Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Con đường chông gai của 4G

Con đường phát triển của mạng 4G được dự báo sẽ gặp không ít chông gai. - tinkinhte.com
Con đường phát triển của mạng 4G được dự báo sẽ gặp không ít chông gai.

Bất chấp những lời tuyên bố hùng hồn của các nhà cung cấp dịch vụ di động, thế hệ tiếp theo của công nghệ di động – còn gọi là công nghệ 4G – sẽ không nhanh hơn công nghệ 3G hiện nay bao nhiêu, ít nhất là trong thời gian ban đầu...

Theo các chuyên gia và nhà cung cấp dịch vụ di động, mức chi phí đầu tư lớn, nhu cầu dữ liệu tăng vọt của người tiêu dùng và cơn ác mộng của việc thiết lập hàng chục ngàn trạm gốc sẽ là những rào cản khiến công nghệ 4G khó đạt được tốc độ như đã hứa hẹn trong những năm đầu.

Chi phí đầu tư lớn

Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), những mạng 4G thực sự phải cung cấp kết nối có tốc độ ít nhất là 100 MB/giây, tức nhanh hơn 50 lần so với tốc độ của mạng 3G hiện nay. Tốc độ nhanh hơn có thể tốt hơn, nhưng con đường đi đến đó được dự báo sẽ gặp không ít chông gai.

Nhà phân tích Akshay Sharma của công ty Gartner cho biết để triển khai trọn vẹn một mạng 4G, một số nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ phải lắp đặt khoảng 10.000 trạm gốc. Chi phí cho mỗi trạm gốc như thế có thể lên đến hàng trăm ngàn đô-la Mỹ.

Verizon Wireless và AT&T, hai nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất của Mỹ, đã thông báo kế hoạch triển khai mạng 4G dựa trên công nghệ Long Term Evolution (LTE) trong hai năm tới.

Verizon cho biết sẽ triển khai mạng 4G tại 25-30 thị trường trong năm nay, phục vụ cho khoảng 100 triệu người. Trong khi đó, AT&T dự kiến tung ra mạng 4G trong năm 2011. Riêng Sprint Nextel, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ ba ở Mỹ, tuyên bố đã có một mạng 4G dựa trên công nghệ WiMAX dù rằng đây thực ra chỉ là phiên bản công nghệ 3G được cải tiến.

Dù vậy, với hơn 50 nhà cung cấp dịch vụ di động trên thế giới cam kết đi theo công nghệ LTE, một số nhà phân tích dự báo rằng Sprint có thể sẽ bắt đầu xây dựng mạng LTE trong tương lai gần.

Theo nghiên cứu của công ty Aircom International, việc xây dựng các mạng LTE ở Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 8 tỷ đô-la trong 3-5 năm tới, đồng thời làm tăng chi phí hoạt động của các nhà cung cấp lên thêm 30%. Với những tốn kém như thế, nhiều chuyên gia cho rằng mạng 3G, hoặc thậm chí là 2G, vẫn còn được sử dụng nhiều trong thời gian tới. Các nhà cung cấp dịch vụ đã chi hàng tỷ đô-la để xây dựng mạng 3G và vẫn đang nỗ lực cân bằng giữa việc tìm kiếm lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của khách hàng về dữ liệu. Người phát ngôn của AT&T Mark Siegel cho biết: “Sẽ mất vài năm để xây dựng mạng 4G. Vì thế, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào mạng 3G”.

Nỗi lo về tốc độ

Kim Perdikou, tổng quản lý nhóm sản phẩm hạ tầng của công ty Juniper, nhận định: “Việc chuyển từ 3G sang 4G không đơn thuần giống như động tác bật công-tắc. Trong năm năm tới, lưu lượng dữ liệu của mạng 3G vẫn sẽ nhiều hơn mạng 4G”. Điều này có nghĩa là những thiết bị 4G đầu tiên sẽ cần có khả năng kết nối với mạng 2G và 3G phòng khi mạng 4G chưa được triển khai.

Chưa hết, khi mạng 4G vận hành trọn vẹn, thì hiệu suất của nó có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng đến chóng mặt của nhu cầu về các dịch vụ dữ liệu. AT&T chứng kiến sự gia tăng đến 5.000% về lưu lượng dữ liệu kể từ khi họ bán điện thoại iPhone. Người phát ngôn của Verizon cho biết mạng LTE của họ có thể sẽ đạt được tốc độ 5-12 MB/giây. Dù vậy, Verizon cũng cho biết thêm rằng tốc độ bình quân thực tế của mạng này chỉ có thể được đo một cách chính xác một khi nó đi vào hoạt động.

Với chi phí khổng lồ, những câu hỏi về tốc độ và thách thức trong việc duy trì cùng một lúc nhiều mạng của các nhà cung cấp dịch vụ di động, có vẻ như 4G không phải là một sự đầu tư đáng giá, ít nhất là trong thời gian gần. Dan Hays, một chuyên gia của công ty PRTM, nhận định: “Câu hỏi được đặt ra là liệu những lợi ích mà LTE mang lại có đáng để đầu tư cho nó hay không”.

Một cuộc khảo sát gần đây của công ty phần mềm di động Innopath đối với 200 nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu cho thấy họ không thực sự lạc quan cho lắm trước viễn cảnh của 4G. Những công ty này cho rằng hoạt động lướt web, sử dụng e-mail, tin nhắn tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của họ trong năm năm tới. Những dịch vụ này đang được phân phối một cách tốt đẹp ở tốc độ của mạng 3G.

Dù vậy, cũng theo cuộc khảo sát, nhiều nhà cung cấp dịch vụ dự báo về một tỷ lệ sinh lợi lớn từ việc đầu tư vào mạng 4G nếu mạng này đạt được tốc độ cao như hứa hẹn. Brian Higgins, trưởng phòng thí nghiệm về LTE của Verizon, nhận định: “Chúng tôi đang thúc đẩy LTE vì biết rõ điều gì đang tới trong một tương lai không xa. Video, game và bất kỳ dịch vụ gì đòi hỏi nhiều băng thông rộng sẽ phải cần đến một kết nối thực sự nhanh và ổn định”.

(Theo CNN // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Doanh nhân Nguyễn Đức Đủ: Người tiên phong “chở điện về rừng”
  • 180 doanh nghiệp tham gia ILDEX Việt Nam 2010
  • Trung Nam Group tăng đầu tư vào thủy điện và du lịch
  • Giá hạ, nhà máy đường than lỗ
  • Môi trường kinh doanh tại VN ngày càng thân thiện
  • Honda mở đợt kiểm tra xe miễn phí
  • Sữa tranh thủ tăng giá 'chạy trước' chính sách
  • Toyo-Thái chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất ethanol tại Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao