Vậy doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để "đi trước đón đầu" tại thị trường này không, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.T.S Phạm Tất Thắng, nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại thuộc Bộ Công Thương và hiện là chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Thương mại Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường Myanmar?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Chúng ta biết rằng, lâu nay Myanmar bị cấm vận đầu tư, buôn bán. Phương Tây còn cấm vận cả khách du lịch đến thị trường Myanmar. Tuy nhiên gần đây, một loạt các nước trong đó có Mỹ đã có chuyến thăm tới Myanmar để mở rộng quan hệ hợp tác và nới lỏng cấm vận. Sở dĩ là vì các nước đều nhìn thấy tiềm năng to lớn về khoáng sản, viễn thông, du lịch, hàng hóa, cơ sở hạ tầng... nơi đây.
Hiện Trung Quốc đang để ý tới Myanmar, Thái Lan "nhòm ngó" Myanmar, các nước phương Tây cũng xuất hiện với một loạt các dự án đầu tư mới. Tôi cho rằng, nếu Myanmar được xóa bỏ cấm vận thì đây sẽ là thị trường có khả năng bứt phá mạnh và thu hút đầu tư lớn.
Vậy theo nghiên cứu của T.S thì doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào thị trường này nhiều chưa?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Một số doanh nghiệp những năm trước cũng đã nhìn ra vấn đề nhưng cơ bản là chưa được hỗ trợ tích cực và chưa có sự phát triển xứng tầm với tiềm năng phát triển của Myanmar.
Trong năm ngoái, chúng ta tuy nhiên đã có những bước tiến vượt bậc về quan hệ thương mại với Myanmar. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tham gia các hội chợ, triển lãm và tìm kiếm cơ hội đầu tư nơi đây. Hồi tháng 6, Đoàn Chính phủ và doanh nhân do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Myanmar. Hai nước đã nhất trí sẽ thúc đẩy đầu tư và giao thương.
Theo số liệu của Hải quan Myanmar, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Myanmar năm qua ước đạt 150 triệu USD, tăng 51,6% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar đạt 75 triệu USD, tăng 96,9% và nhập khẩu tăng 23,2% lên 75 triệu USD. |
Việt Nam hiện có ưu thế hơn các nước là có mối quan hệ tốt giữa chính phủ đương thời hai nước. Vì vậy các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này và quan trọng là Chính phủ nên tạo điều kiện cao nhất để các doanh nghiệp đầu tư và giao thương với Myanmar.
Theo ông, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào sẽ có cơ hội và lợi thế hơn cả khi đầu tư vào Myanmar?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Hiện tại, Việt Nam đang là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 13 của Myanmar, trong đó các mặt hàng quan trọng xuất sang đây là thép, nguyên phụ liệu may mặc, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, phân bón, thực phẩm chế biến, đồ gỗ...Chúng ta nên tận dụng lợi thế này để tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, khí hậu Myanmar rất phù hợp cho cây hồ tiêu, cà phê, cao su, hạt điều phát triển, vì thế đây là lĩnh vực theo tôi chúng ta nên chú trọng.Chúng ta có thể xuất khẩu lao động nông nghiệp sang giúp Myanmar, chẳng hạn như đưa hẳn một làng sang Myanamr để lập nghiệp, tạo dựng nên vùng nông nghiệp có thể trồng các sản phẩm khác nhau. Hiện Myanmar có tới 70% lao động làm nông nghiệp nhưng trình độ còn chưa cao. Ngoài ra lao động nơi đây chú trọng vào các mặt hàng truyền thống như gạo, đậu, vừng, lạc, mía, gỗ cứng, cá và các sản phẩm cá.
Chúng ta cũng có thể đưa công nghệ làm đường, làm cầu sang Myanmar, vì hiện tại cơ sở hạ tầng của nước này còn khá hoang sơ. Nhu cầu xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại thời gian tới chắc chắn sẽ bùng nổ.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thì hệ thống phân phối hàng hóa và dịch cũng sẽ tăng mạnh và đây là các hướng mà doanh nghiệp Việt nam cần hướng tới và đi sớm, đi trước một bước so với các thị trường khác.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Phương Thảo (thực hiện)
Theo TTVN
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com