Vợ chồng Anthony D. Salzman và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội tháng 12/2006 |
Suốt 15 năm qua, ông Anthony David Salzman – Chủ tịch Tập đoàn V-Trac đã đeo đuổi hành trình của một doanh nhân Mỹ mơ ước “thay đổi mối quan hệ thảm kịch giữa Việt Nam – Hoa Kỳ thành mối quan hệ hữu nghị về kinh tế và chính trị”. Giải thưởng “Vietnam Golden FDI 2009” lần thứ nhất do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa trao tặng ông thêm lần nữa khẳng định sự đóng góp bền bỉ này.
- Năm 2006 ông đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ George Bush - bạn học cùng trường Đại học Yale danh tiếng - khi ông Bush chuẩn bị sang Việt Nam dự Hội nghị các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC với lời đề nghị cải thiện mối quan hệ với Việt Nam. Điều gì đã thôi thúc ông viết lá thư đó?
Tôi đã nung nấu dự định viết thư cho Tổng thống Bush khá lâu, nhất là sau khi tham dự nhiều diễn đàn đầu tư được tổ chức tại Việt Nam, cũng như đã tìm hiểu kỹ về tâm tư nguyện vọng của các doanh nhân Mỹ. Tổng thống Bush chuẩn bị sang Việt Nam dự APEC, tôi cho đó là thời điểm thích hợp nhất để gửi bức thư ngỏ cho ông khi mà Việt Nam chưa được trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) và chưa được gia nhập WTO. Vì như trong thư có viết, chúng tôi không muốn trở lại Việt Nam như những “Người Mỹ trầm lặng”, nhưng sẽ có lợi hơn nhiều trong chương mới này khi chúng ta là “Người Mỹ lắng nghe”.
- Không chỉ là một “người Mỹ lắng nghe”, ông còn là một người Mỹ thông minh, một nhà đầu tư có đầu óc chiến lược. Đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp về ngài Chủ tịch V - trac. Ông nghĩ sao?
Không ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng quá khứ đã qua và tương lai đang đến. Tôi là một doanh nhân và tôi luôn hiểu rõ điều đó. Tôi cho rằng mình cần phải tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở một đất nước đang phát triển. Tôi tự hào vì mình đã tìm đúng, đã tham gia một ngành kinh doanh mà đất nước các bạn đang cần.
- Và bởi thế, khi Việt Nam còn chưa được bỏ cấm vận, ông đã có ý nguyện làm ăn lâu dài tại đây?
Một trong những cảm nhận của tôi lúc đó, Việt Nam là một đất nước có nhiều hứa hẹn, nhiều triển vọng kinh doanh tốt đẹp. Dù rằng lúc đó thị trường còn non trẻ, nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, lạc hậu. Trong khi những máy móc chúng tôi đưa vào đều rất hiện đại và đắt tiền, lực lượng nhân công có đủ kiến thức và tay nghề để vận hành máy móc trong nước còn thiếu. Việc tìm kiếm, lựa chọn để có được đội ngũ những cộng sự giỏi giang, tâm huyết càng không dễ dàng...
- Ông đã phải bán đi gia sản lớn của mình tại Mỹ để tạo dựng V-Trac ở thời điểm mà nhiều người Mỹ còn rất e ngại tại Việt Nam, ông có cho rằng điều đó là phiêu lưu không, thưa ông?
Việc bán hết tài sản để sang Việt Nam đầu tư đối với tôi là một cam kết rất lớn đối với đất nước các bạn! Có nhiều lý do đã dẫn tôi đến những quyết định như vậy. Cụ ngoại, cụ nội tôi khi còn trẻ, rất nghèo, đã di cư đến Mỹ và chọn đó làm nơi định cư lâu dài, rồi gây dựng gia đình và tay trắng làm nên sự nghiệp. Ông nội tôi biết tới 8 ngoại ngữ, là bạn thân của nhà vật lý Anh-xtanh. Ông ngoại tôi có năng khiếu đặc biệt về kinh doanh. Tôi có người cha nổi tiếng, cố vấn kinh tế của 4 đời Tổng thống Mỹ... Nói một cách chính xác, tôi đã được lớn khôn, nuôi dạy trong một môi trường đáng để thán phục. Và bởi thế, việc tôi đến Việt Nam có nhiều lý do, trong đó có những lý do mang tính lịch sử.
Tiếp cận môi trường kinh doanh qua “cửa sổ văn hóa”
- Ông đã chọn việc khó để làm. Nếu bây giờ trở lại thời điểm 15 năm trước đó, liệu ông có đủ dũng khí như vậy ?
Có! Tôi vẫn lại tích cực đầu tư vào Việt Nam. Nhưng sẽ tìm cách để không vất vả như trước, không phải mệt lả mỗi khi từ công ty trở về nhà vì luôn làm việc quá sức... Ví dụ, sẽ dành nhiều thời gian để học văn hóa, học tiếng Việt hơn. Nếu có cơ hội, tôi sẽ theo một trật tự ngược lại điều tôi đã làm trước đây: học tiếng Việt trước, kinh doanh sau. So với các nước ở châu Á thì Việt Nam có một nền văn hóa phức tạp và khó hiểu, nhất là về ngôn ngữ, ví dụ như đại từ nhân xưng. Tôi đã nhận ra rằng, ngôn ngữ chính là cửa sổ mở ra nền văn hóa của một đất nước, mở ra những tinh hoa, đưa đến những người bạn... nên tôi cho rằng mình sẽ phải dành nhiều thời gian cho việc học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
- Hẳn là, khi tiếp cận với một nền văn hóa khác, ông cũng nhận ra nhiều điều mới mẻ, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh?
Từ cảm giác ban đầu lạ lẫm vì những khác biệt văn hóa, tôi đã suy nghĩ lại. Ví dụ, trước đây tôi xếp thứ tự quan tâm của mình là: gia đình, công việc, bạn bè. Còn bây giờ, tôi đổi lại: gia đình, bạn bè, công việc !
- Khi bạn bè, các doanh nhân Mỹ và thế giới muốn tìm hiểu về Việt Nam - lời khuyên của ông với họ là gì?
Tôi thường nói với họ rằng, đến Việt Nam thì phải biết đến những giới hạn như: phải biết tôn trọng người Việt Nam, vì chúng ta không bao giờ hiểu hết được họ. Và muốn có một cuộc sống chất lượng ở Việt Nam, phải biết tôn trọng giá trị lớn nhất: bản sắc văn hóa Việt Nam!
- Có phải vì thế mà tại V-Trac, các sếp nước ngoài lẫn các nhân viên mang nhiều quốc tịch khác nhau đều phải “học” về văn hóa Việt Nam qua những cuốn sổ ghi chép chi tiết, mô tả kỹ càng các phong tục tập quán của người dân Việt Nam...?
(Cười). Thời kỳ mới thành lập chúng tôi phải thuê nhiều người nước ngoài từ Mỹ, Philippine... đến làm việc. Tìm hiểu phong tục tập quán nước sở tại là một trong những cách để hòa nhập vào cuộc sống tại Việt Nam của chúng tôi. Cá nhân tôi luôn coi đó là những kiến thức tối thiểu và bắt buộc cho mỗi người. Chẳng hạn như, ở lại ăn Tết Việt Nam thì sẽ mời nhân viên đến nhà chơi và có bao lì xì mừng tuổi...
Vận hội mới
- Nhìn lại môi trường đầu tư Việt Nam, những đánh giá của riêng ông là gì?
Việc đầu tiên một doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam để đầu tư là phải tìm cho được một đối tác tin cậy ở Việt Nam. Khó khăn lớn nhất khi tôi bước vào đầu tư tại Việt Nam là đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam về việc phải có một đối tác bản địa. Giờ đây việc đó đối với tôi rất dễ dàng. Tôi thấy rằng, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay không bị lấn lướt so với các nhóm khác, Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện sự quan tâm phát triển khối kinh tế tư nhân trong nước... Khi đầu tư vào Việt Nam, tôi tin tưởng vào sự phát triển (dù không nhanh như mong đợi). Thực tế đã cho thấy quyết định của tôi là đúng đắn. Thu nhập đầu người ở Việt Nam thời tôi mới đặt chân đến là dưới 200 USD, nay đã trên 1.000 USD. Năm 2009 là năm thuận lợi cho sự tăng trưởng lớn khi mà từ 2 năm trước đó, năm 2007, các ngân hàng trong nước đã có khả năng cung cấp vốn một cách đáng kể cho doanh nghiệp - điều trước đó họ chưa làm được.
- Thế nhưng, tại một số diễn đàn đầu tư chúng ta vẫn nghe thấy những lời phàn nàn về những khó khăn nhất định do chính sách hay thay đổi, pháp luật chưa ổn định, thủ tục phiền hà... Ông không thấy vậy sao?
Tôi không phủ nhận rằng mình đã gặp một số khó khăn trong giai đoạn đầu. Nhưng trong 15 năm qua, thực tế môi trường đầu tư của đất nước các bạn đã có sự chuyển biến lớn. Có những nhà đầu tư nước ngoài tốt, có năng lực, họ đã quan tâm đến thị trường đầu tư Việt Nam; lại có những người không tìm được cơ hội ở những nơi khác nên đã có mặt tại Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng ta là chọn ra những người thực sự có năng lực. Những nhà đầu tư còn phàn nàn về chính sách, pháp luật, cơ sở hạ tầng hay nguồn nhân lực..., có lẽ bởi vì họ không có những kinh nghiệm như tôi đã có được tại Việt Nam.
- Một trong những kinh nghiệm đó là gì thưa ông?
Ví dụ, về phần mình, ban đầu là để cho con gái đi học, tôi đã nghĩ đến việc tham gia thành lập Trường quốc tế Liên hiệp quốc tại Hà Nội. Điều đó cũng là một bước chuẩn bị cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài an tâm và tự tin mang gia đình đến Việt Nam khi con cái của họ được bảo đảm cung cấp một nền tảng giáo dục tầm cỡ.
- 2008 - 2009 là thời kỳ “lửa thử vàng” đối với nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, đối với V-Trac lại là một vận hội mới phải không, thưa ông?
Người bạn thực sự là người chỉ cho ta thấy lỗi để sửa mà không lợi dụng việc đó làm vũ khí tấn công ta |
Đúng thế. Khủng hoảng đã khiến cho nhiều người dân phải khống chế các khoản chi tiêu của mình, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh... Song, với V-Trac thì khác. Một trong những dẫn chứng là chúng tôi không những không phải sa thải công nhân mà còn tuyển dụng thêm công nhân. Ngay trong khủng hoảng V - Trac đã đạt một kết quả kinh doanh rất lạc quan tại Việt Nam với thị phần tăng từ 18% năm 2008 lên trên 30% trong năm 2009. Hiện số vốn của chúng tôi đã tăng lên hơn 18 triệu USD, từ số vốn ban đầu là 3,1 triệu USD. Máy móc thiết bị của chúng tôi vẫn nhận được những đơn đặt hàng lớn của Tổng công ty Khoáng sản và Than Việt Nam (năm 2008 mua 30 thiết bị trị giá 12 triệu USD, năm 2009 mua 50 thiết bị trị giá 18 triệu USD), của Bộ Xây dựng, của ngành hàng hải...
Bài học thành công trong khủng hoảng: Tình bạn
- Được biết, Caterpilla - nhà sản xuất thiết bị cơ sở hạ tầng và động cơ diezen lớn nhất thế giới (CAT) đã chọn V-Trac là nhà phân phối độc quyền của họ tại Việt Nam, để rồi, đại diện của CAT khi đến Việt Nam đã từng bi quan cho rằng họ đã “nhầm” vì thị trường Việt Nam quá nhỏ bé. Ông và V-Trac đã làm thay đổi cục diện đó ra sao?
Đúng là có lúc hoạt động kinh doanh của V-Trac chúng tôi chỉ đủ để tồn tại. Khi đó ở Việt Nam chưa mấy ai biết đến các thiết bị của CAT, công nhân không biết vận hành, sửa chữa máy móc, muốn bán được thiết bị phải bắt đầu bằng việc thuê chuyên gia nước ngoài về mở lớp đào tạo, dạy cách sử dụng... Thời điểm ấy CAT có thể đã coi Việt Nam là một thị trường nhỏ, nhưng tôi thì đã tin chắc mình có thể tạo dựng được tất cả từ chính thị trường này. Đó là một quyết định lớn và quan trọng đã gắn cuộc sống của tôi, công việc kinh doanh của tôi với Việt Nam từ bấy đến giờ. Dẫn chứng rất cụ thể: Thông qua V- Trac, CAT đã đạt được thị phần lớn nhất tại Việt Nam với 33% (so với mức 25% của CAT tại châu Á). Trong những năm tới, V-Trac sẽ còn phát triển hơn, nhất là sau khi chúng tôi đã có những hợp tác chiến lược với ngành than Việt Nam, và có được những bạn hàng lâu năm như Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Petro Việt Nam...
- Như vậy, đối với V- Trac và cá nhân ông, khủng hoảng đã đưa đến những bài học quý về mở rộng và phát triển kinh doanh?
Vì sao V-Trac có thể phát triển và mở rộng thị phần kinh doanh ngay trong chính khủng hoảng? Một phần vì chúng tôi đã đi vào khủng hoảng sớm nhất và cũng đi ra khỏi khủng hoảng sớm nhất bằng cách luôn chủ động hỗ trợ nhân viên, chia sẻ với khách hàng. Những người bạn Việt Nam, tất cả đều giúp đỡ, tư vấn cho chúng tôi bằng những kinh nghiệm và hiểu biết quý báu của họ: tư vấn về cơ cấu lại công ty, chuyển đổi bộ máy, cải thiện hoạt động điều hành, cải thiện mối quan hệ với khách hàng, tuyển dụng và đào tạo nhân công tại chỗ... Điều có ý nghĩa nhất mà tôi học được trong khủng hoảng là bài học về tình bạn từ những người bạn đúng nghĩa đó. Đó là tình bạn thực sự tồn tại trong khó khăn. Tôi đã rút ra được một kết luận sâu sắc: Những người bạn thực sự là người mà khi ta mắc lỗi bạn sẽ chỉ cho ta thấy lỗi để sửa mà không lợi dụng việc đó làm vũ khí để tấn công ta.
Anthony David Salzman tốt nghiệp Đại học Yale và Đại học Luật Duke. Từ thập kỷ 70, ông bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, pháp lý và tài chính cấp cao của Hoa Kỳ. Giai đoạn khởi đầu sự nghiệp này đã đưa ông đến khá nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng phòng Chiến lược và Tiếp thị của American Expess, Phó Chủ tịch Lehman Brothers, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc tế Salzman - địa chỉ tài trợ Giải thưởng dành cho các thành tựu kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ mang tên Herbert Salzman... Năm 1994, tại Việt Nam, Anthony David Salzman đã bắt đầu những hoạt động xã hội tích cực như ủng hộ Đại học Bách khoa Hà Nội số tiền 100 ngàn USD thành lập trường đào tạo kỹ thuật tiên tiến cho ngành máy móc thiết bị; tài trợ cho hội thảo đầu tiên về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam do các chuyên gia nước ngoài đảm trách; Trao học bổng của Trường Luật Duke cho một thành viên cấp cao của Cục Sở hữu trí tuệ - người sau đó đảm trách vai trò đàm phán chính của Việt Nam trong các hiệp ước quốc tế về sở hữu trí tuệ... |
(Theo Nhị Hà // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com