Thay vì mất hàng trăm tỉ đồng mua đất ở những thành phố lớn, đón đợi nhân công từ các vùng miền đổ về, ngày càng nhiều doanh nghiệp về nông thôn. Với cách làm này, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm khoản so với trước.
Công ty thuận lợi
Sau hơn hai tháng đăng tuyển công nhân, chị Nguyễn Thị Thương, chủ cơ sở sản xuất rượu Hải Hậu vẫn không thể tuyển đủ nhân công làm việc. "Người lao động sống ở đô thị đắt đỏ. Họ lại hầu hết từ ngoại tỉnh hay ngoại thành nên mức lương của tôi đưa ra đều bị lắc đầu. Cực chẳng đã, tôi phải đưa công ty sản xuất về Hà Nam và cơ sở đóng gói, phân phối về huyện Thường Tín. Tưởng phiền hà mà lại hóa hay", chị Thương cho biết.
Cái hay mà chị đề cập là nơi chị chuyển cơ sở về nguồn lao động rất dồi dào, mức lương thấp hơn và công nhân làm việc không bỏ nhiều như khi cơ sở còn ở Hà Nội. Chị Thương chia sẻ: "Cơ sở chuyển ra ngoại tỉnh chúng tôi gặp một khó khăn duy nhất là việc vận chuyển hàng đi phân phối. Tuy nhiên, cân đối lại thì việc "theo" lao động về quê vẫn lợi ích hơn. Chi phí vận chuyển chỉ mất khoảng 40% chi phí chúng tôi tiết kiệm được từ việc thuê kho bãi và lương nhân công. Đặc biệt, sau gần 2 năm chuyển cơ sở, nguồn nhân lực của chúng tôi ổn định nên năng suất tốt hơn".
Công ty Maxport, một doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc với cơ sở khá bề thế tại trụ sở 88 Hạ Đình, Thanh Xuân cũng đã "theo" công nhân về Thái Bình từ nhiều năm nay. Đại diện công ty cho biết: Với hai nhà máy có lượng công nhân lên đến hàng ngàn, chúng tôi tiết kiệm được một khoản khá lớn chi phí lương, chi phí từ thuê kho bãi. Đặc biệt, chúng tôi có đường vận chuyển hàng hóa ra cảng rất thuận tiện.
Bà Nguyễn Thị Liên làm nhân sự công ty chia sẻ: "Công nhân ngoại tỉnh làm việc tại trụ sở Hà Nội thu nhập lên tới trên 3 triệu cũng vẫn khó khăn do phải thuê nhà ở, chi phí đắt đỏ. Tại Thái Bình, chúng tôi trả công nhân trên 2 triệu thì đời sống của họ rất đảm bảo, ổn định và yên tâm gắn bó với công ty".
Nông thôn được lợi
Có tay nghề, làm ở Hà Nội hưởng mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng khi nào cuối tháng Trần Thị Chi (Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định) cũng vừa "nhẵn túi". Khi biết công ty cổ phần May Nam Định mở nhà máy ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, ngay lập tức Chi chuyển về quê.
Là một trong những nhân viên vào sớm nhất, lại có tay nghề cao nên Chi được đào tạo làm lao động nguồn. So với mức lương ở Hà Nội, dù thấp hơn 500.000 đồng nhưng cuộc sống lại ổn định hơn. Chi chia sẻ: Làm ở Hà Nội lương cao hơn nhưng thuê nhà trọ, tiền điện, nước sinh hoạt, rồi ăn uống hằng ngày... là hết. Làm 4 năm mà em không dành dụm được đồng nào. Về quê, công việc ổn định, chi phí sinh hoạt thấp, được ăn cơm nhà nên gần như không tiêu vào lương. Một năm, em để dành được khoảng 20 triệu.
Tháng 12/2010, công ty cổ phần đầu tư Hải Đường mở nhà máy may công nghiệp thu hút 500 lao động về xã nông thôn mới Hải Đường (Hải Hậu) với thu nhập bình quân 1,8 - 1,9 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Hải Đường cho biết thêm: "Đời sống của người lao động khi ra thành phố làm việc gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro khi phụ nữ phải sống xa nhà. Tích lũy của họ không được bao nhiêu.
Vì thế, lao động đang có xu hướng muốn quay trở về quê làm việc và họ thật sự có nhu cầu làm việc gần nhà. Từ thực tiễn đó, những doanh nghiệp dệt may phát triển sản xuất tại nông thôn sẽ giải quyết được cơ bản những khó khăn cho người lao động và cũng giải quyết được nhu cầu thiếu hụt lao động của doanh nghiệp hiện nay. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển".
Cũng như Hải Đường, công ty cổ phần May Sông Hồng an cư ở vùng quê với gần 2.000 lao động nông thôn huyện Xuân Trường. Trong năm 2012, công ty này sẽ đưa vào hoạt động khu sản xuất mới tại cụm công nghiệp xã Hải Phương (Hải Hậu). Tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng và dự kiến thu hút thêm 2.000 lao động nông thôn nữa.
Đại diện công ty cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch lấy vị trí công ty ở Xuân Trường, Hải Hậu làm tâm điểm trong bán kính 10 km với khoảng 10 xã để cung cấp nguồn nhân công chủ yếu cho công ty. Với mức thu nhập hơn 100 tỷ đồng mỗi năm cho lao động nông thôn ở mỗi khu vực, sau mười năm đã có hàng nghìn tỷ đồng tập trung ở các khu dân cư đó. Điều đó làm mức sống vật chất, văn hóa ở từng gia đình nông thôn sẽ được cải thiện và nâng cao hơn".
Theo Sở Công thương Nam Định Trần Quốc Hùng, đã có hơn 50 doanh nghiệp dệt may gắn bó với địa bàn nông thôn. Doanh nghiệp nhỏ cũng thu hút từ 300 đến 500 lao động, doanh nghiệp lớn tới hàng nghìn lao động. Việc đưa công nghiệp dệt may về nông thôn, trước hết, giảm nhẹ gánh nặng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là những doanh nghiệp ngành may phải sử dụng nhiều nhân công nhưng thu nhập thấp. Thứ hai, không phải lo vấn đề nhà ở cho người lao động và cuối cùng là giảm nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội ở địa phương. Đối với các địa phương có doanh nghiệp dệt may đứng chân, sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia lao động, xu hướng doanh nghiệp theo lao động về quê mới chỉ dừng lại ở các công ty may mặc, dệt, giấy hoặc một số ngành thủ công khác do lao động nông thôn trình độ tay nghề không cao. Nhưng những chuyển biến ban đầu này đã góp phần tích cực vào việc giảm tải áp lực cho các thành phố lớn, đời sống nhiều lao động được cải thiện rõ rệt.
Thái Bình hiện có trên 160 doanh nghiệp dệt may, thu hút hơn 72.000 lao động. Khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ (Quy Nhơn) ngay từ khi hoạt động đã đã giải quyết được trên 20.000 lao động trong và ngoài tỉnh.Khi đặt các nhà máy tại các vùng nông thôn thì việc tuyển lao động được dễ dàng hơn. Tuy nhiên các lao động này trình độ văn hóa còn thấp, chưa có nghề, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao nên phải tổ chức khâu đào tạo thật bài bản để sử dụng lâu dài. |
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com