Hệ thống máy móc sản xuất thùng xe tải của Cty BBTH |
Trong khi Chính phủ đáng khuyến khích các DN và hộ dân tiết kiệm điện để giảm gánh nặng quá tải của ngành điện, thì vẫn có những trường hợp DN dùng ít điện lại phải trả tiền nhiều hơn khi dùng nhiều điện. Nghịch lý đó xuất phát từ những quy định không hợp lý mà Cty XD và KD cơ sở hạ tầng KCN Hà Nội – Đài Tư đang “ép” Cty TNHH một thành viên Cơ khí chuyên dụng Bắc bộ Trường Hải (Cty con của Cty CP ôtô Trường Hải) phải thực hiện.
Cty TNHH một thành viên Cơ khí Bắc bộ Trường Hải (Cty BBTH) không đồng tình với những quy định trong dự thảo hợp đồng cung ứng điện vô lý đó và kết quả đã bị Cty XD và KD cơ sở hạ tầng KCN Hà Nội – Đài Tư (Cty KCN HN – Đài Tư)... cắt điện, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh, uy tín và công ăn việc làm của hơn 200 CBCNV.
Tìm cớ để bất hợp tác
Đi cùng với Cty BBTH, sáng ngày 27/5/2009, tại trụ sở làm việc KCN, các phóng viên Báo DĐDN đã được trực tiếp chứng kiến cung cách cư xử trịch thượng của đại diện Cty KCN HN – Đài Tư. Mặc dù, Cty BBTH đã được Đoàn kiểm tra cung ứng và sử dụng điện (Sở Công Thương Hà Nội) mời đến làm việc ba bên với Cty KCN HN – Đài Tư. Tuy nhiên, đại diện Cty KCN HN – Đài Tư đã tuyên bố không chấp nhận tư cách của Cty BBTH.
Ông Nguyễn Thành Nam – Trưởng phòng Tổ chức – Kinh doanh Cty KCN HN – Đài Tư nói: Chúng tôi chẳng biết Cty BBTH là đơn vị nào. KCN Hà Nội – Đài Tư không hề liên quan tới DN này. Chúng tôi chỉ ký hợp đồng cho thuê lại đất KCN với Cty CP
ôtô Trường Hải. Và vị đại diện Cty KCN HN – Đài Tư tỏ ý kiên quyết chỉ làm việc và ký hợp đồng mua bán điện với Cty CP ôtô Trường Hải. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, trong một số thông báo và hóa đơn thu tiền điện của Cty KCN HN – Đài Tư đều gửi Cty BBTH. Thực tế, tại nhiều buổi làm việc giữa 2 Cty, Cty BBTH đã đưa ra quyết định thành lập Cty con của Cty CP ôtô Trường Hải cũng như giấy ủy quyền của TGĐ Cty CP ô tô Trường Hải cho GĐ Cty BBTH. Vì thế, cái cách trả lời của vị đại diện Cty KCN HN – Đài Tư thật... khó có thể lý giải.
PGĐ Vũ Quang Long đại diện Cty BBTH đưa ra nhận xét, phía Cty KCN Hà Nội – Đài Tư chỉ tìm cớ để “ép” chúng tôi phải ký hợp đồng mua điện với giá và những quy định vô lý. Khi chúng tôi không chấp nhận thì họ cắt điện. Chúng tôi đã đàm phán, trao đổi, mời họ xuống làm việc nhưng họ không xuống
Không sản xuất phải trả tiền điện nhiều hơn
Thực tế, từ tháng 11/2008 đến nay, Cty BBTH thường xuyên phải nộp tiền phạt “non tải” khoảng 5 triệu đồng/tháng từ phía Cty KCN Hà Nội - Đài Tư. Việc áp dụng phạt “non tải” được áp dụng khi Cty BBTH dùng không dưới 50% công suất trạm biến áp. Ông Long khẳng định: Có những tháng DN dùng khoảng 20.000 số điện phải 10 triệu đồng, còn DN dùng tăng lên 25.000 số điện chỉ phải trả khoảng 8 triệu đồng. Hơn nữa, nếu DN nghỉ sản xuất sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn khi DN sản xuất bình thường.
Bên cạnh đó, lượng điện tiêu thụ của Cty BBTH chủ yếu dùng để sản xuất nhưng vẫn bị ép phải ký với giá điện kinh doanh. Trong khi, theo tính toán của DN, giá điện kinh doanh đắt hơn khoảng 40% giá điện sản xuất. Thực tế, từ đầu năm 2007 đến nay, DN này vẫn phải trả tiền điện theo giá kinh doanh. Ông Long cho biết, DN đã nhiều lần đề nghị Cty KCN Hà Nội – Đài Tư xuống bóc tách phần sản xuất và phần dịch vụ để thu tiền điện cho đúng nhưng Cty KCN Hà Nội – Đài Tư vẫn không hợp tác.
Gần đây, Cty BBTH đã mời Cty Điện lực Long Biên (đơn vị quản lý điện trên địa bàn) xuống để cùngbóc tách khu vực sản xuất và dịch vụ để tính tiền điện. Nhưng một lần nữa, Cty KCN HN – Đài Tư lại không hợp tác với lý do chỉ làm việc với Cty CP ôtô Trường Hải mà không làm việc với Cty con (dù có xuất trình Quyết định thành lập và Giấy ủy quyền). Đại diện Cty Điện lực Long Biên đã yêu cầu Cty KCN Hà Nội – Đài Tư ngừng cắt điện DN để bảo đảm sản xuất, nhưng không được Cty KCN Đài Tư chấp nhận.
Với tư cách trưởng đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Đình Thắng – Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương Hà Nội), đã chỉ ra rất nhiều điểm sai sót trong các hợp đồng ký kết bán điện giữa Cty KCN Hà Nội – Đài Tư với các DN trong KCN và trong dự thảo hợp đồng mà Cty KCN Đài Tư muốn Cty BBTH ký. Theo đó, nhiều khoản của hợp đồng và phụ lục vẫn áp dụng các quy định đã hết hiệu lực thi hành. Lãi suất của tiền lãi trả chậm tiền điện vi phạm mục đích sử dụng điện, chậm thanh toán phải chịu 150% trong khi quy định chỉ là lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó, việc quy định phạt “non tải” chỉ áp dụng trong nội bộ EVN...
Dựa trên tất cả các điều kiện vô lý trên, nếu Cty BBTH buộc phải ký vào bản hợp đồng mua bán điện thì quả là “ép nhau quá đáng”. Nhưng nếu Cty BBTH không chấp nhận bản hợp đồng này thì bị cắt điện. Và để bảo vệ quan điểm cũng như lợi ích chính đáng của mình ở góc độ lâu dài, DN này đang phải chạy máy nổ với chi phí gấp 3 lần tiền điện thông thường.
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com