Ông Lương Văn Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đại Nam Long (DNL Partners). |
Ông Lương Văn Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đại Nam Long (DNL Partners) là một trong số người hiếm hoi từ vị trí quản lý Nhà nước nhảy tay ngang ra ngoài làm doanh nghiệp tư nhân từ năm 2007.
Hai năm làm “doanh nghiệp” đã mang lại những kinh nghiệm gì cho nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cũng như câu hỏi: làm “quan” và làm “doanh nghiệp”, vị trí nào gai góc hơn?
Từ cương vị Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, năm 2007 ông đã từ bỏ chiếc ghế nhiều trách nhiệm tại nhiệm sở Nhà nước để trở thành một doanh nhân. Hai năm chắc đã đủ để ông trải nghiệm và chia sẻ, đó có phải là một trong những quyết định quan trọng nhất đối với ông?
Thực tế, tôi chưa bao giờ tổng kết những quyết định mà mình đã đưa ra. Nhưng nhìn lại những quyết định quan trọng nhất cho đến nay là quyết định đi học nước ngoài năm 1970, quyết định về nước theo Đảng và làm việc cho Nhà nước năm 1977 rồi quyết định ra tư nhân năm 2007 tôi thấy chưa hối tiếc quyết định nào.
Mỗi quyết định đều đáp ứng được những hoài bão to lớn, những nhu cầu bức thiết của từng giai đoạn và cuối cùng đều giúp cho bản thân tôi lớn lên nhiều, phong phú thêm nhiều.
Như hiện nay tôi đang làm công việc tư vấn của mình với những kinh nghiệm và bài học từ thời gian học ở nước ngoài, từ thời gian làm việc trong bộ máy Nhà nước, đặc biệt là thời gian công tác ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM.
Nhờ đó mà tôi biết được nhà đầu tư nước ngoài muốn điều gì và ngược lại môi trường kinh doanh ở Việt Nam có thể đáp ứng được đến đâu và nếu chẳng may chưa đáp ứng được thì nói thế nào để ngày sau họ còn quay trở lại.
Còn đương nhiên, mỗi giai đoạn đều có cái khó riêng, không có bài học nào của giai đoạn trước giải được hết tất cả các bài toán của giai đoạn sau. Chính vì thế cuộc sống mới lý thú.
Thử thách lớn nhất hiện nay là mình làm mình chịu trách nhiệm, không ai chịu trách nhiệm thay mà cũng không có ai để cùng chịu trách nhiệm tập thể.
Kể từ khi ra ngoài và thành lập DNL Partners, đâu là khó khăn lớn nhất đối với ông?
Khó khăn lớn nhất là hình dung những khó khăn mà mình sẽ gặp trong công việc mới. Khi thành lập DNL Partners, tình hình kinh tế, tình hình đầu tư ở Việt Nam đang thuận lợi như cánh buồm gặp gió. Khi đó, không ai có thể hình dung được tình hình đột ngột khó khăn như hiện nay.
Nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan Nhà nước đã giúp ông những gì trong việc điều hành DNL Partners?
Kinh nghiệm lớn nhất sau bao nhiêu năm làm việc ở nhiệm sở Nhà nước, tôi đúc rút lại chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: gắn bó, tin cậy và chủ động. Đó là điều mà đi đâu tôi cũng cố thực hiện vì đã kiểm nghiệm.
Nhưng tạo sự gắn bó trong đơn vị với nhau, thể hiện sự tin cậy đối với anh em để anh em phát huy hết sở trường của mình là những việc tương đối dễ còn làm sao để khơi dậy cho được tính chủ động trong công việc của anh em là việc khó hơn nhiều.
Đây là điều mà cho đến nay tôi chưa dám nói tôi đã thành công hoặc thậm chí sắp thành công.
Với quyết định rời cơ quan Nhà nước ra thành lập công ty riêng, phải chăng ông thích sự thử thách?
Đúng. Tôi thích thử thách vì đó vừa là chất cay cay vừa là vị mặn mà cho cuộc sống. Chấp nhận thử thách tức là cũng chấp nhận mạo hiểm nhưng chỉ một phần mạo hiểm nhỏ thôi, phần rủi ro mà lý trí và sự hiểu biết bao giờ cũng hạn chế của mình chưa lường được hết.
Còn mạo hiểm theo kiểu “cứ làm đến đâu hay đến đấy” thì quả thật không nên và tôi cũng chưa bao giờ làm như vậy.
Vậy quan điểm của ông trong cuộc sống và trong công việc như thế nào?
Với tôi, làm việc gì cho ra việc đó, có lúc cũng phải làm ngày làm đêm nhưng không phải lúc nào cũng “làm việc như điên”. Cuộc sống cần có những tĩnh lặng. Nhưng nói “nhiều thời gian rảnh rỗi”, biết thế nào là nhiều. Tôi mê xem phim lắm, thèm được xem một ngày vài phim, nhưng có bao giờ được.
Trước thềm năm mới 2009, ông có tâm tư tình cảm gì cho sự phát triển kinh tế đất nước cũng như sự phát triển của đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay?
Đất nước còn nghèo lắm và đến nay vẫn chưa đủ cơ sở để giàu lên một cách ổn định.
Theo tôi, để phát triển bền vững một đất nước ngày nay nhất thiết phải có hai thứ: kết cấu hạ tầng kỹ thuật và doanh nhân.
Tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng kỹ thuật ai cũng thấy, không cần phải nói nhiều nhưng tầm quan trọng của doanh nhân thì nhiều người chưa thấy. Vừa qua, nền kinh tế Mỹ hết sức lao đao, nhiều người trách chính phủ Mỹ nhưng thật ra người phải chịu trách nhiệm chính là các doanh nhân Mỹ.
Tôi thật sự nghĩ rằng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng tầng lớp doanh nhân Việt Nam sao cho Việt Nam có được càng nhiều càng tốt những doanh nhân chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy, có đủ tài năng và bản lĩnh tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách để ngoài việc bình thường là làm giàu cho bản thân còn phải thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Đối với giới trẻ, tôi xin phép được khuyên: thời kinh doanh “tay ngang” đã qua rồi. Do đó, đừng vội kinh doanh hãy học đã, học làm người để sống cho tử tế và học kinh doanh để biết kinh doanh. Còn nếu đã lỡ kinh doanh rồi thì đành... vừa kinh doanh vừa học vậy!.
Ông có nhìn nhận như thế nào về những thành quả trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2008?
Hết năm 2008, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 60 tỷ, đây là con số cao kỷ lục từ năm 1987 cho đến nay. Trên thực tế những con số này đã làm nên những báo cáo rất đẹp, những con số cũng chứng tỏ ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam.
Tâm lý hăm hở vì Việt Nam là điều mà tất cả những người làm công việc xúc tiến đầu tư, thương mại đều mong muốn xảy ra. Tiếc là tâm lý ấy chưa kịp thành trào lưu (như đối với Trung Quốc chẳng hạn) thì đã bị cơn bão tài chính thế giới làm nguội đi. Rồi đây Việt Nam sẽ phải leo trở lại một phần con dốc.
Tuy nhiên, có được sự hăm hở của nhà đầu tư đi nữa thì cũng chỉ mới là bước đầu.
Thứ nhất, cuộc chiến giành giật nguồn đầu tư trên thế giới là một cuộc chiến không có phần kết cục. Dù thành quả của ngày hôm nay có thế nào đi nữa cũng vẫn phải tiếp tục cải tiến, đồng thời tích cực giới thiệu những cải tiến không ngừng ấy cho mọi người biết và ngày càng biết nhiều hơn nữa về Việt Nam.
Thứ hai, người ta thấy đất này làm ăn được, người ta đổ xô đến thì mình cũng phải xem người ta muốn làm ăn kiểu gì. Trong số những người nói sẽ bỏ vào hàng tỷ USD cũng có nhiều loại, vì là chủ nhà ta phải phân biệt.
Thứ ba, thu hút đầu tư nhưng phải giữ quyền chủ động theo chiến lược và kế hoạch của quốc gia. Không nên khi nhà đầu tư đổ nhiều tiền vào tài chính, du lịch, bất động sản thì rất nhiều địa phương đặt mục tiêu là ưu tiên phát triển dịch vụ, đến khi có được một vài dự án hàng tỷ USD trong công nghiệp thì lại “chuyển dịch” trở về công nghiệp. Nếu thế khi gần đây phát hiện có quá nhiều dự án công nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng, khó kiểm soát, khó xử lý thì liệu có “chuyển dịch” đi đâu nữa không.
Mặc dù luồng vốn FDI năm 2008 tăng kỷ lục nhưng một số quan điểm lại đang tỏ ra khá lo ngại về luồng vốn này sẽ gây sức ép ngược trở lại đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Vậy, quan điểm của ông với vấn đề này như thế nào?
Nhà nước nắm chắc quyền chủ động là nhân tố quyết định thành công cho cả Nhà nước và cả nhà đầu tư. Nguyên lý này đã được kiểm nghiệm không ngừng.
Không chủ động đương nhiên sẽ bị “ép ngược”. Khi bị ép ngược đương nhiên sẽ có phản ứng hoặc của chính quyền hoặc của dư luận, xã hội và khi phản ứng đủ mạnh thì sẽ có sửa sai, chấn chỉnh.
Nhiều lần sửa sai, chấn chỉnh thì... tội nghiệp cho môi trường đầu tư lắm.
( Theo báo điện tử VnEconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com