Nguyên nhân thị trường trứng gia cầm biến động mạnh vào thời điểm đó được cho là do Cty chăn nuôi C.P VN, đơn vị chiếm thị phần lớn, đột ngột nâng giá bán.
Từ việc áp đảo thị trường
Vậy Cty C.P VN là ai? DN này chi phối và tác động tới thị trường nông nghiệp của VN như thế nào. Cty C.P VN hiện có vốn điều lệ 1.224 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn C.P là CP Foods (Thái Lan) nắm 29,18% cổ phần và C.P Pokphand (Hong Kong) với 70,82% cổ phần.
Ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Văn phòng Kiểm toán Nhật Bản tại VN, cho biết, không chỉ tác động tới thị trường trứng gia cầm, C.P VN là một trong những DN lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại VN, có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với thị trường thức ăn chăn nuôi cũng như thị trường gia súc, gia cầm. Gia nhập thị trường nông nghiệp VN từ những ngày đầu mở cửa, năm 1993, Cty TNHH Chăn nuôi C.P VN được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. Từ đó đến nay, C.P VN không ngừng mở rộng sản xuất và hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Thức ăn chăn nuôi gồm hệ thống 8 nhà máy sản xuất gồm thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản; Ngành trang trại chăn nuôi các loại lợn, gà thịt, gà đẻ, trứng gà, tôm và cá; Ngành Thực phẩm được chia làm 2 phần chính: Sản xuất tôm và cá xuất khẩu và sản xuất các loại thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg - Giám đốc điều hành C.P VN khẳng định, thời gian tới, CP VN sẽ tập trung vào chế biến thực phẩm và thực phẩm ăn liền. Để hiện thực hóa tham vọng này, Cty đang khẩn trương hoàn thành chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện Cty đã xây dựng được hơn 3.000 điểm bán lẻ trong tham vọng xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ cung cấp thực phẩm sạch trên khắp cả nước.
C.P VN đạt mức tăng trưởng trung bình 29%/năm. Năm 2011, Cty đạt doanh thu gần 30.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Cty đạt doanh thu hơn 15.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu thức ăn chăn nuôi chiếm 52,6%; còn lại là doanh thu từ các sản phẩm chăn nuôi và thực phẩm.
Với thị phần thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 18%, C.P VN hiện đang cùng một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác chiếm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại VN. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN - PTNT khẳng định, như vậy C.P VN cùng các DN này có thể kiểm soát và nắm quyền quyết định giá cả trong khi ngành chăn nuôi VN lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây chính là một trong những lý do khiến cho giá thức ăn chăn nuôi ở VN thường cao hơn so với các nước trong khu vực .
Với tiềm lực tài chính to lớn, việc DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, phân phối thực phẩm sạch theo quy trình khép kín đã được dự báo. Thế nhưng, sự tăng tốc quá nhanh của C.P VN vẫn nằm ngoài sự chuẩn bị của DN nội. Mới đây, một DN trong nước là Masan đã chi 96 triệu USD để mua lại 40% cổ phần Cty Pronco. Động thái này chứng tỏ Masan muốn tấn công mạnh hơn vào thị trường thực phẩm. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng, Masan có đủ sức cạnh tranh với C.P VN trong lĩnh vực thực phẩm. Rồi Vissan cũng đã chi khá nhiều tiền để nâng cấp hệ thống phân phối. Trong năm 2012, Cty này mở thêm 70 điểm bán thực phẩm tươi sống tại TP HCM với tham vọng cạnh tranh với C.P VN. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, các DN nội trong nước muốn theo đuổi mô hình khép kín nhằm cạnh tranh với C.P VN là điều không thể. Có thể thấy, các DN nội trong ngành nông nghiệp chiếm số đông nhưng lại bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài như C.P. VN áp đảo về thị phần, thống lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng của ngành.
Đến nguy cơ thao túng
Theo Bộ NN - PTNT, hiện cả nước có 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó 58 nhà máy thuộc các Cty có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tới 60% tổng sản lượng.
Thị phần thức ăn chăn nuôi của Cty C.P VN chiếm khoảng 18%, Pronco là 12%, New Hope khoảng 9-10%, Cargill và Vietnams Green Feed khoảng 8%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi của Cty C.P VN trong năm 2012 đạt 741 nghìn tấn với doanh thu đạt 388,7 triệu USD. Đóng góp xấp xỉ 1/2 doanh số là thức ăn cho lợn, tiếp đến là thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản.
Trong ngành nông nghiệp nói riêng và các ngành khác nói chung ở VN đang tồn tại quá nhiều nghịch lý. Ví như, chúng ta vẫn tự hào là nước có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều nông sản xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới nhưng vẫn phải nhập rất nhiều nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi liên tục xác lập những mốc giá mới vì phải phụ thuộc vào giá nguyên liệu nhập ngoại). Trong khi sản phẩm gia súc, gia cầm của nông dân không có đầu ra hoặc giá bán thấp thì gia súc, gia cầm nhập lậu vẫn ồ ạt tràn vào nội địa, gây lũng đoạn thị trường, chưa kể còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì phần lớn nguồn hàng không được kiểm soát về chất lượng.
Các DN nội trong ngành nông nghiệp chiếm số đông nhưng lại bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài áp đảo về thị phần, thống lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng của ngành. |
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8/2012 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã hai lần tăng giá với mức tăng tổng cộng 800 đồng/kg với thức ăn đậm đặc và trên 300 đồng/kg với thức ăn hỗn hợp. Lý do, được các Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa ra vẫn là "muôn thuở", do giá nguyên liệu (khô dầu đậu nành, dầu mỡ cá…) liên tục tăng cao. Cùng với việc tăng giá trứng gia cầm được cho là giáng một đòn khá "sốc" đối với người chăn nuôi và người tiêu dùng. Họ vốn dĩ đã rất đau đầu khi giá các sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, nay thêm việc giá thức ăn chăn nuôi xác lập mốc giá mới, bà con chỉ còn biết bán tháo đàn gia súc, gia cầm...
Ông Phạm Đức Bình - Chủ tịch HĐQTkiêm Tổng giám đốc Cty Thái Bình, một DN sản xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi ở Hải Phòng cho biết, giá thức ăn chăn nuôi có thể còn tăng trong vài tháng tới. Giá thức ăn chăn nuôi đang bị thao túng, bởi các DN nước ngoài hiện đang chiếm 65% thị phần thức ăn chăn nuôi tại VN và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có cơ quan nào đủ trình độ để có thể quản lý, điều hành được hoạt động của các DN nước ngoài này. Họ tiếp tục thao túng “làm mưa làm gió trên thị trường” nông nghiệp và hậu họa gánh chịu là những DNNVV như chúng tôi, không đủ lực, đủ sức để kinh doanh và đành phải nhường sân chơi cho những ông lớn như C.P VN.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - Tổng Giám đốc Cty Công nghiệp Thực phẩm Dofico Đồng Nai cho biết: “Việc thị trường thức ăn chăn nuôi, lâu nay bị DN nước ngoài thao túng ai cũng biết và cũng được nêu ra tại nhiều cuộc họp bàn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các biện pháp đối phó. Nhiều DN cho rằng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang chiếm 60%-70% nhưng chúng ta vẫn chưa có được các vùng nguyên liệu đủ lớn để thay thế nhằm hỗ trợ DN trong nước. Về tín dụng, trong khi DN nước ngoài có lợi thế được vay bằng ngoại tệ, vay vốn không phải thế chấp, chưa kể còn được Cty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ về việc mua nguyên liệu giá thấp và được trả chậm… thì DN trong nước vẫn phải vay với lãi suất cao. Nếu chúng ta không có chế độ chính sách rõ ràng và có biện pháp quản lý hiệu quả để ngăn chặn, thì ngành nông nghiệp được coi là thế mạnh của VN sẽ suốt đời lệ thuộc vào DN nước ngoài”.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com