Đây cũng là dịp để ghi dấu nỗ lực của hơn 400.000 doanh nhân cả nước đã kiên cường đưa con thuyền doanh nghiệp vượt qua bão tố suy thoái một năm qua.
Trung tâm của sự phát triển
Trước kia, trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước đầy gian khổ, tướng lĩnh và chiến sĩ ngoài mặt trận là lực lượng chiến đấu chủ công, đã không quản hy sinh, xả thân vì sự nghiệp độc lập - tự do của dân tộc thì ngày nay, trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa đang ngày càng sâu sắc, để thực hiện phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước, chấn hưng dân tộc, đội ngũ doanh nhân VN trở thành những tướng lĩnh và chiến sĩ trên mặt trận hòa bình nhưng không kém phần cam go này.
Đất nước có giàu mạnh, hàng hóa của VN có cạnh tranh được trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc rất nhiều vào quy mô, chất lượng, bản lĩnh của đội ngũ doanh nhân chúng ta.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (bìa trái) trao giải thưởng Doanh nhân VN tiêu biểu - 2009 (Cúp Thánh Gióng) cho ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải. Ảnh: L.Anh
Doanh nhân thực sự là nhân vật trung tâm của công cuộc phát triển vì đây là đội ngũ huy động các nguồn lực tiềm tàng của đất nước, huy động tiền vốn trong dân, vận dụng khoa học - công nghệ của thế giới, luật pháp của Nhà nước, chính sách của Đảng và Chính phủ kết hợp với lực lượng lao động tạo ra việc làm để sản xuất sản phẩm, dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Doanh nhân chính là lực lượng có trí tuệ, có tầm nhìn toàn cầu nhưng biết hành động cụ thể tại chỗ, giàu lòng yêu nước, trực tiếp tổ chức việc vận dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào cuộc sống, qua đó cải thiện đời sống người dân.
Từ nhân dân, vì nhân dân
Bill Gates, doanh nhân người Mỹ giàu nhất thế giới, cũng là người đã đóng góp vô song cho công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của loài người. Ông đã sử dụng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện, giúp đỡ các nước đang phát triển, trong đó có VN.
Từ nhân dân mà ra, doanh nhân VN gắn bó chặt chẽ với đất nước và người dân, đã không chỉ thực hiện nghĩa vụ đóng thuế mà còn đóng góp vào các quỹ từ thiện, xóa đói giảm nghèo, chia sẻ với đồng bào gặp thiên tai. Từ chỗ bị lên án, bị cải tạo và thành kiến nặng nề là tầng lớp “bóc lột”, trong công cuộc đổi mới của đất nước, doanh nhân VN đã phải vượt qua bao mặc cảm, khó khăn, trở ngại để có địa vị chính đáng trong xã hội như ngày nay.
Kế tục truyền thống của dân tộc, doanh nhân VN có đức tính chịu đựng gian khổ, năng động, chịu khó học hỏi để vượt lên thử thách và được xã hội thừa nhận vị trí hợp pháp, chính đáng của mình. Xã hội đã thừa nhận doanh nhân là người sử dụng lao động, đã tôn vinh những đóng góp của đội ngũ ngày càng lớn mạnh và đông đảo này.
Mong được thừa nhận đúng và đủ
Dù có nhiều tiến bộ và phát triển to lớn so với quá khứ, song chúng ta phải thừa nhận rằng đội ngũ doanh nhân Việt phát triển chậm, nhiều doanh nghiệp chưa có quy mô, thương hiệu để vươn ra khu vực và thế giới.
Không ít doanh nhân đã sớm tự hài lòng với những gì đã đạt được trong quá khứ mà chưa chuẩn bị đầy đủ cho cuộc cạnh tranh toàn cầu ngay trên sân nhà, chưa tự trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh của một doanh nhân trong thời đại toàn cầu hóa.
Để thúc đẩy quá trình phát triển này, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thực hiện công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ, phổ biến những mô hình quản trị doanh nghiệp tốt. Nền kinh tế nước ta đang rất cần những doanh nghiệp lớn mạnh có tầm cỡ khu vực và quốc tế, có những doanh nhân toàn cầu, có trí tuệ và tài năng.
Vị thế doanh nhân VN nay đã khác, bề thế hơn song họ vẫn rất mong Đảng, Nhà nước có quy định dứt khoát để thoát khỏi nỗi ám ảnh có thể lại bị quy kết là “tư sản” như trong quá khứ, do hiện nay nền kinh tế vẫn được chia theo thành phần kinh tế.
Không ít doanh nhân vẫn còn lo ngại rằng nếu không phân định thành “khu vực kinh tế” (Nhà nước, ngoài Nhà nước, đầu tư nước ngoài) mà phân tích theo “thành phần kinh tế” thì sẽ dễ dẫn đến chuyện phân chia doanh nhân theo tiểu chủ và tư sản như trước đây.
Vì vậy, doanh nhân muốn được thừa nhận một cách chính thức, đầy đủ hơn nữa, trong đó quyền sở hữu tư nhân cần được pháp luật bảo vệ, danh dự và nhân phẩm của doanh nhân cần được bảo đảm, các vụ án kinh tế cần bớt bị hình sự hóa... Được như vậy, đội ngũ doanh nhân VN sẽ tiếp tục lớn mạnh và có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một nước VN dân chủ, công bằng, văn minh và giàu mạnh
Đừng bóp méo hình ảnh doanh nhân ! Bên cạnh những doanh nhân ngày đêm tìm tòi, sáng tạo, cũng còn một số doanh nhân tìm cách làm giàu nhanh bằng con đường dễ dàng, sử dụng những quan hệ vây cánh để tiếp cận đất đai, tài nguyên, tìm kiếm đặc quyền, đặc ân để hưởng lợi mà không đóng góp tương xứng cho xã hội, không đóng góp gì cho tiến bộ khoa học - công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. |
(Theo TS Lê Đăng Doanh // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com