Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp mong ổn định kinh tế vĩ mô

Ổn định kinh tế vĩ mô là điều mà các doanh nghiệp cho là nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất của Chính phủ, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh năm 2011.
 
Kết quả cuộc khảo sát động thái doanh nghiệp (DN) Việt Nam quý I/2011, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, có tới 177 điểm quan trọng được các DN dành cho kiến nghị này. Trong khi đó, hai nhiệm vụ ưu tiên tiếp theo mà Chính phủ cần phải thực hiện là giảm lãi suất ngân hàng và kiểm soát tham nhũng “chỉ” giành được tương ứng 147 và 133 điểm quan trọng.

Đánh giá về những tác động của môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô đối với hoạt động kinh doanh trong quý I/2011, chỉ có 26,5% DN được hỏi cho là được hưởng lợi từ các yếu tố này, trong khi tỷ lệ DN bị ảnh hưởng tiêu cực cũng khá cao (20,5%).

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, trong số các ảnh hưởng tiêu cực, tác động của sự bất ổn kinh tế vĩ mô đến hoạt động của DN là lớn nhất. Tới 40% số DN được hỏi trả lời là họ đang chịu những tác động tiêu cực từ sự bất ổn này, trong khi chỉ có 18,8% DN cảm thấy các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ có tác dụng tốt đến DN của họ.

Bình luận về điều này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thậm chí còn cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, cũng như tái cơ cấu DN nói riêng.

Theo quan điểm của ông Cung, 3 năm qua, các DN đã phải oằn mình chống chọi với lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô. Hệ quả là, phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, chịu chấp nhận lợi nhuận thấp hơn… “Vì thế, phải ổn định kinh tế vĩ mô một cách lâu dài và vững chắc, chứ không chỉ là trong một vài tháng như những năm qua”, ông Cung nói và một lần nữa nhấn mạnh rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô một cách lâu dài, phải tập trung thắt chặt tài khóa, giảm bội chi ngân sách, giảm đầu tư nhà nước và từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực này.

“Việc ổn định kinh tế vĩ mô không những giúp các DN có điều kiện phát triển tốt hơn trong năm 2011, mà còn có thể hoạch định được các chiến lược kinh doanh một cách lâu dài và bền vững”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI) lý giải.

Trong khi đó, với kiến nghị thứ hai, liên quan tới lãi suất ngân hàng, khảo sát của VCCI cho thấy, 85% DN hiện phải chịu lãi suất vay vốn 12-13% trở lên và mức lãi vay này là quá cao so với hầu hết DN. Chỉ có 19% số DN cho rằng, mức lãi vay này là hợp lý. Quan trọng hơn, nếu buộc phải chấp nhận mức lãi suất này, thì chỉ có 67% số DN được hỏi cho là có thể chịu đựng được, số còn lại sẽ gặp khó khăn nếu chịu mức lãi vay này trong lâu dài.

Trên thực tế, mức lãi suất 12-13% chỉ là một cái ngưỡng mà VCCI đặt ra khi khảo sát, còn những tháng qua, đã có lúc, DN phải chấp nhận vay vốn với lãi suất lên tới 18-19%, thậm chí cao hơn.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã thừa nhận điều này. Không những vậy, theo ông Hùng, thời gian qua, khả năng tiếp cận vốn của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa là vô cùng khó khăn. Việc tỷ giá tăng cao cũng ảnh hưởng rất lớn tới chi phí đầu vào của DN. Và tất nhiên, hệ quả sẽ là hiệu quả sản xuất - kinh doanh không cao.

Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù chi phí đầu vào tăng cao, nhưng 43% DN không thể tăng giá bán, thậm chí 14% còn giảm giá bán. Chính vì điều này, mặc dù các DN đã cố gắng nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc, tăng năng suất lao động và giảm hàng tồn kho, nhưng chỉ có 30,2% DN tăng được lợi nhuận trên 1 đơn vị sản phẩm. Trong khi đó, có tới 33,3% DN giảm lợi nhuận.

Hơn thế, theo bà Hằng, với mức lãi suất hiện cao như vậy, thì DN không thể đầu tư chiều sâu cho phát triển lâu dài. “Tình hình này dễ buộc DN chọn hướng đầu tư cho các thương vụ ngắn hạn, hoặc đầu cơ vào các dự án rủi ro, nhưng có lãi cao”, bà Hằng nhận xét.

Theo kết quả cuộc khảo sát của VCCI, thì ngoài 3 yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất ngân hàng và kiểm soát tham nhũng kể trên, thì còn hàng loạt vấn đề quan trọng khác mà DN cho rằng, Chính phủ cần có nỗ lực đột phá và cải thiện trong thời gian tới. Đó là tăng tính minh bạch và nhất quán của hệ thống pháp lý, chính sách; kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống hàng giả và gian lận thương mại; tạo sân chơi bình đẳng cho mọi DN, không phân biệt thành phần sở hữu; đảm bảo cung ứng điện ổn định và hỗ trợ vốn ưu đãi cho đầu tư chiều sâu.

(Theo Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao