Bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2009 đã chính thức được công bố. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được thực hiện để ghi nhận và tôn vinh những thành quả mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đạt được.
Trong 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2008 có 67.7% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 8% trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, 11% trong lĩnh vực dịch vụ và 2.8% trong lĩnh vực thủy sản. Cơ cấu ngành nghề trong Bảng xếp hạng (BXH) năm nay không biến động nhiều so với năm ngoái, ngoại trừ sự tăng lên rõ rệt của khu vực dịch vụ, 11% so với 8% năm 2008. Một lần nữa, cơ cấu này chứng tỏ khu vực công nghiệp chế tạo và sản xuất đang tạo ra phần lớn giá trị gia tăng trong nền kinh tế Việt Nam.
Cơ cấu ngành nghề của các Doanh nghiệp VNR 500 trong BXH VNR 500 năm 2009
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2008 cũng tiếp tục chứng kiến sự chi phối mạnh mẽ bởi khu vực Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (chiếm tỷ trọng 45.3%) vẫn tiếp tục nắm giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam được thể hiện bằng những thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng VNR 500 cũng như chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp được xếp hạng. Doanh nghiệp tư nhân cũng đang dần thể hiện vị thế của mình trong nền kinh tế với số lượng doanh nghiệp khối tư nhân góp mặt trong BXH năm nay lên đến gần 30%, một sự gia tăng rõ rệt so với năm trước (24%). Bên cạnh đó, yếu tố nước ngoài cũng góp phần không nhỏ trong BXH năm 2009 với sự góp mặt của gần 26% số lượng doanh nghiệp.
Để đánh giá mức độ đầu tư và phát triển của các tỉnh thành trong cả nước, VNR Research Division đã thống kê số lượng các doanh nghiệp VNR500 theo tỉnh, thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục vị trí đứng đầu tỷ lệ doanh nghiệp chiếm 24% trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, tiếp đến là Hà Nội với tỷ lệ 21.8%. Một số địa phương khác cũng đóng góp số lượng doanh nghiệp đáng kể trong BXH năm nay có thể kể đến như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh..... Nhìn chung, các tỉnh phía Bắc và Nam Bộ vẫn thể hiện rõ là 02 khu vực kinh tế thu hút nhiều nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên số lượng doanh nghiệp góp mặt trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là không đáng kể.
Vốn và lao động
Nửa cuối năm 2008 và năm 2009 là thời kỳ đầy khó khăn và bất ổn của thị trường trong nước và quốc tế. Thất nghiệp đã trở thành bài toán nan giải đối với rất nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công trong chiến lược kinh doanh của mình để có thể trụ vững và vượt qua suy thoái kinh tế. Thực tế này cũng được phản ánh khá rõ nét qua tổng số lượng lao động của Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam năm nay, với con số 1020 nghìn người, giảm đáng kể so với hai năm trước đó.
Kết quả sản xuất, kinh doanh
Mặc dù cả năm 2008 và 3 quý đầu năm 2009 được đánh giá là nền kinh tế gặp khó khăn nhưng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500) vẫn thể hiện vai trò đầu tàu trong nền kinh tế quốc dân. Tổng doanh thu của các DN VNR 500 trong BXH năm 2009 tăng khoảng gần 50% so năm 2008. Mức tăng trưởng này khá lớn trong bối cảnh chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt đã thể hiện sự lớn mạnh và đứng vững trên thị trường trong nước và thế giới.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2009
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2009 trên 100 tỷ VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, 36% (so với mức 33% trong BXH năm 2008), kế đến có 16.7% Doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế từ 50 đến 100 tỷ VNĐ. Tuy nhiên trong BXH năm 2009 này cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp có lợi nhuận âm cũng rất đáng lưu tâm với tỷ lệ 12.8%, tăng hơn một nửa so với BXH năm trước đó (5%).
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com