Nguồn vốn ODA sẽ là động lực giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển |
Doanh nghiệp tư nhân háo hức...
Mới đây, Chính phủ đã bổ sung, ban hành mới các quy định về pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong Nghị quyết số 14 - NQ/TW (khóa X), trong đó có việc xây dựng cơ chế để khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) như các doanh nghiệp Nhà nước. Quy định mới này được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng từ rất lâu với suy nghĩ: "muộn còn hơn không!"
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn được vay vốn ODA, vì lãi suất ưu đãi, thời hạn vay lâu dài. Ông Hùng phân tích, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng có nhiều lợi thế nổi trội hơn doanh nghiệp Nhà nước trong việc sử dụng nguồn vốn này. Doanh nghiệp tư nhân tuy vốn ít nhưng lại rất năng động và biết chớp thời cơ, xoay chuyển tình huống nhanh. Số lượng nhân sự giỏi nằm trong các doanh nghiệp tư nhân cũng rất nhiều, thể hiện ở thực trạng chất xám chảy từ khối doanh nghiệp Nhà nước sang tư nhân đang ngày càng phổ biến.
"Ở doanh nghiệp tư nhân, nếu mọi người không chịu vận động để làm ăn sinh lãi thì tất cả cùng "chết". Thế nên nếu vay vốn ODA, ắt hẳn các doanh nghiệp tư nhân phải tìm cách vận động để sử dụng đồng vốn hiệu quả, chứ không dám để lãng phí vốn". ông Hùng khẳng định.
Còn giám đốc một doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng cho rằng, Việt Nam là nước có nền kinh tế nhiều thành phần, thế nhưng đôi khi các thành phần kinh tế này chưa được đối xử công bằng, cụ thể như việc hưởng nguồn vốn ODA. Với nguồn vốn vay giá rẻ này, các doanh nghiệp Nhà nước giải ngân không hết, trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh luôn trong cảnh thiếu vốn triền miên hay phải “cắn răng” huy động vốn với giá cao.
Đồng quan điểm trên, kỹ sư Phan Đức Tiến, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phan Tiến (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ: “Vốn luôn là vấn đề bức thiết nhất với các doanh ngiệp. Thời điểm năm 2008, khi các doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi phải vay vốn ngân hàng lên tới trên 20%, nhìn sang nhiều doanh nghiệp Nhà nước có được nguồn hỗ trợ từ ODA với lãi suất chỉ 1 - 2% một năm mà... phát thèm. Nếu sắp tới, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng được tiếp cận nguồn vốn này thì đây sẽ là một động lực để chúng tôi phấn đấu làm ăn”.
Có dễ thực thi?
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA nhìn chung giải ngân chậm với tỷ lệ thấp, thậm chí có năm chỉ đạt khoảng 50%. Nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, thế nhưng một nguồn vốn giá rẻ tương đối bị lãng phí vì những trì trệ nội tại, cả ở phía chính sách và đơn vị tiếp nhận vốn. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA ở các nước thường cao hơn Việt Nam rất nhiều vì họ áp dụng mô hình hợp tác đầu tư nhà nước - tư nhân, để các doanh nghiệp tư nhân sử dụng tốt nguồn lực viện trợ chính thức theo đường Nhà nước. Ở Việt Nam, trước đây do thiếu tin tưởng vào khối doanh nghiệp tư nhân, lại sợ chệch hướng nên Chính phủ chưa cho phép giải ngân ODA vào khối này.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ: “Quyết định cho thành phần kinh tế tư nhân vay vốn ODA dẫu muộn vẫn hơn không”. Tuy nhiên, ông Doanh lo ngại rằng, từ chính sách đến khi tận tay doanh nghiệp tư nhân được “rinh” nguồn vốn ODA về vẫn còn là một chặng đường dài. Bởi vì nguồn vốn ODA có hạn, trong khi doanh nghiệp thì ngày càng mọc lên như nấm. "Ngay cả việc vay vốn ngân hàng với giá cao, hiện nay nhiều doanh nghiệp tư còn không vay được vì nhiều lý do, nói gì đến một nguồn vốn ưu đãi có hạn như ODA", ông Doanh e ngại.
Để quá trình từ lý thuyết đến thực tiễn được rút ngắn, ông Doanh cho rằng, trước hết, thông tin về các nguồn ODA cần được công khai, minh bạch với các chủ thể có khả năng tham gia thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên hình thành tổ chức chuyên trách thu hút vốn ODA cho các dự án của kinh tế ngoài quốc doanh từ khâu thẩm định, giới thiệu quảng bá, tìm nguồn vốn và tham gia cùng các chủ doanh nghiệp trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức tài chính cần xác lập khung pháp lý, các điều kiện tài chính và năng lực chuyên môn đi kèm để bảo lãnh cho các nguồn vốn vay ODA của các chủ doanh nghiệp.
Còn tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định, một khiếm khuyết quan trọng khiến nguồn vốn ODA khó mà chảy vào các doanh nghiệp tư nhân ngay là sự kém minh bạch, thiếu công khai về quản lý tài chính trong nhiều công ty tư nhân ở Việt Nam hiện nay.
“Rất nhiều công ty tư nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Các báo cáo tài chính gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh cũng rất sơ sài, hình thức, số liệu thường thiếu chính xác và không đầy đủ. Nếu tình trạng này được giải quyết triệt để thì các doanh nghiệp tư cũng mới chỉ có thể bước qua được... vòng gửi xe”, ông Dương nói.
(Theo Đông Nhiên - Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com