minh họa: Khều. |
Theo thống kê của các cục hải quan địa phương, hiện có hàng trăm doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài nợ hàng chục tỉ đồng tiền thuế nhưng đã bỏ trốn. Có những khoản nợ phát sinh gần 20 năm. Cơ quan chức năng gần như “bó tay” trong việc thu hồi.
Trường hợp của Công ty TNHH Diing Long Việt Nam, một doanh nghiệp Đài Loan, có trụ sở tại khu công nghiệp Mỹ Phước I, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là một ví dụ khá điển hình. Theo ghi nhận của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, công ty này nợ thuế nhập khẩu hàng hóa tới 17 tỉ đồng. Thời điểm này, toàn bộ ban giám đốc công ty đã về nước, để lại một nhà xưởng trên diện tích 3 héc ta tại khu công nghiệp Mỹ Phước I, có giá trị ước tính 70 tỉ đồng. Nhưng... nhà xưởng này đã được đem thế chấp tại ngân hàng để vay trên 100 tỉ đồng.
Khắp nơi nợ thuế
Ngày 16-4 vừa qua, Tổng cục Hải quan có Công văn số 1830/TCHQ-TXNK yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát để báo cáo tình hình nợ thuế của doanh nghiệp có chủ người nước ngoài bỏ trốn nhằm tìm giải pháp xử lý tình trạng nợ thuế vốn đã nhức nhối nhiều năm qua. Những báo cáo đầu tiên cho thấy địa phương nào cũng có doanh nghiệp nước ngoài nợ thuế tiền tỉ đã bỏ trốn.
Tại Cục Hải quan TPHCM, số doanh nghiệp có chủ người nước ngoài nợ thuế đã bỏ trốn là 45 đơn vị, khiến Nhà nước thất thu gần 13,2 tỉ đồng tiền thuế, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiền phạt chậm nộp thuế. Thống kê cho thấy, có những doanh nghiệp nợ thuế từ năm 1998, 1999 như Công ty TNHH Môi trường Vietpam, Công ty TNHH Compunet và Công ty TNHH Planet Wave. Có doanh nghiệp nợ gần 800 triệu đồng tiền thuế như Công ty TNHH Sunbird OA Supplies, trong đó tới hơn 650 triệu đồng là tiền phạt chậm nộp, gấp gần 6 lần số tiền thuế nhập khẩu phải nộp. Doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất là Công ty TNHH May Vĩnh Lợi với số tiền lên tới gần 4,3 tỉ đồng, gồm gần 3,4 tỉ đồng thuế nhập khẩu và gần 906 triệu thuế GTGT.
Trong khi đó, Cục Hải quan Hải Phòng ghi nhận hiện còn 14 doanh nghiệp nợ thuế có chủ là người nước ngoài đã bỏ trốn với tổng số tiền thuế nợ gần 11,7 tỉ đồng. Đây là các doanh nghiệp đã mở tờ khai từ năm 2003 trở lại đây. Trong đó, doanh nghiệp có số nợ nhiều nhất là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark với trên 7,2 tỉ đồng (gần 3,7 tỉ thuế GTGT và hơn 3,5 tỉ thuế nhập khẩu). Theo đại diện Cục Hải quan Hải Phòng, trong quá trình thực hiện các biện pháp thu theo quy định, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, thậm chí có công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động ở địa điểm đã đăng ký.
Tại Cục Hải quan Bình Dương, nơi có số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, hiện có tới 34 doanh nghiệp có chủ nước ngoài nợ thuế bỏ trốn, mất tích, không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, ngừng và tạm ngừng hoạt động. Đi cùng với sự “mất tích” của các doanh nghiệp này là trên 43,4 tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước. Trong đó, thuế nhập khẩu bị nợ là trên 24,4 tỉ đồng, thuế GTGT hơn 11,8 tỉ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 4,4 tỉ đồng và tiền phạt chậm nộp là 2,7 tỉ đồng. Đây là số nợ thuế phát sinh từ năm 1995 tới nay. Đáng chú ý tại Cục Hải quan Bình Dương là có một doanh nghiệp nợ thuế lên tới gần 21,7 tỉ đồng, đó là Công ty cổ phần Điện GREE.
Thu hồi tiền nợ thuế - nắm dao đằng lưỡi
Các cơ quan hải quan thừa nhận, dù đã thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nhưng kết quả không được bao nhiêu, nếu không muốn nói là “bó tay” chịu mất trắng. Lãnh đạo một chi cục tại Cục Hải quan TPHCM cho hay, nợ thuế và thu hồi nợ là chuyện đau đầu ở các đơn vị. Chi cục nào cũng phải cử ra 3-4 người chỉ chuyên làm nhiệm vụ đòi nợ thuế, hàng tháng gửi đi hàng ngàn phong bì để thông báo cho doanh nghiệp, thậm chí phải ra tận Hà Nội để đôn đốc. “Các chi cục đều nỗ lực, làm rất nhiều việc vì sợ bị đánh giá trách nhiệm nhưng phải thừa nhận rằng kết quả không như mong muốn. Thực tế là chúng tôi nắm đằng lưỡi chứ không phải đằng cán”, ông này nói.
Lý giải về điều này, đại diện cục hải quan một thành phố phía Nam giải thích, đúng là quy định có nêu các công cụ để cơ quan quản lý có thể sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp chây ì, không chịu đóng thuế. Nhưng khi áp dụng vào thực tế thì... lại không khả thi. Bởi lý do đơn giản là các chủ doanh nghiệp sau khi nợ thuế là bỏ trốn, cơ quan hải quan không có cách nào tìm ra. Trong khi đó, tài khoản ngân hàng cũng chỉ là con số 0, có còn tài sản là máy móc, nhà xưởng thì đã đem thế chấp ngân hàng.
Trường hợp của Công ty TNHH Diing Long Việt Nam nói ở trên là một ví dụ điển hình. “Ngay cả việc phối hợp với các cơ quan chức năng khác để xử lý cũng không thể làm được. Liên hệ với công an để cấm xuất cảnh thì họ nói có nhiều việc để làm. Nhờ ngân hàng trích tiền gửi thì họ nói tự liên hệ các phòng giao dịch...”, vị này nói thêm.
Bên cạnh đó còn là nguyên nhân chủ quan từ chính những người làm công tác quản lý. Một viên chức làm công tác thu hồi nợ thuế ở một cục hải quan phía Nam cho hay, việc thu hồi nợ thuế cũng có nhiệm kỳ như bầu cử vậy. Nghĩa là nhân viên này được giao nhiệm vụ đôn đốc, thu hồi thuế của một công ty kia. Tuy nhiên, theo được chừng hai năm, nhân viên này chuyển công tác sang bộ phận khác. Người mới về, vì nhiều lý do, lại theo một doanh nghiệp mới, không theo tiếp nhiệm vụ của người cũ. Đó là một trong những lý do giải thích cho việc có những món nợ phát sinh hàng chục năm mà chưa thanh lý được.
Ngoài ra, theo những người trực tiếp làm công tác này thì nguyên nhân chính nằm ở những quy định không phù hợp thực tế, thiếu tính răn đe.
Đại diện cục hải quan một tỉnh phía Nam phân tích, khi thấy doanh nghiệp chây ì, không chịu đóng thuế, cơ quan hải quan ngay lập tức đôn đốc để mong thu hồi. Nhưng doanh nghiệp viện lý do luật cho phép nợ để chống chế. Theo điều 42, Luật Quản lý thuế năm 2006, loại hình sản xuất xuất khẩu được ân hạn thuế tới 275 ngày (tương đương một chu kỳ sản xuất, tính từ khi nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất đơn hàng đến khi xuất khẩu, nhận thanh toán của đối tác). Quy định này đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng khi đang trong thời gian ân hạn thì bỏ trốn và cơ quan quản lý thuế không có cơ sở pháp lý để kiểm soát.
Thực tế này đã được cơ quan hải quan báo cáo và kiến nghị với Bộ Tài chính là không cho doanh nghiệp nợ thuế như các nước vẫn áp dụng từ 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. “Chỉ có một thay đổi là các doanh nghiệp phải hoạt động từ 365 ngày trở lên mới được ân hạn thuế chứ không phải tất cả doanh nghiệp không kể cũ mới như trước đây”, vị này nói.
Chưa hết, Luật Quản lý thuế trước năm 2006 cho phép nợ thuế nhưng lại không ràng buộc điều kiện doanh nghiệp phải chấp hành tốt pháp luật về thuế cũng như không có bất kỳ yêu cầu nào về việc phải có tài khoản đảm bảo trong ngân hàng để phòng ngừa các trường hợp rủi ro. Bên cạnh đó, không ít trường hợp lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp trong việc thành lập doanh nghiệp để trục lợi tiền thuế.
Để làm sạch môi trường kinh doanh, đầu tư, tránh thất thu ngân sách nhà nước, theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là yếu tố tiên quyết. Đại diện một cục hải quan phía Nam cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, đưa các quy định vào nghị định, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ ngành để cùng thực hiện. Quan trọng hơn, các quy định phải chặt chẽ, kèm với đó là các chế tài xử phạt đủ sức răn đe, thậm chí cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự doanh nghiệp vi phạm.
Dưới góc độ của người làm trực tiếp, lãnh đạo một chi cục hải quan nêu ý kiến: tốt nhất là không cho ân hạn thuế. “Nếu làm như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng xuất nhập khẩu nhưng sẽ giúp môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán, cân nhắc trước khi nhập khẩu”, ông này phân tích.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com