Nếu như với dự án của Las Vegas Sands, mới chỉ đang là những đề xuất của phía nhà đầu tư, thì với dự án của Genting, các cơ quan chức năng, thậm chí, Chính phủ cũng đã đang cân nhắc xem xét. Ngày 19/1/2012, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác và UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng và báo cáo xin ý kiến Chính phủ trong phiên họp tháng 2/2012 để tiếp thu hoàn thiện báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương triển khai dự án nói trên.
Xem ra, Việt Nam đang là “điểm đến” hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm này. Nói vậy là bởi vì, trước Las Vegas Sand và Genting, đã có khá nhiều dự án tỷ đô được cấp chứng nhận đầu tư, mà trong đó luôn có khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài, một hạng mục được coi là về thực chất, giống như một casino. Silver Shores Hoàng Đạt (Đà Nẵng), 160 triệu USD; Hoàng Đồng Lạng Sơn, 2 tỷ USD; Hồ Tràm Strip 4,2 tỷ USD... là những ví dụ điển hình.
Danh sách có thể còn dài thêm, nếu như Dự án Bãi biển Rồng (Quảng Nam), 4,15 tỷ USD không bị thu hồi chứng nhận đầu tư hồi năm 2010; hay Dự án Mũi Dinh (Ninh Thuận) của nhà đầu tư Hồng Kông (4 tỷ USD) không bị ngừng xem xét chủ trương đầu tư vào năm ngoái. Tháng 8/2011, nhà đầu tư Macau đề xuất Dự án Thành phố Hoàng Gia, 4 tỷ USD, tại Yên Bái và Phú Thọ, tất nhiên, không thể thiếu hạng mục liên quan đến chuyện “casino”.
Cũng trong năm ngoái, Kiên Giang, hiện là địa phương duy nhất được chấp thuận phát triển một casino.
Đó là còn chưa kể, cũng trong năm ngoái, Kiên Giang thẳng thừng từ chối, không cho Dự án Hòn Ngọc Việt, vốn đầu tư 2 tỷ euro, được đầu tư casino.
Làm một “bài toán” tổng hợp như trên để thấy rằng, Việt Nam hiện đã có rất nhiều dự án có những hạng mục “tương tự” casino. Câu hỏi đặt ra là, liệu có nên tiếp tục cấp phép cho các dự án như vậy nữa hay không?
Liên quan tới vấn đề này, có thể thấy, cách đây khoảng 2-3 năm, không ít quan điểm đã cho rằng, nên mở cửa cho kinh doanh casino, bởi nếu không, Việt Nam sẽ chậm chân. Đúng là nếu xét trên khía cạnh thu hút đầu tư, Việt Nam có thể sẽ bỏ qua một lượng vốn lớn, nếu như không cho phát triển casino.
Ông George Tanasijevich, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Marina Bay Sands (Singapore) và là Giám đốc điều hành Phát triển toàn cầu của Las Vegas Sands, khi trao đổi với báo giới về kế hoạch đầu tư ở Việt Nam, cũng bày tỏ băn khoăn về việc, Việt Nam hiện chưa cho phép đầu tư vào casino. Nếu bỏ qua dự án này, Việt Nam có thể sẽ mất 6 tỷ USD, thậm chí ít nhất phải là 8 tỷ USD, bởi theo quy định hiện hành, muốn đầu tư một casino, nhà đầu tư phải “chi” tối thiểu là 4 tỷ USD cho một dự án. Cộng thêm 4 tỷ USD của Genting, một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn có thể bị “bỏ phí”, nếu Việt Nam tiếp tục lắc đầu với casino.
Nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bày tỏ quan điểm cá nhân, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư thẳng thắn rằng, không nên tiếc những khoản vốn như vậy và rằng, Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn các dự án đầu tư cho phù hợp. Vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này cũng là người không đồng tình với việc cấp phép quá tràn lan các dự án có khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài, dù vẫn cho rằng, không nên cấm.
Không chỉ lo về những ảnh hưởng tới xã hội, một khi có quá nhiều các dự án casino hoặc có hình thức tương tự casino, ở một khía cạnh khác, GS.TSKH Nguyễn Mại đặt câu hỏi về việc, không biết các nhà đầu tư căn cứ vào đâu để xây dựng những dự án hàng tỷ USD, nếu như Chính phủ vẫn không cho phép người dân Việt Nam chơi trong những sòng bài đó?
-----------------
Tác giả: Nguyên Đức // Nguồn: Báo Đầu Tư