Nhiệm vụ lớn nhất mà EVN được giao là phải đảm bảo nguồn điện cho cả nước. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ đạt được. Một trong những nguyên nhân chính là các công trình nguồn điện liên tục chậm tiến độ. Điều này như một thực tế tất yếu mà EVN buộc cả nước phải chấp nhận.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 ( Quy hoạch Điện VI) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/7/2007, theo đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, với mức tăng trưởng 8,5 - 9% thì nhu cầu điện năng phải tăng trưởng 17%/ năm.
Muốn vậy phải xây dựng các trung tâm nguồn điện từ 2006 - 2015 gồm 98 dự án với tổng công suất lắp đặt 58.000MW, trong đó Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm nhận 48 dự án với tổng công suất 33.000MW, chiếm 57%. Để thực hiện được nhiệm vụ này, EVN lên kế hoạch xây dựng từ 2006 - 2010 là 25 nhà máy với tổng công suất 7.200MW.
Tuy nhiên đánh giá về thực hiện nguồn điện theo Quy hoạch Điện VI, báo cáo cập nhật mới đây nhất của Ban chỉ đạo cho thấy, 42 nhà máy điện, gồm cả thủy điện và nhiệt điện đưa vào vận hành giai đoạn 2010-2012 thì có tới 28 nhà máy thuộc diện bị chậm tiến độ 1-2 năm.
Nhiệt điện, thuỷ điện đều chậm
Báo cáo kiểm toán EVN của Kiểm toán Nhà nước cuối năm 2011đã công bố cho biết, vốn đầu tư điện luôn tăng so với kế hoạch nhưng kết quả là hàng loạt dự án bị chậm tiến độ ít nhất 1 năm.
Theo báo cáo, giai đoạn 2005 - 2010, EVN làm chủ đầu tư 42 dự án điện với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 370.230 tỷ đồng. Sau 5 năm, EVN đã "tiêu" 114.440 tỷ đồng cho đầu tư điện và chỉ hoàn thành 13 dự án, còn tới 19 dự án điện dở dang.
Từ trước Quy hoạch Điện VI, EVN đã đầu tư 1 loạt các dự án nguồn điện và theo kế hoạch sẽ đưa và vận hành trong thời gian từ 2007-2009, nhưng hầu hết các dự án này đều chậm tiến độ.
Cụ thể ngay từ năm 2003, EVN đăng ký đưa vào hoạt động trong năn 2006-2007 các nguồn điện gồm Thuỷ điện Tuyên Quang ( 342MW), Nhiệt điện Hải Phòng 1 (600MW), năm 2007 Thuỷ điện A Vương 1 (170 MW), Thuỷ điện Quảng Trị (70MW), Thuỷ điện Đakring (100MW), Nhiệt điện Ninh Bình (300MW)...
Năm 2007 chỉ có Thuỷ điện Quảng Trị (tháng 4/2007- tổ máy 1 và tháng 6/2007 tổ máy 2) , Tuyên Quang (tháng 10/2007-tổ máy 1) đi vào vận hành. Còn các nhà máy khác như Nhiệt điện Hải Phòng, Ninh Bình, Thuỷ điện A Vương... chậm tiến độ.
Giai đoạn 2006-2010, nổi tiếng nhất trong việc chậm tiến độ, phải kể đến là nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Hải Phòng 1 do EVN làm chủ đầu tư. Cả 2 nhà máy này đều chậm hơn 27 tháng.
Cũng nổi tiếng không kém là Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (tổ máy 1) tính đến 2007, chậm tiến độ tới gần 2 năm. Không những chậm tiến độ mà các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Hải Phòng khi đi vào vận hành còn luôn gặp sự cố, khắc phục rất mất thời gian.
Đến 2010 các thuỷ điện như SêSan 4a, Thác Mơ MR, Đồng Nai 4... cũng bị chậm tiến độ. Cũng theo thống kê này, thì các nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 2 (2 x 300MW) và Hải Phòng 2 (2 x300MW) đáng lẽ phải phát điện năm 2010-2011 thì giờ đã phải khất hẹn tiếp sang năm 2012 và 2013.
Các nhà máy chậm tiến độ đã gây ra thiệt hại lớn. Theo tính toán, mỗi nhà máy thường chạy tối đa khoảng 6.000 giờ/năm. Một nhà máy 300MW có sản lượng điện khoảng 1,8 tỷ kWh/năm. Như vậy, có thể hiểu rằng, khi một nhà máy 300MW chậm 1 năm thì năm đó, hệ thống điện quốc gia đã bị mất cơ hội được cung ứng tới 1,8 tỷ kWh.
Không những thế, chậm tiến độ 1-2 năm đã làm tăng chi phí đầu tư của dự án, như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, chi phí chuẩn bị sản xuất. Vì vậy, làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án.
Chậm là chuyện thường
Nói về các dự án điện bị chậm, EVN thường đổ lỗi là do nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng chậm, thiếu vốn... nhưng các báo cáo đã chỉ ra có không ít lỗi là do quản lý yếu kém.
Trung Quốc làm nhà máy nhiệt điện than chỉ mất 18 tháng, có công trình chỉ 12 tháng, còn của EVN có khi kéo dài tới 5 năm.
Báo cáo kiểm toán EVN của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tại dự án thủy điện Đồng Nai 3 và thủy điện Đồng Nai 4, Nhà nước đã có nhiều "chính sách đặc thù" hỗ trợ cho các nhà thầu, vốn không thiếu. Tuy nhiên, soi xét các hạng mục thì thấy có 15 hợp đồng với giá trị 30.358,4 tỷ đồng và 423,433 triệu USD bị chậm tiến độ. Thế nhưng, EVN vẫn chưa phạt chậm tiến độ đối với các nhà thầu dự án này.
Các dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 đều chậm tiến độ, vận hành không ổn định, gây thiệt hại lớn, nhưng đến nay EVN cũng chưa xác định phạt chậm tiến độ. Dự án thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện A Vương cũng tương tự.
Chậm tiến độ còn do một vấn đề lớn là việc chọn đối tác cũng như buông lỏng quản lý với nhà thầu. Hầu hết, các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm nhà máy nhiệt điện than, theo Quy hoạch Điện VI, đều bị chậm và trục trặc. Trong quá trình thi công, nhà thầu thường hay đề xuất thay đổi so với hợp đồng như: thay đổi nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật...Việc này làm mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án của chủ đầu tư.
Tuy nhiên EVN không hề rút kinh nghiệm để quản lý tốt hơn nên các dự án sau vẫn đi theo "vết xe" của dự án trước. Tình trạng chậm tiến độ là phổ biến, tuy nhiên, tiến độ chậm mà EVN không có được những giải pháp thực sự đột phá khiến cho chậm trễ cứ kéo dài trở thành một đặc tính tự nhiên của ngành này.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com