Lắp ráp máy in tại nhà máy của Công ty Canon Việt Nam. |
Công ty Samsung Electronics Việt Nam hiện có kế hoạch xây dựng một tổ hợp công nghệ thông tin tại Bắc Ninh, trên cơ sở mở rộng nhà máy hiện nay. Tuy nhiên, với tình trạng cắt điện hiện nay, lãnh đạo công ty này đang hết sức lo lắng, vì việc sản xuất của nhà máy hiện nay không được bảo đảm.
Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, mới đây đã gửi thư lên Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải để kiến nghị về nội dung này. Thư cho biết, hiện nay nhà máy sản xuất điện thoại di động của công ty tại khu công nghiệp Yên Phong đã đi vào hoạt động sản xuất với công suất trung bình khoảng 6 triệu sản phẩm/tháng và tới đây sẽ tiếp tục mở rộng lên 11 triệu sản phẩm/tháng. Doanh số của công ty này hiện nay đã đạt trung bình 10 triệu USD/ngày.
Tuy nhiên, hiện công ty đang gặp vấn đề khó khăn trong việc đảm bảo nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình trạng mất điện đột ngột, kéo dài trong nhiều giờ và vào những đợt sản xuất cao điểm đã gây ra các sự cố không đáng có, như lỗi hệ thống máy tính, kẹt nguyên vật liệu, hư hỏng máy móc thiết bị tự động, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, khiến cho hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp FDI mới đây cũng đã phải gửi thư yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch cắt điện rõ ràng để chủ động sản xuất. Ông Sachio Kageyama, Tổng giám đốc Công ty Canon Việt Nam cho biết, việc cắt điện hiện nay đã khiến việc sản xuất tại hai nhà máy của Canon Việt Nam tại khu công nghiệp Tiên Sơn và Quế Võ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lãnh đạo công ty Toyo Ink cũng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng cắt điện. Ông này cảnh báo rằng trong khi Bắc Ninh đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng có thể là rào cản đáng kể.
Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp FDI cũng hiểu rằng, cắt điện là chuyện không tránh khỏi. Điều họ quan tâm là phải có kế hoạch rõ ràng để chủ động kế hoạch sản xuất. “Chúng tôi đề nghị ngành điện thông báo trước cho chúng tôi trước một tuần, thậm chí nên thông báo cho chúng tôi kế hoạch cắt điện trước một tháng, để chủ động kế hoạch sản xuất”, lãnh đạo công ty Toyo nói.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam mới đây cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu thay đổi lịch cắt điện luân phiên đang gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đưa ra đề xuất tương tự.
Bắc Ninh hiện có 15 khu công nghiệp đã và đang được xây dựng. Tổng diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh hiện là 7.000 ha, và đã thu hút được 480 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 3,54 tỷ USD, trong đó có 245 dự án đã đi vào hoạt động.
Theo ông Lại Đắc Bình, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh, trong năm 2011, tỉnh được phân bổ lượng điện khá cao, tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn. Công suất tiêu thụ lớn nhất ở một số thời điểm trong tháng 3 là 320 MW, trong khi chỉ được phân bổ công suất lớn nhất là 257,53 MW, nên phải tiết giảm gần 20% công suất, ông này cho biết.
Ông Nguyễn Nhân Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết hiện UBND tỉnh đã tiếp nhận phản ánh của nhiều doanh nghiệp FDI liên quan đến việc thiếu điện, và đang cố gắng chỉ đạo ngành điện đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn như Samsung, Canon, Hanaka, Foxcon...
(Theo Anh Minh - VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com