Ở đây, việc liên quan đến một số tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn đang có hiệu quả đầu tư yếu kém (hệ số ICOR luôn ở mức cao nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác), thua lỗ nặng nhưng lâu nay vẫn nhận được nhiều ưu đãi quyền lực lớn từ các bộ ngành liên quan, từ chủ trương, chính sách hỗ trợ, đến các nguồn lực như con người, vốn liếng, đất đai.
Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này lại dường như luôn thiếu động lực phát triển như một doanh nghiệp thông thường, còn một số cá nhân thì lợi dụng sự cơ hở của kiểu quản lý "cha chung không ai khóc" để trục lợi.
Minh chứng cho việc này là các ví dụ làm ăn thua lỗ lớn, làm thất thoát tiền của và tài sản của Nhà nước lên tới hàng ngàn tỉ đồng của một số tập đoàn nhà nước thời gian qua, cũng như về lâu dài, nếu có các thanh tra, kiểm tra mới nào tại các DNNN đều phát hiện ra các sai phạm được "ngụy trang" kỹ lâu nay. Điều này rồi dần dần sẽ không làm ai ngạc nhiên nữa vì cơ chế tất yếu đã dẫn tới sai phạm lớn nhỏ.
Ngày nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng "quyền lực thường có xu hướng tham nhũng" và "quyền lực càng lớn thì càng dễ gây ra tham nhũng lớn" nếu không có cơ chế giám sát, theo dõi, kiểm tra và chế tài các cá nhân, tập thể hoặc các DNNN đang nắm trong tay các quyền lực lớn tức khả năng gây ảnh hưởng lớn để trục lợi cho cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
Cần có chế tài và giám sát chặt chẽ
Điều này cũng tương tự như việc Quốc hội cần giám sát các hoạt động của Chính phủ hay tại các nước có cơ chế tam quyền phân lập thì hệ thống Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp luôn giám sát lẫn nhau để không ai có quyền lực tuyệt đối có khả năng thao túng hay độc quyền chân lý theo kiểu "một tay che cả bầu trời"!
Không ai ngạc nhiên khi một bộ trưởng giao thông phải từ chức hoặc mất chức vì một cây cầu bị sập, một bộ trưởng nào đó phải mất chức để chịu trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp nếu có một sai phạm lớn ảnh hưởng đến uy tín và danh dự trong lĩnh vực ngành nghề của mình tại các nước phát triển.
Traoquyền giám sát cho công luận và người dân
Thông tin báo chí và quyền lực giám sát của người dân được xem là quyền lực thứ tư và thứ năm rất mạnh mẽ dùng để giám sát các quyền lực khác trong xã hội.
Doanh nghiệp nhà nước có nhiều quyền lực được quy tụ về một số cá nhân hay nhóm lợi ích trong khi các tài sản của DNNN có bản chất thuộc về nhân dân nên thường có các âm mưu tranh quyền đoạt vị, móc ngoặt bè phái, thâu tóm lợi ích biến của công thành của tư.
Có rất nhiều ví dụ trong và ngoài nước về sự tăng cường giám sát quyền lực của người dân và báo chí đã mang lại kết quả rất thiết thực, khám phá và phòng tránh được nhiều vụ tham nhũng, thất thoát lớn đối với tài sản của đất nước. Hơn nữa, các cơ quan công quyền như hành pháp, lập pháp đôi khi cũng bị các nhóm lợi ích làm vô hiệu hóa trong rất nhiều trường hợp thực tiễn trong và ngoài nước, khi đó, chỉ có sự giám sát và tai mắt của người dân và báo chí mới góp phần ngăn chặn được các nhóm lợi ích.
Một tổng thống Hungary phải từ chức chỉ vì sao chép tài liệu dùng làm đồ án tốt nghiệp của mình chứ chưa nói đến việc dùng bằng giả hay đạo văn. Một nghị sĩ hay quan chức Mỹ, Nhật, châu Âu phải từ chức vì khai man lý lịch về tài sản cá nhân và gia đình, một quan chức nhà nước ra quyết định chính sách kinh tế, hành chánh quốc gia sai lầm đều phải phải mất chức .v..v.. là những việc rất bình thường trong thế giới ngày nay. Đặc biệt khi trong xã hội, người ta đề cao tính trung thực của các quan chức nhà nước như là tiêu chuẩn hàng đầu để được người dân tín nhiệm bỏ phiếu.
Các cuộc tranh luận và phản biện công khai và thường xuyên trên diễn đàn Quốc hội hay truyền hình trực tiếp, phỏng vấn công khai, trực tuyến cần được tăng cường nhiều hơn nữa trên các kênh phương tiện truyền thông và báo chí. Có như vậy người quan chức nhà nước được người dân tin yêu, cấp trên tin tưởng ủy quyền sẽ có cơ hội cọ xát, học hỏi, tương tác với các dư luận đa chiều, công khai, có nhiều cơ hội đăng đàn diễn thuyết, trả lời chất vấn, trình bày quan điểm riêng của mình, dám nghĩ - dám nói - dám làm - dám chịu trách nhiệm, mới phát huy được năng lực thực sự của mình.
Ngược lại, các sai sót, điểm yếu trong tư duy logic và năng lực nhận thức, khả năng quản lý của người quan chức nhà nước cũng sẽ phải bộc lộ, hoặc được hiệu chỉnh kịp thời để vươn lên tầm cao mới, hoặc chịu sự phế truất quyền lực theo quy luật đào thải của cuộc sống.
Quy luật là quyền lực lớn phải được trao đúng chỗ cho người có năng lực lãnh đạo giỏi (good leadership), trung thực và uy tín lớn (honest), và chỉ có như thế thì nền kinh tế xã hội mới có cơ hội phát triển lành mạnh và bền vững.
Như vậy, một trong những việc cần làm ngay để tái cơ cấu DNNN là phải xây dựng cơ chế giám sát quyền lực của các quan chức quản lý DNNN, minh bạch hóa (transparency) các chính sách cho doanh nghiệp, thiết lập cơ chế phân bổ và cân bằng quyền lực trong DNNN. Trong đó sự giám sát chặt chẽ của người dân và các cơ quan báo chí phải được phát huy tối đa trong suốt quá trình tái cấu trúc cũng như tiến trình cổ phần hóa cho các DNNN.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com