Không dễ để Hà Nội vươn lên trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nếu như không tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp trong việc ban hành và thực thi chính sách.
Việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp ở Hà Nội còn nhiều bất cập (Ảnh: Hoài Nam) |
Liên tục trong 2 năm 2007 - 2008, chỉ số thiết chế pháp lý của Hà Nội đứng cuối cùng trong khu vực Đồng bằng sông Hồng trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) thực hiện.
Cùng với đó, các chỉ số tiếp cận đất đai, ưu đãi doanh nghiệp nhà nước cũng đứng thấp nhất so với khu vực. Với những thông tin được đưa ra vào Toạ đàm nâng cao chỉ số PCI Hà Nội giai đoạn 2009 - 2010 vừa được tổ chức ngày 11/8/2009 tại Hà Nội, cơ hội để đảo ngược tình thế của Hà Nội, đưa Hà Nội ra khởi mức trung bình của cả nước không hẳn dễ.
Nói riêng về chỉ số thiết chế pháp lý, năm 2007, Hà Nội đạt 3,66 điểm, xếp hạng 45. Năm 2008, chỉ số này chỉ còn được 2,79 điểm, đẩy Hà Nội xuống hàng 60/64 tỉnh thành. Đây là chỉ số thành phần dùng để đánh giá mức độ tin tưởng của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý ở địa phương.
Theo bà Lê Thu Hiền, chuyên gia VNCI, trong số hơn 7.800 doanh nghiệp được điều tra trên cả nước, chỉ khoảng 19% doanh nghiệp ở Hà Nội tin tưởng vào việc hệ thống pháp lý tạo ra cơ chế để doanh nghiệp khởi kiện hành vi tham nhũng. Chỉ số này ở Đà Nẵng cao hơn nhiều, với khoảng 40%. Có lẽ đây cũng là một phần lý do khiến chi phí không chính thức ở Hà Nội cao nhất trong ba thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. “Điểm đáng nói là thành công của các hoạt động kinh doanh nhờ chi phí không chính thức của Hà Nội cao tương ứng đang khiến nhiều doanh nghiệp đưa chi phí này thành chi phí chính thức”, bà Hiền nhận định.
Cũng phải nhắc tới tỷ lệ khá thấp với khoảng 28% doanh nghiệp được hỏi là hài lòng về kết quả giải quyết tranh chấp. So sánh từ thống kê qua số vụ tranh chấp xét xử tại Toà án Kinh tế của Hà Nội, mà bên nguyên đơn không phải là doanh nghiệp nhà nước, thì bình quân trên 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng 7 doanh nghiệp “cầu cứu” đến toà án nhờ giải quyết các tranh chấp. Phần lớn các doanh nghiệp khi được hỏi, đều chọn giải quyết tranh chấp qua đàm phán và dàn xếp, nếu không đạt mục đích mới đưa ra chính quyền địa phương hoặc nhờ hiệp hội doanh nghiệp.
Toà án kinh tế là sự lựa chọn “bần cùng bất đắc dĩ” của các doanh nghiệp tại Hà Nội. “Điều này chứng tỏ sự thiếu tin tưởng của doanh nghiệp vào “cán cân công lý” ở địa phương. Trong khi đó, tỷ lệ này của Đà Nẵng cao gấp 10 lần so với Hà Nội”, bà Hiền cho biết.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, thiết chế pháp lý của Hà Nội phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp hoặc là nơi mà các doanh nghiệp có thể khởi kiện hành vi tham nhũng của cán bộ công quyền còn thiếu và yếu. Chỉ hơn 48% số doanh nghiệp trả lời thường xuyên sử dụng thiết chế pháp lý để giải quyết tranh chấp. Tới hơn 80% số doanh nghiệp cho rằng, hệ thống pháp lý không thường xuyên tạo ra cơ chế để doanh nghiệp có thể khởi kiện hành vi tham nhũng của cán bộ công quyền.
Thực trạng việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, công khai các văn bản, các cơ chế chính sách của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp còn khó tiếp cận đến những tài liệu như quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách của thủ đô. Hơn 36% doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng, việc phải có “mối quan hệ” để có được tài liệu kế hoạch của Hà Nội là quan trọng và rất quan trọng.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng kế hoạch, các quy định, văn bản pháp quy... các cơ quan chức năng của Hà Nội chưa thường xuyên tham khảo ý kiến của doanh nghiệp. Việc này không những làm giảm tính khả thi trong việc thực hiện các chính sách, mà còn làm nhiều doanh nghiệp hiểu biết ít hơn về những chương trình, cơ chế hỗ trợ, làm Hà Nội “mất điểm” trong mắt doanh nghiệp. Những hạn chế này đã làm giảm tính minh bạch, công bằng, ổn định trong việc thực thi các quy định của Nhà nước và Hà Nội, làm khó khăn thêm cho doanh nghiệptrong dự đoán chính sách.
Sự thiếu tin tưởng của doanh nghiệp về thiết chế pháp lý còn được thể hiện qua việc tình trạng tham nhũng còn tồn tại phổ biến. 80% doanh nghiệp được điều tra cho rằng họ phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức và để có được hợp đồng từ các cơ quan Nhà nước, hơn 71% doanh nghiệp phải móc túi chi trả “hoa hồng”.
Hệ quả của việc thiếu niềm tin vào thiết chế pháp lý là việc suy giảm các dự án đầu tư vào chính địa phương đó. Bài học từ Vĩnh Phúc cho thấy, dù đây là một tỉnh không có điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, nguồn lực tự nhiên, nhưng trong 10 chỉ số thành phần của CPI tỉnh này đã có đến 6 chỉ số xếp đầu bảng, trong đó có chỉ số thiết chế pháp lý.
(Theo Tứ Thư // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com