Chỉ có 80.000 trong tổng số 350.000 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở VN có đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tính ra, cứ 10 DN thì có chưa đến 3 DN chịu đăng ký SHTT... DN Việt Nam vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký SHTT.
Số liệu trên đã được đưa ra tại hội thảo “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học và doanh nghiệp vừa và nhỏ”, tổ chức tại TPHCM hồi mới đây.
Theo ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, đơn đăng kí sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Thậm chí, nhiều DN còn lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xác lập, bảo vệ, khai thác thương mại quyền SHTT.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên theo ông Nam lý do chủ yếu là nhận thức của các DN vừa và nhỏ còn hạn chế nên không nắm được quyền lợi do việc đăng kí bảo hộ SHTT mang lại.
Hạn chế thứ hai là vấn đề nhân lực, hầu hết các DN vừa và nhỏ của Việt Nam không có các cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này.
Hạn chế về tài chính cũng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng trên.
Theo ông Nam thì việc đăng kí hoạt động SHTT không tốn kém, nhưng để thúc đẩy hoạt động này cũng như tiến hành sản xuất thử nghiệm, các DN buộc phải có nguồn lực về tài chính. Trong khi đó, nguồn lực này của các DN vừa và nhỏ của Việt Nam rất thấp.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Hữu Nam đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, cụ thể như tăng cường nhận thức trong DN bằng các biện pháp trao đổi hoặc tổ chức các hoạt động giúp các cán bộ, công nhân viên chức của từng DN hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo hộ SHTT. Đồng thời, xây dựng quy chế khuyến khích việc sáng tạo cũng như phải có những hoạt động về triển khai nghiên cứu, tiếp thị những quy định về SHTT.
(Theo báo Hà nội mới )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com