Giới thiệu sản phẩm thiết bị điện TKNL tại Hội nghị triển khai hoạt động TKNL các tỉnh, thành ĐBSCL. |
Mới đây, Văn phòng Tiết kiệm năng lượng quốc gia (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định: Trước tình hình sử dụng năng lượng ở nước ta tăng mạnh trong những năm gần đây và thường xảy ra tình trạng thiếu điện vào mùa khô, các địa phương ĐBSCL cần phải đẩy mạnh hoạt động TKNL mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa. Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất...
TKNL - CHÍNH SÁCH ĐÚNG ĐẮN
Ông Phương Hoàng Kim, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), đánh giá: “Tình hình sử dụng năng lượng của nước ta tăng mạnh, tính trong giai đoạn 1999-2006 sử dụng năng lượng tăng 12,4%/năm trong khi GDP chỉ tăng 7,2% và hệ số đàn hồi giữa sử dụng năng lượng/GDP là 1,7 lần. Trong giai đoạn này, sử dụng năng lượng tăng mạnh do tăng trưởng của ngành công nghiệp và giao thông (tăng trưởng cả lượng xe cộ và đường sá), ngoài ra tiêu thụ năng lượng của khối dân dụng cũng tăng mạnh do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng và triển khai chương trình điện khí hóa nông thôn...”. Theo ông Phương Hoàng Kim, trước tình hình sử dụng năng lượng tăng mạnh và xảy ra tình trạng thiếu điện nên cần phải đẩy mạnh các hoạt động TKNL. Trong những năm qua, đã có gần 10 nhà tài trợ (các tổ chức quốc tế) đã hỗ trợ vốn cho nước ta triển khai các chương trình nhằm bảo tồn năng lượng, TKNL...
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ). Chương trình này có mục tiêu tiết kiệm 3-5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 1) và tiết kiệm 5-8% trong giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn 2). Chương trình này bao gồm 11 đề án như: hoàn thiện khung pháp lý về SDNLTK&HQ, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SDNLTK&HQ, đưa nội dụng SDNLTK&HQ vào sách giáo khoa, triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình “Sử dụng TKNL trong mỗi hộ gia đình”, phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn sản phẩm TKNL cho một số sản phẩm được lựa chọn, hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất trong nước tuân thủ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, xây dựng mô bình quản lý SDNLTK&HQ ở các doanh nghiệp...
Theo Văn phòng TKNL quốc gia, giai đoạn 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ là triển khai tích cực toàn bộ nội dung chương trình; còn giai đoạn 2 triển khai theo chiều sâu và diện rộng các nội dung của chương trình trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả đạt được từ giai đoạn 1. Việc triển khai chương trình này bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Trong năm 2006, lượng năng lượng tiết kiệm được cả nước tương đương 1,6 tỉ kwh, đạt 0,56% so với tổng tiêu thụ năng lượng trong năm; đến năm 2007 tiết kiệm tương đương 4 tỉ kwh, đạt 1,33%... Dự kiến, Dự thảo Luật SDNLTK&HQ sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2010, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động TKNL hiệu quả hơn...
TÍCH CỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TKNL
Trong vài năm trở lại đây, các địa phương ở ĐBSCL đã có sự quan tâm triển khai các hoạt động TKNL. Trong đó, nhiều địa phương đã triển khai hoạt động này mang lại hiệu quả cao. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thành phố đã triển khai Chương trình tiết kiệm trong sử dụng điện giai đoạn 2006-2010. Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành chức năng phát động trong dân SDNLTK&HQ, kiểm tra việc SDNLTK&HQ trong các doanh nghiệp trọng điểm, tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu thiết bị và các giải pháp TKNL trong sản xuất và chiếu sáng công cộng... Nhờ triển khai tích cực các hoạt động TKNL, trong năm 2008, TP Cần Thơ đã tiết kiệm điện năng được hơn 23,7 triệu kwh điện. Dự kiến trong năm 2009, thành phố cũng sẽ tiết kiệm được hàng chục triệu kwh điện. Trong năm 2010, Sở Công thương TP Cần Thơ sẽ củng cố, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về TKNL; đào tạo nguồn nhân lực cho công tác TKNL trên địa bàn thành phố; thiết lập hệ thống quản lý năng lượng; phối hợp với Văn phòng TKNL Quốc gia, các trường đại học và các trung tâm TKNL để triển khai các chương trình, dự án TKNL... Mục tiêu giảm 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn thành phố trong 5 năm tới.
Tại tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2005 đến nay, các ngành chức năng địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm TKNL hiệu quả như: tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu các giải pháp và các thiết bị TKNL cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng... Ngoài ra, các ngành chức năng còn xây dựng đề tài “Đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng tiết kiệm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và nghiên cứu các giải pháp SDNLTK&HQ”. Các hoạt động trên đã mang lại kết quả khả quan, tỉnh đã tiết kiệm năng lượng được khoảng 174 TOE (tấn dầu qui đổi), giảm thải ra môi trường khoảng 873 tấn CO2. Ngoài ra, đã từng bước nâng cao được nhận thức của người dân, doanh nghiệp về SDNLTK&HQ, tiếp cận các giải pháp và thiết bị công nghệ TKNL phù hợp; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu tiêu thụ năng lượng cho các ngành trong lĩnh vực công nghiệp. Đây cũng là công cụ để đánh giá tiềm năng TKNL, phục vụ mục tiêu dự báo tăng trưởng tiêu thụ năng lượng trên địa bàn và phục vụ hoạch định phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...
Nhận định về tình hình triển khai các hoạt động TKNL ở ĐBSCL trong thời gian qua, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nhận thức của các cơ quan quản lý và năng lực triển khai các hoạt động TKNL tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang từng bước được nâng cao thông qua các khóa đào tạo, các hội thảo về TKNL cho các nhóm đối tượng. Ngoài ra, các hoạt động TKNL đang được triển khai ngày càng rộng rãi thông qua các Chương trình SDNLTK&HQ của tỉnh, thành được dựa trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ. Tuy nhiên, nguồn lực triển khai Chương trình SDNLTK&HQ tại các địa phương vẫn còn hạn chế do ngân sách dành cho các hoạt động TKNL chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học...”.
Ông Huỳnh Kim Tước đề xuất: Trong thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần có các chính sách thích hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các đơn vị triển khai các giải pháp TKNL mang tính khả thi cao; có cơ chế và kế hoạch về ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động TKNL trên địa bàn; tăng cường đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý việc cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mang các công nghệ sử dụng tốn nhiều năng lượng vào nước ta cũng như khu vực ĐBSCL. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã không còn cấp phép cho các nhà đầu tư có thiết bị lạc hậu hoạt động ở địa bàn thành phố...
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã tập trung đầu tư phát triển các nhà máy điện nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Tuy nhiên, do nước ta đang trong quá trình phát triển nhanh về công nghiệp cũng như quá trình đô thị hóa cần phải sử dụng nguồn năng lượng lớn nên nguồn điện sản xuất trong nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Do đó, việc ứng dụng TKNL là hết sức cần thiết và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân tham gia TKNL...
(Theo ANH KHOA // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com