Nhiều DN trong nước bước đầu khai thác lợi thế tại thị trường trong nước. Ảnh: Đức Thanh |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ làm một phép tính rằng, nếu người dân Việt Nam được tạo điều kiện để mỗi tháng chi tiêu thêm 15.000 - 20.000 đồng, thì sức mua của cả nước năm 2009 sẽ tăng thêm 16.000 - 17.000 tỷ đồng. “Số tăng này chắc chắn sẽ bù đắp được phần giảm sút sức mua của năm 2009 như các chuyên gia dự đoán”, ông Ruệ nói.
Với 86 triệu người, trong đó 60% dưới 35 tuổi, Việt Nam là thị trường có sức tiêu thụ hàng hoá lớn trên thế giới. Tổng mức bán lẻ tại thị trường luôn tăng trưởng 20 - 30%/năm trong những năm qua là cơ hội rất tốt cho các DN. Trong năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hoá được dự báo sẽ đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong khi con số này của năm 2008 là 970.000 tỷ đồng.
Với thị trường đầy hấp dẫn như vậy, các DN trong nước cũng đã bước đầu khai thác được những lợi thế để khẳng định chỗ đứng của mình. Các thương hiệu hàng tiêu dùng như Rạng Đông, May 10, Việt Tiến, Trung Nguyên, Biti’s, Nhà Bè, Hapro, Intimex, Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn... đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nội địa và đang có những bước phát triển chắc chắn.
Ngay tại thị trường nông thôn, khu vực được đánh giá là có sức mua thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị, cũng còn nhiều tiềm năng để các DN khai thác. “Chỉ chưa đầy một ngày tổ chức bán hàng lưu động tại Ba Vì, Hapro đã đạt doanh số trên 30 triệu đồng, lớn gấp 3 lần doanh số của một siêu thị nhỏ tại nội thành”, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội nêu dẫn chứng về sự hấp dẫn của thị trường nông thôn.
... nhưng doanh nghiệp chưa tự tin
Trên thực tế, vai trò của thị trường nội địa đã được nói đến từ lâu và được nhắc đến nhiều trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nhưng DN chưa thực sự tự tin để mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường, vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Võ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận xét rằng, dù chủ trương của Đảng về phát triển thương mại và thị trường nội địa đã rõ ràng, song cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa xây dựng được hệ thống chính sách nhằm nâng đỡ hệ thống thương mại nội địa.
Việc thiếu hệ thống chính sách phát triển thị trường khiến cơ sở hạ tầng thương mại không được quan tâm đầu tư đúng mức. Từ đó, việc xây dựng hệ thống phân phối hàng hoá không được trơn tru, khiến DN thiếu chỗ dựa khi xây dựng chiến lược khai thác thị trường.
Còn theo TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương, DN cần thay đổi tư duy với thị trường nội địa. “Thị trường nội địa không phải là nơi trú chân tạm thời cho các DN. Bài học từ các nước Nhật Bản, Australia, Mỹ và Trung Quốc gần đây cho thấy, các DN của họ luôn sản xuất sản phẩm có chất lượng rất cao để phục vụ thị trường nội địa. Trong khi đó, DN Việt Nam lại làm ngược lại”, ông Thắng nói.
Nguyên nhân dẫn tới sự không tự tin mở rộng sản xuất - kinh doanh trên thị trường nội địa cũng xuất phát từ việc thiếu thông tin về thị trường. Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận xét rằng, chính sự làm ăn manh mún, thiếu bài bản là một rào cản khiến các DN thiếu hiểu biết về thị trường nội địa.
Đại diện cho khối người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, DN cần phát triển nhiều sản phẩm mới, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com