Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Bệnh viện cá” ở đồng bằng sông Cửu Long

Một tin vui đến với bà con nông dân nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL: Ngày 30/7/2010, tại TP Cần Thơ sẽ có một "bệnh viện cá” đi vào hoạt động. Đó là Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An do bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch Group Bình An xây dựng với số vốn lên đến hàng triệu USD.

Đây sẽ trở thành nơi giải đáp và tháo gỡ những vướng mắc của người dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá tra - một sản vật của vùng ĐBSCL.

Câu chuyện “Ngàn lẻ một đêm”

Còn nhớ ở thập niên 90, lợi nhuận từ con tôm qua khai thác tự nhiên rồi chế biến xuất khẩu đã mang lại nguồn ngoại tệ khá lớn cho ngư dân, cho ngân sách... Sau đó, người nông dân đã nghĩ ra cách tìm và đánh bắt các cặp bố mẹ về nuôi để lai tạo giống và phát triển thành những ao nuôi tự phát. Con tôm được xem là vật “cứu tinh” của vùng ĐBSCL do đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương và cho người nông dân. Tiếng đồn lan xa, nhà nhà, người người thế chấp nhà cửa, đất đai vay vốn ngân hàng để bỏ tiền tỷ ra làm ao nuôi tôm với mong muốn được “đổi đời” từ ngành nghề mới này thay cho công việc đồng áng vừa vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao. Người ta đổ xô ra tận miền Trung thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên để thu gom con giống về nuôi mà chả cần tìm hiểu xem kỹ thuật nuôi trồng chúng ra sao để kết cuộc phải treo ao và trở thành “con nợ” của ngân hàng. Một số Chi cục quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản của địa phương cũng đã nhập cuộc qua việc đầu tư các máy móc, phương tiện kiểm tra con giống trước khi thả ao nhưng rồi thất bại vì số lượng người nuôi ngày một nhiều, lượng ao nuôi ngày một phát triển nhưng đa số người dân ngại nhờ các cơ quan chuyên ngành nhà nước kiểm tra bởi khâu … thủ tục hành chính và phí kiểm tra quá cao.

Tương tự con nghêu, con cá ba sa và gần đây là con cá tra cũng lâm vào cảnh “khốn cùng” bởi tiền công nuôi, lãi suất ngân hàng, giá con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất xử lý môi trường… tăng cao trong khi đó giá thu mua nguyên liệu của các nhà máy chế biến thủy sản lại quá thấp. Thử hỏi, với giá cá tra như hiện nay thì làm sao người nuôi cá không treo ao ? Nếu có chăng thì việc thả nuôi của một số hộ dân còn lại chỉ nhằm mục đích đối phó với công nợ.

Nuôi theo kỹ thuật... truyền miệng

Anh Đỗ Văn Tùng ở huyện Châu Phú chuyên trồng lúa và thu nhập từ công việc này chỉ đủ sống. Từ khi được chỉ dẫn cách nuôi cá của các hộ dân nuôi trước, anh bắt tay vào nuôi cá tra thì kinh tế gia đình đã khấm khá hơn. Tuy vậy, điều anh lo lắng là cá nuôi trong hầm đạt chất lượng chưa cao, cá giống thả nuôi chết nhiều và hay nhiễm bệnh, thịt cá không trắng nên lợi nhuận không cao.

Không riêng gì anh Tùng mà hầu hết các hộ nuôi cá tra hầm ở tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đều có chung nỗi lo từ chất lượng cá giống cho đến quá trình nuôi. Trong quá trình nuôi và thành cá thương phẩm luôn xảy ra những dịch bệnh như bệnh trắng da (đốm trắng), bệnh huyết đường ruột, bệnh nấm thủy mi, bệnh trùng bánh xe, bệnh sán lá 16 móc… Việc điều trị đều do các “thầy lang” xem mạch và bốc thuốc. Và đây cũng chính là nguyên nhân mà nhiều lô hàng của DN xuất khẩu VN gần đây bị trả về do bị nhiễm khuẩn Salmonella và Listeria monocytigenes, hoặc chế biến không đúng theo quy trình tiêu chuẩn và nhiễm dư lượng kháng sinh cấm.

Trước thực trạng trên, ông Vũ Văn Tám - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng của các vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là vùng nuôi cá tra. Các địa phương cần triển khai đánh số cơ sở nuôi, vùng nuôi nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Thời gian qua có khá nhiều buổi hội thảo về lĩnh vực này được tổ chức tại TP HCM và Cần Thơ. Gần nhất là hội thảo “Thủy sản Việt Nam: Tiềm năng – Hội nhập và phát triển” và hội thảo “Phát triển thủy sản bền vững” nhằm đưa ra những vấn đề bức xúc và tìm giải pháp, định hướng phát triển ngành thủy sản VN theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên theo ý kiến của các hộ nông dân thì các buổi hội thảo trên còn nặng về trình bày tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý mà chưa tạo cơ hội để người nuôi bày tỏ mong muốn và kiến nghị về các vấn đề thiết thực của người nuôi thủy sản như giá thức ăn, kỹ thuật nuôi trồng, dịch bệnh và giải pháp xử lý, con giống kém chất lượng… Đây chính là những vấn đề làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản VN trong tương lai.

Điệp khúc hết thì nhập khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và XNK thủy sản VN (VASEP), trong sáu tháng đầu năm, toàn ngành đã xuất khẩu được hơn 1,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên để đạt được “cột mốc” 4,5 tỷ USD như kế hoạch đề ra là rất khó khăn. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep là do các DN xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn bởi thiếu nguyên liệu. Được biết, lượng nguyên liệu cần cho các nhà máy chế biến từ đây đến cuối năm khoảng 300.000 tấn.

Hiện nông dân bỏ ao, neo ao để chuyển sang ngành nghề khác do nuôi trồng không có hiệu quả. Điều này dẫn tới hàng loạt nhà máy chế biến ở quy mô nhỏ không có nguyên liệu cho sản xuất hoặc sản xuất cầm cự để giữ công nhân. Nhiều DN cho biết nếu tình trạng khan hiếm nguyên liệu không được khắc phục sớm thì sẽ tổn thất nặng nề do không có hàng để sản xuất. Ông Ngô Văn Nga - Tổng Giám đốc Cty chế biến thủy sản và XNK Quốc Việt cho biết do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên sáu tháng đầu năm DN của ông chỉ sản xuất đạt 50% công suất. Còn ông Nguyễn Thanh Đạm - Tổng Giám đốc Cty CP thủy sản Bạc Liêu thì “kêu trời” do nguyên liệu thiếu hụt nghiêm trọng, nên dù có nhiều khách hàng tới ký kết hợp đồng nhưng ông từ chối vì… không có nguyên liệu để làm hàng.

Theo đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, do việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng tự phát và không chuyên nghiệp. Vùng nuôi không được quy hoạch và phân tán nhỏ lẻ, người nuôi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Từ con giống đến thức ăn và thuốc trị bệnh lại mua ở thị trường trôi nổi nên chất lượng không cao, điều này ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm.

Để cứu vãn tình thế, nhiều DN thay vì liên kết với các hộ nuôi, cùng họ san sẻ lợi nhuận và những khó khăn trong nuôi trồng thì lại lựa chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu nhằm có hàng giao ngay cho đối tác mà quên lợi ích của người nuôi. Và theo ông Trương Đình Hòe thì số tiền dự kiến phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản vào khoảng 200 triệu USD.

Bệnh viện cá - cứu tinh cho người nuôi trồng thủy sản

Ngày 30/7/2010, tại TP Cần Thơ sẽ khánh thành Viện nghiên cứu thủy sản do bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch Group Bình An khởi xướng và đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí lên tới hàng triệu USD. Viện sẽ quy tụ nhiều giáo sư, kỹ sư, chuyên gia giỏi về thủy sản trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu và sản xuất ra các loại con giống, thức ăn, công nghệ sinh học liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản. Qua đó sẽ hỗ trợ giúp bà con nông dân ứng dụng kỹ thuật cao để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra và các loại thủy sản khác. Đây thực sự là một tin vui với người nông dân vùng ĐBSCL.  Tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho tới An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, đâu đâu người ta cũng đưa câu chuyện “người đàn bà thờ cá – Phạm Thị Diệu Hiền” ra như một niềm tin vào tương lai của nghề và tính chuyện làm ăn lâu dài, quyết chí bám nghề nuôi trồng thủy sản làm kế mưu sinh.

Một chủ nông gắn với nghề này nhiều năm ở Vĩnh Long kể lại:“Hồi năm 2008 vừa qua, do giá xuất khẩu xuống thấp nên các DN ép giá người nuôi trồng khiến chúng tôi gặp khó khăn, hoang mang và mất phương hướng, không biết có theo mãi nghề này được không. May nhờ có Bianfishco do bà Diệu Hiền làm chủ đã chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả với người nuôi. Bianfishco đã hỗ trợ con giống, thức ăn giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Nay, Bianfishco lại xây Viện nghiên cứu để tiếp tục giúp chúng tôi cách thức nuôi trồng theo hướng bền vững qua việc ứng dụng sinh học vào mô hình nuôi trồng, cải thiện thành phần thức ăn để đảm bảo chất lượng cá tra an toàn cho người tiêu dùng thì chúng tôi thực sự rất vui mừng và cảm kích”. Còn các hộ nuôi cá ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ chia sẻ rằng, họ rất vững tâm theo đuổi nghề này, bởi theo họ “bệnh viện cá” ra đời sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển và mở rộng vùng nuôi.

Theo các nhà chuyên môn, Viện nghiên cứu thủy sản Bình An khi đi vào hoạt động không chỉ đơn thuần trong việc nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân vùng ĐBSCL.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao