Hoạt động đầu tư và mua sắm giảm; quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp bị trì hoãn đã khiến doanh nghiệp (DN) thẩm định giá gặp không ít khó khăn.
Trước khi bước vào năm 2008, giới chuyên gia đã dự báo năm 2008 Việt Nam sẽ bùng nổ hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A), với căn cứ là sự phát triển đầy tiềm năng của hoạt động này trong năm 2007. Tuy nhiên, những khó khăn của nền kinh tế từ đầu năm 2008, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ bùng lên và lan rộng tới nhiều quốc gia, hoạt động M&A tại Việt Nam đã chững lại. Các DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thẩm định giá do đó đang lao đao tìm “đất” sống.
Ông Vũ An Khang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho hay, do tác động của cuộc khủng hoảng, hoạt động đầu tư giảm đáng kể, nhất là đầu tư vào bất động sản, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu định giá bất động sản để giao, cho thuê đất giữa các DN với nhau và giữa DN với các địa phương. Ngoài ra, với những quy định về hạn chế mua sắm, giảm chi tiêu công, nhu cầu định giá tài sản của khách hàng cũng giảm nhiều.
Riêng trong lĩnh vực M&A, cổ phần hoá, nếu như trong năm 2007, VVFC thực hiện được hàng chục hợp đồng, thì năm nay mới có khoảng gần chục hợp đồng được ký kết, trong đó chỉ 1/3 “đầu xuôi, đuôi lọt”, còn lại đều bị tắc do các bên gặp vấn đề về thủ tục, chờ xác định lợi thế bất động sản hoặc thiếu vốn, trì hoãn cổ phần hoá.
Theo ông Harsha Basnayake, Giám đốc điều hành bộ phận định giá và xây dựng mô hình kinh doanh khu vực châu Á –Thái Bình Dương của Công ty Ernst & Young, từ đầu năm 2008 đến nay, Ernst & Young cũng mới thực hiện chưa đầy 10 hợp đồng tư vấn, thẩm định giá, giảm nhiều so với năm 2007.
Hiện Việt Nam mới có hơn 50 đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép trong lĩnh vực tư vấn, thẩm định giá. Nhưng hầu hết trong số đó là các công ty kiểm toán, kế toán, công ty chứng khoán, ngân hàng; số đơn vị hoạt động chuyên biệt về thẩm định giá không nhiều và mức độ chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ chưa cao. Vì thế, theo ông Tom Herron, Giám đốc Dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính (Công ty Ernst &Young), đây là thời điểm DN thẩm định giá phải xác định được đặc thù của giai đoạn này để có phương án phát triển.
“Việt Nam là một thị trường mới nổi, đang thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, do đó hoạt động thẩm định giá có những thách thức, khó khăn riêng. Trước hết là, mức độ chính xác của mô hình định giá không cao, do thiếu các thông tin dự báo và thông tin so sánh đáng tin cậy; tiếp đến là giá kỳ vọng giữa bên mua và bên bán có khoảng cách rất xa và có xu hướng ngày càng chênh lệch trong bối cảnh khủng hoảng tài chính”, ông Tom Herron chia sẻ.
Minh chứng của điều này, thời gian qua nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hay DN nước ngoài muốn mua DN Việt Nam nhưng không đạt kết quả do kỳ vọng về giá còn khác biệt, hoặc do bên mua có quá ít thông tin để lựa chọn, so sánh. Để tháo gỡ khó khăn này, trước hết, bên bán cần phải tìm đến những DN thẩm định giá có kinh nghiệm để nắm được giá trị chính xác của DN mình, từ đó có phương án chào giá hợp lý. Cũng cần lưu ý là, trong khi thị trường tài chính thế giới còn đang rất khó đoán định, các Quỹ đầu tư và DN sẽ còn phải cân nhắc để có được giá chấp nhận mua.
Trong khó khăn chung đó, một số DN thẩm định giá trong nước đã bước đầu tìm được lối đi riêng cho mình. Ông Vũ An Khang cho hay, giai đoạn này, các ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng thắt chặt, nhu cầu kiểm tra, đánh giá tài sản đảm bảo của DN đang gia tăng. Vì thế, VVFC đang tập vào hoạt động thẩm định, xác định giá trị tài sản, đảm bảo vốn vay ngân hàng cho các DN, vừa giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro tín dụng, vừa hỗ trợ DN tiếp cận được vốn vay.
( Cổng thông tin kinh tế )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com