Bộ Lao động Thương binh Xã hội vừa có báo cáo Chính phủ về thực trạng cung - cầu lao động VN. Theo đó, việc áp dụng chính sách tiền lương, thu nhập trong DN cứng nhắc, chưa phản ánh đúng thực tế. Ở góc độ của mình, các DN lại có những lý giải khác nhau.
- Theo bà, vì sao ngành dệt may, da giày... là những ngành có đóng góp lớn cho GDP, tuy nhiên mức lương mà công nhân của những ngành này lại thấp nhất so với những lĩnh vực khác trong nền kinh tế ?
Nếu chỉ so sánh bề nổi về số lượng, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy giữa một số ngành như: dầu khí, điện lực, viễn thông... với ngành dệt may hoặc da giày đã có sự chênh lệch rất lớn. Bên cạnh đó, trình độ của người lao động trong các ngành này cũng khác nhau. Ở các nước một số ngành như dầu khí, y tế, viễn thông... người lao động phải có ít nhất 3 năm để học tay nghề, trong khi dệt may thì thời gian học nghề ngắn hơn. Với những người được đào tạo bài bản, chắc chắn mức lương phải cao hơn... Nếu so sánh như vậy thì cũng rất khó.
Chính vì vậy, các nước giàu mới chuyển dần nghề dệt may sang các nước nghèo hoặc các nước đang phát triển. Hiện nay, dệt may ở các thành phố lớn cũng có xu hướng chuyển dịch dần ra các tỉnh và các vùng nông thôn. Đến một lúc nào đó nếu ngành dệt may muốn phát triển phải có điều kiện. Các nước khi họ giữ lại thì họ giữ lại những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao. Còn những sản phẩm khác họ mới chuyển sang các nước khác
Trước đây, để đào tạo được một thợ bậc 6 mất khá nhiều thời gian, nhưng hiện nay máy móc của ngành dệt may đã rất hiện đại, hiện nay thợ bậc 2 có thể đảm nhận công việc mà trước đây chỉ có thợ bậc 6 mới làm được...
Phân tích như vậy để thấy rằng nếu so sánh mức lương của ngành này với ngành kia là rất khó, bởi mỗi ngành có những đặc thù rất khác nhau.
Tôi cho rằng, nếu "sổ" thẳng vấn đề tiền lương các ngành như nhau, sẽ rất khó. Ngành may là ngành có sự cạnh tranh rất cao. Mỗi ngành có đặc thù, sự ưu đãi, độc quyền... khác nhau nên lại càng không thể so sánh. Ngành dệt may không thể chỉ bán mỗi một sản phẩm mãi được, trong khi những ngành khác họ có thể làm được như vậy.
Biểu đồ lương bình quân tháng theo ngành
Chính vì vậy mà những ngành khác có thể có lương cao cho người lao động. Trong khi ngành dệt may thì hoàn toàn ngược lại. Nếu nói về mức lương của ngành dệt may, ít DN nào công bố mức lương thực tế của mình. Bởi lẽ đa số DN dệt may hiện nay đều trả lương cao hơn nhiều so với mức lương quy định của nhà nước.
Đúng là mức lương luôn phản ánh thị trường, trong ngành dệt may nếu nguyên phụ liệu không có trong nước thì rất khó để cạnh tranh với các nước. Nếu hơn 2.000 DN dệt may đóng cửa, liệu các ngành khác có gánh nổi hàng triệu lao động dệt may không ?
- Hiện nay, mức lương của người lao động khối DN nói chung được đánh giá là thấp hơn so với mức lương của lao động tự do. Điều này cũng lý giải một phần tại sao các DN nói chung, trong đó có ngành dệt may rất khó tuyển lao động ?
Đúng là hiện nay mức lương bên ngoài cao hơn DN ! Nhưng trong và ngoài lại có những lý do riêng. Ví dụ cũng trong nghề may, nếu làm bên ngoài, một người công nhân may có thể một ngày họ may được một chiếc áo với tiền công khoảng 60.000 đồng, nhưng họ không phải chịu chi phí gì. Trong khi các DN dệt may phải chịu rất nhiều chi phí ngoài tiền công cho lao động, còn thuế, chi phí môi trường, máy móc, nhà xưởng... anh nào làm khép kín, may, giặt... còn tốn kém hơn nhiều.
Lương lao động tự do cao hơn trong DN cũng có lý của họ. Ví dụ bên ngoài có ai nói tới mua bảo hiểm cho người lao động đâu ! Thậm chí muốn mua cũng khó. Trong khi trong DN rõ ràng là có nhiều vấn đề, ngành dệt may lại có đặc thù là nhiều lao động nữ, có nhiều chính sách rất "căng". Bên ngoài không bị áp đặt điều đó. Chẳng hạn trong DN nếu người lao động nghỉ thai nghén... DN vẫn phải đảm bảo các chế độ và phải chi phí nhiều vấn đề.
- Theo bà, chính sách về tiền lương hiện nay đã hợp lý chưa ?
Tôi cho rằng chính sách hiện nay là tốt, nhưng với những ngành đặc thù cần có những nghiên cứu thêm để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Đúng là mức lương giữa các ngành hiện khá chênh lệch. Nhưng do mỗi ngành có một đặc thù, tính chất khác nhau nên mức lương cũng khác nhau. Như tôi đã nói ở trên, nếu làm phép tính so sánh lương của ngành này với ngành kia thì rất khập khiễng. Ví dụ, lương của ngành may, thợ bậc 6 và bậc 7 thuộc hàng lương cao nhưng nếu so sánh với các ngành khác thì cũng chỉ bằng lương của một người làm... lao công. Thậm chí nhiều lao động trong ngành dệt may còn rất hạnh phúc nếu được chuyển sang làm "chân" dọn dẹp, vệ sinh ở những ngành khác. Thế nhưng có phải ai muốn cũng có thể xin được vào làm những vị trí đó đâu !
Hiện nay, các thang bảng lương đang khập khiễng. Nếu cao hơn thì DN không chịu được, thậm chí phải đóng cửa, trong khi đó là cuộc sống của hàng nghìn người lao động.
- Bà đánh giá thế nào về mức lương quy định của ngành dệt may, nghĩa là mức lương đó cao hay thấp hơn so với thực tế của ngành ?
Tôi xin nhắc lại là hiện nay, đa số các DN dệt may đều đang trả lương cao hơn mức quy định của Nhà nước (880.000 đồng/tháng), bởi trên thực tế, nếu trả theo mức này thì DN không thể tuyển được lao động. Tuy nhiên, nếu Nhà nước nâng thang bảng lương lên sẽ kéo theo rất nhiều chi phí cho DN, mà những chi phí này đa số lại không có lợi cho người lao động. Mà nếu các chi phí đều "đội" lên thì DN khó lòng chịu được và phải "giãn thợ".
Về quy định sàn của mức lương, hiện DN luôn cố gắng trả cao hơn, đồng thời Nhà nước cũng đưa ra các giải pháp để nâng lương, giảm đình công, lãn công... Nhưng nếu tăng thì các ngành khác lại có sự so sánh. Anh này tăng được thì anh kia cũng phải tăng, và nếu mức lương cơ bản tăng thì thị trường tiêu dùng cũng sẽ có sự xáo trộn, các mặt hàng tăng giá theo. Hiện nay quy định là như vậy nhưng thực tế người lao động đang hưởng mức lương cao hơn nhiều. Do vậy không cần phải có sự điều chỉnh nữa, bởi nếu điều chỉnh thì sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường.
- Xin cảm ơn bà !
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com