Hàng loạt hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của khu vực xã An Hoà, huyện An Dương, TP. Hải Phòng được cho là “có vấn đề”, song cơ quan ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã không thể làm rốt ráo.
Trong hội thảo sơ kết hai năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vừa diễn ra tại Hải Phòng, ông Trần Việt Tuấn, Trưởng phòng ĐKKD Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng rất bức xúc cho rằng, tình trạng lập doanh nghiệp để mua bán hoá đơn tại khu vực này khá rõ ràng, song việc từ chối cấp ĐKKD cho họ là không thể, vì hồ sơ ĐKKD của các doanh nghiệp này lại “quá hoàn hảo”.
“Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã ‘đánh dấu’ các doanh nghiệp thuộc diện nghi vấn, chuyển tới các cơ quan liên quan như thuế, UBND quận, huyện, xã để phối hợp giám sát. Với 8 cán bộ, Phòng ĐKKD không biết phải kiểm tra như thế nào, theo tiêu chí gì...”, ông Tuấn nói.
Không chỉ dừng lại ở địa bàn An Hoà, hiện tượng địa phương có tỷ lệ giám đốc tăng đột biến đã vươn sang cả các xã, huyện bên cạnh, thậm chí vượt quá địa phận Hải Phòng. Tại Hải Dương, tình trạng khai vống vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp cũng đang “nở rộ”.
Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương đang trăn trở về tình trạng doanh nghiệp kê khai vốn lớn, rồi đề nghị mua nhiều hoá đơn một cách bất thường. Song trách nhiệm xử lý và kiểm soát tình hình của cơ quan ĐKKD lại rất hạn chế, bởi theo quy định của pháp luật, Phòng ĐKKD không được yêu cầu thêm bất cứ giấy tờ gì.
Vụ việc “làng giám đốc” đang nổi lên như một mặt trái của cơ chế “tiền đăng” được Luật Doanh nghiệp 1999 khởi xướng. Khi đó, những cởi mở trong quy trình ĐKKD, thành lập doanh nghiệp được thiết kế song hành với cơ chế “hậu kiểm”. Mục tiêu hướng tới của cơ chế này là tạo sự chủ động, nâng cao trách nhiệm trước pháp luật cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp. Nhưng sau gần 10 năm, cùng với những bước cải tiến mới trong Luật Doanh nghiệp 2005, cơ chế hậu kiểm dường như vẫn chưa tìm được chỗ đứng.
Thậm chí, cho tới thời điểm này, những câu hỏi như nội dung hậu kiểm gồm những gì, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong cơ chế này như thế nào vẫn đang được các địa phương đặt ra. Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi mới đây, Văn phòng Chính phủ đã không có được thông tin đầy đủ về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Chính phủ. Không địa phương nào có được báo cáo đầy đủ về các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Một hệ thống dữ liệu quan trọng về doanh nghiệp đang bị lơi là.
Thừa nhận là cần phải có một văn bản hướng dẫn về tổ chức thực hiện cơ chế hậu kiểm, song ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ướng, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư phân tích, theo quy định, phần trách nhiệm của cơ quan ĐKKD là giám sát, kiểm tra doanh nghiệp theo các tiêu chí doanh nghiệp đã tự đăng ký, kê khai tại hồ sơ ĐKKD. Còn các vấn đề liên quan đến thực hiện nghĩa vụ về thuế, đất đai, môi trường,... thuộc trách nhiệm hậu kiểm của các cơ quan chuyên ngành có liên quan. Hiệu quả của cơ chế này sẽ không thể đạt được, nếu như chỉ trông vào riêng cơ quan ĐKKD.
Có lẽ, ngay chính từ sự không rõ ràng về trách nhiệm này đã tạo ra sự lúng túng trong cách hành xử của nhiều cán bộ, công chức phòng ĐKKD địa phương. Một chuyên viên ĐKKD Yên Bái cho biết, để có được thông tin của doanh nghiệp, họ đã phải áp dụng cả cách “dọa” rút giấy chứng nhận ĐKKD.
Lời bàn ở đây là, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện nộp báo cáo về hoạt động kinh doanh với cơ quan ĐKKD. Chế tài xử lý đã được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp là có thể rút giấy chứng nhận ĐKKD, nếu doanh nghiệp không tuân thủ. Vậy nhưng “cây gậy” này hầu như chưa được các cơ quan ĐKKD phát huy. Có vẻ như khoảng trống cần khỏa lấp trước mắt là hướng dẫn nghiệp vụ, hơn là ra thêm những quy định pháp lý. Đề xuất được bàn tới là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải xây một cẩm nang cách thức thực hiện quản lý nhà nước với doanh nghiệp và tổ chức thực hiện hậu kiểm.
( Cổng thông tin kinh tế )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com