn là rất khó. Qua tìm hiểu, tôi được biết, riêng chi phí “dưới ngăn bàn” để có thể vào được hệ thống các siêu thị của Hà Nội khoảng hơn 50 triệu, trong khi chưa biết là có bán được hàng hay không. Nhiều lãnh đạo của những siêu thị lớn vẫn nói rằng chúng tôi rất trân trọng các nhà sản xuất, luôn “trải thảm đỏ” đón tiếp các nhà sản xuất. Với những nhà sản xuất lớn như SamSung, Nokia, Unilever… thì nhiều nhà phân phối còn tranh dành nhau để được phân phối cho họ, bởi vì họ có ngân sách quảng cáo lớn, chiết khấu cao. Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì lại rất khó khăn để có thể đưa hàng vào những siêu thị lớn này. Vậy chúng ta sẽ phải làm thế nào? Theo cá nhân tôi sẽ có 2 hình thức để lựa chọn. Thứ nhất là tự tổ chức đầu tư một hệ thống phân phối riêng. Với hình thức này chúng ta phải chấp nhận chi phí và độ rủi ro ban đầu như tiền trả lương cho nhân viên. Nhưng đổi lại sẽ có được một hệ thống phân phối vững chắc và tối đa hóa được lợi nhuận so với việc ủy thác qua một nhà phân phối khác. Hình thức thứ hai, giao hàng cho những nhà phân phối để họ tiêu thụ sản phẩm của chúng ta, nhưng sẽ phải chịu thiệt là phải trả chiết khấu cao, có thể phải trả tới 30% giá bán. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp chưa có thương hiệu thì những nhà phân phối cũng không mấy “mặn mà” do doanh số quá ít. Doanh nghiệp chưa có thương hiệu hãy về các tỉnh. Khi về tỉnh, doanh nghiệp sẽ ổn định được thương hiệu và có tích lũy, sau đó mới vào kênh siêu thị. Tôi đang đề xuất với Hiệp hội Bán lẻ nên đứng ra triệu tập một số doanh nghiệp nhỏ thành lập một công ty phân phối riêng, khi đó hàng hóa phân phối về các địa phương sẽ dễ dàng hơn. Vì hàng hóa của những doanh nghiệp nhỏ không thể “chen chân” vào được những siêu thị lớn, nếu tổ chức một hệ thống phân phối đến tận các tỉnh thì chi phí cũng sẽ rất lớn. Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Thanh: Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng Để hàng có thể vào được những siêu thị lớn thì những doanh nghiệp phải sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với những cơ quan có trách nhiệm như Sở Công thương Hà Nội, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng… tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này đưa tới tay người tiêu dùng. Cụ thể, trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công thương tổ chức bình chọn những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng ưa thích, qua cuộc bình chọn này những sản phẩm nào đạt chất lượng cao thì chúng tôi sẽ trao giải và phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu tới người tiêu dùng. Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng: Doanh nghiệp nên áp dụng nhiều phương thức kinh doanh Để hàng hóa sản xuất ra có thể tiêu thụ được nhanh và dễ dàng đến được tay người tiêu dùng thì các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn nữa khâu xúc tiến thương mại, phải tiến hành khảo sát kỹ thị trường xem ở đô thị người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm gì? Giá cả và hình thức sản phẩm như thế nào để phù hợp với người dân nông thôn? Các siêu thị cần những mặt hàng gì? Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tổ chức những chuyến khảo sát thị trường ở nhiều địa phương, thậm chí cả những thị trường nước ngoài. Tham gia hội chợ chỉ là việc phụ, việc quảng bá sản phẩm để đa số người tiêu dùng biết đến mới là mục tiêu chính. Vì sao nhiều doanh nghiệp cho rằng hàng của mình khó tiếp cận với các hệ thống siêu thị và rất khó tiêu thụ? Trong khi đó vẫn có rất nhiều người thường xuyên vào siêu thị mua hàng, và người ta vẫn cứ tin rằng mua hàng ở đây là tốt nhất? Chúng ta cần nhìn lại vấn đề này. Tôi đồng ý là đưa hàng vào trong siêu thị có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, đồng thời cũng còn nhiều mặt trái của siêu thị. Tại sao có những mặt hàng chỉ bán được ở thành phố mà không bán được ở nông thôn và ngược lại? Theo tôi, chúng ta không nên bắt chước bất kỳ một doanh nghiệp nào, nhưng chúng ta phải biết học kinh nghiệm của những người khác để áp dụng vào đối tượng của mình. Trước khi chúng ta đưa hàng về nông thôn, miền núi, đô thị hay siêu thị hay cửa hàng bán lẻ… thì phải có điều tra thật kỹ những thị trường này thế nào, được người tiêu dùng chấp nhận ở mức độ nào, cần phải bán ở đâu...? Tôi đồng tình với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đưa ra là chúng ta nên áp dụng nhiều phương thức kinh doanh như: tự tổ chức kinh doanh và bán hàng tại nơi sản xuất, chúng ta sản xuất ra sau đó ủy quyền cho người khác bán các sản phẩm của mình thông qua các kênh phân phối, phân phối hàng cho tất cả những cửa hàng nhỏ lẻ khác...
(Theo Nhật Anh // Báo Người Đại Biểu Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com