Con số 33% doanh nghiệp trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500) đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 tỷ đồng và 29% đạt được mức 50 - 100 tỷ đồng trong năm 2008 sóng gió đã cho thấy bản lĩnh của các doanh nghiệp mạnh. Thoát hiểm
Gặp biến động từ cuối năm 2008 với hàng loạt hệ lụy giá cả nguyên vật liệu gia tăng, đầu tư xây dựng cơ bản giảm mạnh kéo theo thị trường co hẹp, Tập đoàn tôn Hoa Sen đã xác định bằng mọi giá phải tồn tại.
Ngay từ cuộc họp tháng 4/2008, Hoa Sen đã quyết định giãn tiến độ, tạm dừng triển khai 5 dự án lớn đồng thời dự trữ nguyên vật liệu hợp lý khi nhận định giá cả nguyên vật liệu thế giới sẽ có biến động do lãi suất vay ngân hàng gia tăng, sự bất ổn của tỷ giá hối đoái VND/USD...
Tuy nhiên Hoa Sen vẫn phải đối mặt với những tình huống ngặt nghèo. Đó là lượng hàng tồn kho tới 50.000 tấn mà nếu tính theo tốc độ giảm giá thì lỗ trên 500 tỷ đồng.
Khi đó, hướng giải quyết của Hoa Sen là nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho với mức lỗ thấp nhất.
Nhờ vậy, tập đoàn đã nhanh chóng hoàn lỗ và 6 tháng đầu năm nay đã đạt lợi nhuận hơn 122 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho rằng các doanh nghiệp không nên bỏ quên thị trường nội địa bởi thị trường này là cái gốc, cái ưu thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Vũ, hiện tập đoàn Hoa Sen sở hữu gần 100 chi nhánh khắp cả nước, trong đó thị trường nội địa đã chiếm trên 80% sản lượng.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định, bản chất của cuộc khủng hoảng vừa qua là từ lĩnh vực tài chính nên chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam ở một số lĩnh vực liên quan đến FDI, xuất khẩu, nguyên liệu nhập.
Còn rất nhiều lĩnh vực khác bị tác động ít hơn, trong đó có những mặt hàng thuộc về nhu cầu thiết yếu. Chỉ có điều, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng tầm mình lên để tăng tính cạnh tranh, mà thể hiện là ở chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Thực tế, cách Tập đoàn Tôn Hoa Sen “thoát hiểm” tương đồng với cơ cấu lại doanh nghiệp mà nhiều thành viên VNR500 hướng tới. Thay vì “ôm đồm” nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp này đều nhanh chóng quay về củng cố năng lực cốt lõi của mình.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bảo Sơn đánh giá, những doanh nghiệp hoạt động sang nhiều lĩnh vực vốn không phải sở trường của mình, đa số đều thất bại vì thiếu chuyên nghiệp. Doanh nghiệp nào chú trọng năng lực lõi thì vẫn có thể chèo chống được giai đoạn khó khăn vừa qua, thậm chí vẫn phát triển được sản xuất kinh doanh, vẫn mở rộng được thị trường.
Công ty Dệt may Thái Tuấn đã chớp cơ hội suy thoái hàng giá rẻ cộng hưởng chính sách kích cầu của Chính phủ để đầu tư thiết bị hiện đại, tiết kiệm được chi phí khá lớn so với điều kiện bình thường.
Bên cạnh đó, công ty xây dựng chiến lược hệ thống phân phối bằng cách tiếp tục mở rộng thị trường, thêm điểm phân phối.
Trong thời gian này, công ty cũng đã đào tạo một nguồn nhân lực trẻ để đảm bảo trong thời gian sắp tới, khi kinh tế phục hồi, đây sẽ là lực lượng chủ chốt trong công cuộc phát triển doanh nghiệp.
Luôn có cơ hội Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), khủng hoảng
kinh tế thế giới vẫn chưa biết đâu là “đáy” nhưng bối cảnh Việt Nam lại cho thấy đây chính là thời điểm thích hợp nhất để các doanh nghiệp từ làm mới mình và đón bắt các cơ hội.
Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, một trong những cơ hội các doanh nghiệp có thể nắm bắt lúc này chính là tái cấu trúc gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu dưới các hình thức: mua bán, sáp nhập doanh nghiệp...
Đây là xu hướng đang diễn ra nhiều trên thế giới nhằm hình thành các doanh nghiệp mới, đủ mạnh đồng thời vẫn duy trì được các mặt tích cực, các dòng sản phẩm thương hiệu của doanh nghiệp cũ.
Theo số liệu công bố tại Hội thảo quốc tế về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2009, Việt Nam có đến 112 thương vụ M&A, tuy giá trị giao dịch chỉ đạt 232 triệu USD, bằng 1/2 so với cùng kỳ năm 2008 nhưng số thương vụ giao dịch lại tăng gấp đôi.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận định, triển vọng dài hạn hoạt động M&A ở Việt Nam giai đoạn 2009-2011 rất sôi động, khi giao dịch này gia tăng vào thời điểm kinh tế toàn cầu phục hồi.
Những ngành nghề được các công ty nước ngoài quan tâm đặc biệt là viễn thông, dược phẩm, giải trí và truyền thông, bán lẻ và phân phối, các ngành hàng tiêu dùng nhanh và dịch vụ tài chính.
Đây là cơ hội, nhưng nếu các doanh nghiệp Việt Nam "chậm chân" thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không "nhường bước".
Cơ hội tiếp theo mà ông Phạm Gia Túc nhắc tới đó là tận dụng cơ hội khủng hoảng để đổi mới cộng nghệ. Trong giai đoạn khủng hoảng, giá máy móc, thiết bị, công nghệ của thế giới trở nên rẻ hơn rất nhiều. Ngay cả ở khu vực, nhiều công nghệ trước đây doanh nghiệp Việt Nam khó có điều kiện để đầu tư, chuyển giao thì đến thời điểm hiện nay đã rẻ hơn một phần ba hoặc một nửa.
Theo ông Phạm Gia Túc, các công ty thuộc lĩnh vực may mặc tận dụng rất tốt các cơ hội từ khủng hoảng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần sản xuất May Sài Gòn (GMC) đã hoàn chỉnh chương trình tái cơ cấu theo hướng tập trung hóa và nâng cao năng lực sản xuất để đạt doanh thu sản xuất may mặc trên 600 tỷ đồng/năm, tăng 1,6 lần so với năm nay bằng việc đầu tư hình thành 3 đơn vị sản xuất với quy mô trên 10 chuyền may/đơn vị tại 3 công ty thành viên.
Ông Phạm Gia Túc cũng lưu ý sau khủng hoảng nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao sẽ là vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, do đó từ bây giờ cần tận dụng cơ hội của khủng hoảng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao từ nước ngoài, nhất là Việt kiều để phục vụ cho quá trình tái cấu trúc./.