Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu chuyện cám mì và ngành chăn nuôi

Sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giám đốc một công ty kinh doanh nguyên liệu thức ăn gia súc khoe mới rồi công ty của ông trúng một thương vụ khá đậm nhờ đọc  www.thesaigontimes.vn.

Thông tin trên báo cho biết để đảm bảo an ninh lương thực trước tình trạng cháy rừng tràn lan Chính phủ Nga đã phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì từ ngày 15-8-2010 đến hết năm nay. Trong khi đó, tại Việt Nam giá gạo cũng như giá cám gạo liên tục leo thang. Xâu chuỗi cả tình hình trong nước lẫn thế giới, công ty của ông nhận định đây là cơ hội và quyết định nhập về 10.000 tấn cám mì với giá 190 đô la Mỹ/tấn. Đúng như dự kiến, chỉ vài tuần sau giá cám mì đã đồng loạt tăng lên trên thị trường. Đơn đặt hàng tới tấp, công ty bán hết vèo toàn bộ lô hàng nhập với giá 215 đô la/tấn, lợi nhuận thu về khoảng 5 tỉ đồng. Vậy mà ông vẫn tỏ ra tiếc rẻ vì sau đó giá cám mì còn tăng tiếp, có lúc vọt lên đến 315 đô la/tấn!

2. Câu chuyện ông giám đốc kể cho thấy sự nhanh nhạy của một doanh nghiệp và vai trò cực kỳ lợi hại của thông tin trong kinh doanh. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi mà theo các chuyên gia, thực chất là cuộc chạy đua về thành phần thức ăn. TS. Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Thủy sản, Đại học Nông Lâm TPHCM, người từng có công dùng bã đậu nành thay thế cám gạo trong thành phần thức ăn nuôi cá tra, cho biết đang có xu hướng chuyển từ cám gạo - thành phần chính trong thức ăn cho heo sang cám mì do những ưu điểm của nguyên liệu này. Giá cám mì dù tăng nhưng chỉ có 4.200 đồng/ki lô gam trong khi giá cám gạo 5.300 đồng/ki lô gam. Giả sử, một nhà máy có sản lượng 100.000 tấn/năm nếu sử dụng nguyên liệu cám mì sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí “giật mình”: trên 100 tỉ đồng!

Với sản lượng lên tới vài triệu tấn/năm như một số công ty nước ngoài thì giá trị tiết kiệm còn lớn hơn gấp bội lần. Trong khi đó, về dinh dưỡng cám mì cho độ đạm 14-15%, còn cám gạo chỉ có 12%. Về tính chất, so với cám gạo, cám mì có độ ẩm thấp hơn nên thời gian để được lâu hơn… Tuy vậy, theo TS. Hùng, người nông dân và đặc biệt hầu hết cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn chưa biết sử dụng cám mì. Các cơ sở có cái khó của họ là quy mô nhỏ lẻ, manh mún; trong số đó không ít chủ cơ sở đi lên từ nông dân nên khả năng quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi có những doanh nghiệp ngại thay đổi vì “lỡ quen dùng cám gạo rồi”, thậm chí chỉ với lý do… sợ mất công xay (cám mì nguyên liệu thường ở dạng bột viên).

Ngược lại, các công ty nước ngoài và một số rất ít doanh nghiệp lớn trong nước khi giá gạo rục rịch tăng và dịch heo tai xanh xuất hiện, họ đã nhanh chóng chuẩn bị phương án thay thế cám gạo bằng cám mì nhằm giảm giá thành cho sản phẩm. Về lâu dài, để ứng phó với bài toán biến động giá, họ ráo riết thí nghiệm, xây dựng nhiều dạng công thức chế biến thức ăn (cám mì chỉ là một phương án) để lúc giá nguyên liệu của một thành phần nào đó có sự biến động thì chuyển sang công thức khác cho phù hợp dựa trên bài toán chi phí và lợi ích. Họ có cả một bộ phận chuyên trách săn tin, theo dõi biến động của thị trường hết sức bài bản, chuyên nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt ấy, doanh nghiệp nào cung cấp được sản phẩm giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn và nhanh hơn thì người đó sẽ có cơ may chiến thắng. Điều này giải thích vì sao số lượng doanh nghiệp nước ngoài chỉ có gần 50 trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp trên cả nước nhưng khống chế tới 70% thị phần trên thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi.

3. Nhưng không chỉ là chuyện cám mì, không chỉ là chuyện cung cấp thức ăn chăn nuôi. Một chuyên gia lo ngại, nếu các doanh nghiệp trong nước vẫn chậm thích ứng và Chính phủ không có một chiến lược hỗ trợ hiệu quả thì trong tương lai những chuỗi giá trị cao nhất của cả ngành chăn nuôi sẽ rơi vào tay các công ty nước ngoài. “Thực tế chuyện này đã xảy ra rồi. Ví dụ như trường hợp tập đoàn CP của Thái Lan tại Việt Nam. CP từ chỗ chỉ cung cấp thức ăn, con giống, nay họ cung cấp luôn cả chuồng trại, công nghệ và thuê nông dân nuôi gia công lại cho họ. Họ nắm giữ toàn bộ chuỗi giá trị cao nhất từ đầu vào, đến bao tiêu sản phẩm; còn nông dân của ta chỉ “ăn” một khâu có giá trị nhỏ, có tính chất lệ thuộc là tiền gia công chăn nuôi”, vị chuyên gia phân tích. Theo ông, vị thế của một số công ty thức ăn chăn nuôi nước ngoài hiện nay lớn tới mức họ có thể chi phối giá cả thu mua một số mặt hàng nguyên liệu nông sản tại Việt Nam như bắp, khoai mì…

Vị chuyên gia cho rằng vai trò lèo lái của nhà nước đối với nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng vẫn là số một. Nhà nước không thể để người nông dân và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đơn độc trong một cuộc cạnh tranh bất cân sức mà ưu thế áp đảo hoàn toàn thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải sớm thay đổi cách quản trị. Vị chuyên gia ví dụ: Chẳng hạn, như với Con Cò, khi lập nhà máy công ty này bao giờ cũng làm cạnh sông. Vì gần sông nên hàng hóa có thể chở bằng sà lan, chi phí chỉ khoảng 50 đồng/ki lô gam. Trong khi, các cơ sở của ta thì “chuyên trị” vận chuyển bằng xe với chi phí 200-300 đồng/ki lô gam. Hoặc các cơ sở của ta theo tập quán khi mua cám thường yêu cầu hàng phải vô bao 50 ki lô gam. Chi phí bao và đóng bao hiện khoảng 110 đồng/ki lô gam. Ngược lại, các công ty nước ngoài không yêu cầu đóng bao, hàng về là đổ vào kho xá. “Bạn cứ tưởng tượng coi. 110 đồng nhân với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm như của CP thì chỉ riêng tiền bao bì đã lợi được hơn 150 tỉ đồng. Họ tính toán ghê như thế, còn ta vẫn cứ làm theo kiểu tài tử thì làm sao có thể cạnh tranh lại?”.

(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Thai Airways nối thêm chuyến bay Việt Nam - châu Âu
  • Vinamilk đầu tư mạnh vào chế biến sữa
  • Làm thủ tục lên máy bay trực tuyến: Tiện lợi cho cả đôi bên
  • Air Mekong bắt đầu hoạt động
  • Doanh nghiệp bức xúc vụ đóng cửa Trung tâm SGP
  • VinaPhone khai trương showroom tư vấn đa dịch vụ
  • Thêm một tập đoàn truyền thông quốc tế đến Việt Nam
  • Nắm bắt cơ hội mới từ Nhật Bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao