Sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu cũng như thị trường của hàng Việt |
Được đánh giá là một trong những tập đoàn thực hiện tốt chương trình “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”, bà Phạm Nguyên Hạnh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) cho rằng, đây không chỉ là nhiệm vụ của DN mà còn là cơ hội để ngành dệt may VN chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Điểm tựa từ thị trường nội địa
Cũng theo bà Hạnh, nhiều DN trong tập đoàn trước đây thường chỉ thích làm gia công do ít đầu tư chi phí, nhưng nay họ đã nhận ra rằng nếu làm hàng nội địa thì hàm lượng gia tăng rất lớn nên đã chuyển sang đầu tư làm hàng nội địa. Nắm bắt được xu thế này, Tập đoàn khi giao kế hoạch cho các DN thành viên cũng đã rất cụ thể, trong đó yêu cầu rõ cả tỉ lệ thị phần nội địa.
Ông Tằng Văn Phổ - TCty dệt may Hoà Thọ cho biết, với việc thực hiện cuộc vận động, TCty không những mở rộng thị phần nội địa mà đã tăng doanh thu lên tới 1300 tỉ đồng, tăng 36% so với năm 2009 khi chưa tham gia cuộc vận động.
Cùng chung chia sẻ này, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT TCty thương mại Hà Nội cho biết, với định hướng ưu tiên hàng hoá nội địa có chất lượng cao, có thương hiệu thay thế hàng nhập ngoại, doanh thu hàng VN 2010 của TCty đã tăng từ 30 - 50% so với năm 2009.
Nhiều tồn tại cần khắc phục
Theo ông Lê Bá Trình - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Trưởng ban thường trực Cuộc vận động, tính đến ngày 31/5/2011, có 21/63 Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong 5 tháng đầu năm 2011 đã tổ chức được gần 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1000 lượt doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động này đã diễn ra đều đặn tại các tỉnh, trung bình mỗi nơi 1 đợt/tháng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, hàng Việt không chỉ thu hút được người dân bản địa mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc... Tuy nhiên, theo ông Trình, các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước để tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thực hiện chưa tốt, đặc biệt là hàng giả, hàng gian lận thương mại, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phậm chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, việc đưa hàng về tận tay người tiêu dùng ở nông thôn, nơi tập trung đông công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa vẫn còn lúng túng, theo thời vụ nhất định.
Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ủy viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho rằng, để Cuộc vận động “Người VN dùng hàng VN” thực sự đi vào chiều sâu, cần sớm có giải thích về “hàng VN” trong văn bản ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ, có thể dưới dạng Nghị quyết triển khai thực hiện nhiệm vụ để phù hợp với tính chất của Cuộc vận động. Ngoài ra, Chính phủ cần có hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối nội địa, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng...
Chung quan điểm, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Cty Vissan cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ DN về thủ tục giấy tờ, cơ quan quản lý... để tiếp cận thị trường nông thôn hiệu quả, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đây chính là cơ sở để DN xây dựng hệ thống phân phối tại khu vực này. Bên cạnh đó, yếu tố hàng hoá tăng giá là do nguyên liệu đầu vào liên tục tăng như xăng dầu, tỉ giá... dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Vì vậy, để đảm bảo ổn định giá, Nhà nước cần có cơ chế chinh sách giảm thiểu chi phí sản xuất, lưu thông hàng hoá, đảm bảo tỉ giá đồng ngoại tệ để chi phí, giá thành sản xuất ổn định...
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com