Quang cảnh đêm giao lưu. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+) |
Ông Trần Trọng Kiên, CEO Thiên Minh Group - sở hữu thương hiệu Buffalo tours, cho rằng ý tưởng sản phẩm chỉ là bước đi đầu tiên và trên thực tế có rất nhiều ý tưởng hay và sáng tạo. Tuy nhiên, khả năng cải tiến ý tưởng và làm cho nó đáp ứng đúng nhu cầu thị trường mới là điều quan trọng.
Ông nhấn mạnh: “Năng lực thực thi chiếm tới 80% thành công của một ý tưởng kinh doanh. Cụ thể năng lực này bao gồm khả năng lên kế hoạch, thu hút cộng sự, thu hút vốn và giải quyết vòng quay tiền mặt, khả năng bán hàng và tiếp thị...”
Đồng quan điểm với ông Kiên, bà Phạm Bích Hạnh, CEO Công ty Phúc Hưng Thịnh - sở hữu thương hiệu The Rooftop, chia sẻ thêm quá trình từ hình thành ý tưởng đến bắt tay xây dựng một mô hình kinh doanh đòi hỏi bản thân người chủ phải chuẩn bị “vốn khởi nghiệp” thật kỹ lưỡng.
Đồng thời, bà khẳng định người làm kinh doanh phải nhạy bén để kịp thời nắm bắt thị trường và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch: “Hãy bán cái thị trường cần chứ không phải cái mình có, luôn luôn cải tiến theo nhu cầu thay đổi của khách hàng và đưa ra một sản phẩm mới thì phải khác biệt và có những giá trị cộng thêm so với các sản phẩm khác trên thị trường….”
Nhấn mạnh yếu tố “vốn khởi nghiệp” mà bà Hạnh đề cập, ông Nguyễn Hòa Bình, CEO PeaceSoft - sở hữu thương hiệu ChợĐiệnTử.vn, cho biết mọi người hay nghĩ vốn là tiền.
"Tôi cho rằng có nhiều loại vốn quan trọng hơn như vốn kinh nghiệm, vốn kiến thức, vốn quản lý, thậm chí cả vốn thất bại. Tiền từ các nhà đầu tư chỉ đến sau khi tôi đã tích lũy rất nhiều giải thưởng, đã cùng nhóm bạn triển khai nhiều dự án thành công và đã trầy trật, thất bại với nhiều thử nghiệm… Vì thế nếu bạn muốn kinh doanh, hãy viết xuống mọi thứ vốn cần có và ngay từ bây giờ đã có thể tích lũy chúng chứ đừng đợi có tiền rồi mới bắt tay chuẩn bị,” ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Xây dựng tư duy làm chủ trước khi thực sự làm chủ
Trong đêm giao lưu, khá nhiều người tham dự đã nêu ý tưởng kinh doanh của mình để thảo luận, phản biện và tư vấn với các diễn giả. Cả ba diễn giả đều nhấn mạnh sự kiên trì và tỉnh táo. Sở dĩ như vậy là vì có khá nhiều người làm thuê rất xuất sắc nhưng lúc kinh doanh riêng thì thất bại hoàn thất bại.
Lý do có nhiều. Người làm thuê cấp cao có các phòng ban khác hỗ trợ, nên có thể giỏi một hay hai lĩnh vực nhưng còn thiếu kinh nghiệm quản trị tổng quát; lại quen có thư ký trợ giúp, có xe đưa đón… Tới lúc ra làm riêng việc gì cũng tới tay, tiêu gì cũng do mình trả… nên nhiều người chỉ sau một thời gian ngắn hứng khởi là mệt mỏi, bỏ cuộc. Từ đó, các diễn giả nhấn mạnh cần xây dựng “tinh thần làm chủ” ngay từ khi còn đi làm thuê.
“Khi nào bạn thực sự coi công ty đang làm thuê như là công ty của mình thì lúc đó có thể bạn đã sẵn sàng làm chủ,” bà Hạnh cho biết.
Với ông Bình, ông đặc biệt xoáy vào ba yếu tố phải có khi một người khởi sự kinh doanh riêng gồm tư duy tích cực, luôn có đồng đội sát cánh và hãy nhớ quy luật "nhận thức đưa đến tư duy, tư duy dẫn dắt hành vi và hành vi cho ra kết quả” trong mọi hoàn cảnh.
Cuối cùng, đúc kết ba điểm mấu chốt để khởi nghiệp thành công, ông Kiên chia sẻ: “Tôi có ba bí quyết thành công đơn giản gồm hãy làm việc chăm chỉ (tôi chưa thấy chủ doanh nghiệp thành công nào không say mê làm việc); xây dựng đội ngũ cộng sự và đối tác tốt cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ hết mình từ gia đình và hãy biết chấp nhận rủi ro!.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com