Đại hội cổ đông của công ty cổ phần Bibica diễn ra ngày 24.3.2012 vừa qua đã gây nhiều ngạc nhiên cho các cổ đông. Nhiều cổ đông tỏ ra lo lắng, bức xúc trước nguy cơ thương hiệu Bibica có thể biến mất, chỉ còn lại tên của đối tác: Lotte.
Giành thêm ghế trong hội đồng quản trị
Theo nhận xét của một số cổ đông, đây là cách vị chủ tịch HĐQT thuyết phục các cổ đông Việt Nam giúp họ có thêm một ghế trong HĐQT.
Các cổ đông cũng khá bất ngờ khi tại đại hội, vị chủ tịch HĐQT tuyên bố tạm hoãn việc thay đổi tên công ty thành CTCP Lotte – Bibica với lý do là “thời cơ chưa chín muồi”. Thời cơ ở đây chính là việc đầu tư xây dựng nhà máy ở Hưng Yên vẫn chưa được triển khai đúng tiến độ và những thiệt hại xung quanh việc hoả hoạn tại nhà máy Bibica Miền Đông chưa giải quyết xong…
Chính điều trên đã giúp cho đại hội diễn ra một cách hoà bình, dù trước đó có nhiều ý kiến cho rằng đại hội sẽ có nhiều sóng gió ở nội dung đổi tên công ty và đưa thêm một cổ đông Hàn Quốc vào HĐQT theo đề nghị của Lotte.
Tại đại hội, nhiều cổ đông nhỏ người Việt Nam dường như khá bức xúc trước việc Lotte ngày càng nắm nhiều quyền hành tại Bibica và có thể dùng quyền hành đó để đưa ra những quyết định có lợi cho họ. Các cổ đông cho rằng với tỷ lệ nắm giữ là 38% và vai trò chủ tịch HĐQT, phía Lotte có rất nhiều quyền lực để phục vụ cho những ý đồ riêng của họ và có thể một ngày nào đó Bibica Lotte chỉ còn một cái tên Lotte. Có thể khi đó, công ty cổ phần này sẽ rất phát triển, nhưng cũng giống như kịch bản đã diễn ra ở nhiều doanh nghiệp FDI khác, hoạt động trong nhiều năm liền không có lãi và dần dà Bibica chỉ còn là công cụ phục vụ cho Lotte.
Chính sự phản ứng gay gắt đó nên ông Seok Hook Yang, giám đốc tài chính của Bibica, đã không thể trúng cử vào HĐQT do chỉ đạt tỷ lệ 53,32%, thấp hơn quy định là 65%.
Bước đầu các cổ đông nhỏ đã chiến thắng trong cuộc chiến gìn giữ thương hiệu Bibica bằng việc bỏ phiếu chống trong cuộc bầu cử. Nhưng nguy cơ bị thôn tính của Bibica xem ra vẫn còn đó.
Nguy cơ bị thôn tính
Việc thâu tóm Bibica của tập đoàn Lotte đã được thực hiện trong thời gian khá dài, cụ thể mua 4,6 triệu cổ phiếu (tương đương 30,15%) trên sàn từ năm 2007, sau đó đến đầu năm 2008 mua thêm 5,5% cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu lên đến 35,65%.
Ngay tại thời điểm đó có ý kiến cho rằng với các quy định nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phiếu của công ty cổ phần, Lotte không thể hoàn toàn chiếm lĩnh được Bibica. Nhưng 51% cổ phần thuộc về Bibica lại nằm rải rác ở rất nhiều cổ đông, trong khi toàn bộ công nghệ, kỹ thuật, chiến lược và chức vụ quan trọng nhất là chủ tịch HĐQT đều do Lotte nắm giữ, thì Lotte vận hành Bibica theo guồng máy của họ là hiển nhiên.
Và sự thật là vào thời điểm tháng 3.2012 này, chưa cần sở hữu đến 49%, nhưng Lotte đã nắm vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng trong công ty Bibica thông qua hai chức danh quan trọng là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính. Lotte đã áp đảo các cổ đông có mặt trong HĐQT, như ông Trương Phú Chiến (từng ở vị trí chủ tịch HĐQT) nay là phó chủ tịch HĐQT, ông Võ Ngọc Thành (thành viên hội đồng quản trị)… với tỷ lệ nắm giữ cổ phần chỉ một vài phần trăm.
Ngay khi Lotte mua cổ phiếu Bibica vào năm 2008, một thành viên HĐQT Bibica đã nói với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Việc Lotte mua cổ phiếu của Bibica trên sàn là cách nhanh nhất để họ có thể bước chân vào thị trường bánh kẹo Việt Nam một cách chắc chắn, không tốn công tốn sức để làm lại từ đầu với từng bước xây dựng mạng lưới phân phối, xây nhà máy sản xuất, phát triển thương hiệu…” Cụ thể, Lotte có thể sản xuất ngay trên nhà máy của Bibica Miền Đông, khai thác mạng lưới phân phối sẵn có của Bibica lên đến 20.000 cửa hàng, và Bibica là đơn vị có sản lượng cũng như thương hiệu xếp thứ hai tại Việt Nam (sau Kinh Đô).
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com