Dây chuyền SX thùng xe của Cty BBTH cầm chừng chờ... điện |
Không có chế tài nào xử phạt DN kinh doanh thiếu văn hóa. Và cũng chưa chắc tất cả các DN được gọi là tôn trọng văn hóa trong kinh doanh đều thành công. Tuy nhiên, giữ được chữ tín với bạn hàng, với đối tác là điều vô cùng quan trọng trong kinh doanh và cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp của giới doanh nhân VN.
Thời gian qua, DĐDN đã phản ánh về việc Cty xây dựng và kinh doanh KCN Hà Nội – Đài Tư (Cty Hà Nội - Đài Tư) đơn phương cắt điện của Cty TNHH một thành viên cơ khí chuyên dụng Bắc Bộ Trường Hải (Cty BBTH) - một trong những DN đầu tiên đầu tư thuộc loại lớn nhất vào khu công nghiệp này. Theo quy định của pháp luật cũng như thông lệ, Cty Hà Nội – Đài Tư sẽ được ngành điện cấp phép kinh doanh điện, bán điện cho các DN trong KCN Hà Nội – Đài Tư. Cty BBTH vốn được xem là một trong các đối tác lớn của Cty Hà Nội – Đài Tư, vì đã đầu tư gần như đầu tiên vào KCN này. Tuy nhiên, đến nay, khi đã đầu tư nhà máy và đi vào sản xuất được một thời gian thì họ đã bị Cty Hà Nội – Đài Tư quay trở lại chèn ép, và buộc phải tuân theo những điều kiện rất vô lý mới được mua điện.
Từ sự bất hợp tác
Tính đến thời điểm này đã hơn 2 tháng Cty BBTH bị cắt điện. Gần 200 công nhân của Cty phải sản xuất cầm chừng vì mất điện giữa ca. Điện lưới đã bị cắt, còn điện máy nổ thì không đáp ứng đủ cho sản xuất. Không chỉ Cty BBTH đang ngồi trên lửa mà ngay cán bộ quản lý, thanh tra điện lực thành phố cũng thấy nóng lòng, sốt ruột thay cho DN. Tại buổi trao đổi với DĐDN diễn ra vừa qua, ông Hoàng Văn Dũng – Chánh Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội bức xúc: “Trong khi Chính phủ đang kêu gọi, các cấp các ngành dùng mọi nỗ lực hiện có hỗ trợ cho DN sản xuất kinh doanh khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, thì lại có chuyện DN đối tác của nhau, gây khó cho nhau bằng cách cắt điện vô lý. Với giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, Cty BBTH chỉ sản xuất để trả tiền điện cũng méo mặt”.
Theo ông Nguyễn Chiêu Dương thì việc áp dụng phạt non tải như trong dự thảo hợp đồng mua bán giữa hai bên là quy định của EVN và Cty điện lực Hà Nội không áp dụng. Hiện nay Cty HN-Đài Tư mới chuyển cho phía Thanh tra 1 bộ hồ sơ về hợp đồng mua điện của DN. (Cả khu có hơn 24 DN hoạt động). Ông Dương cũng khẳng định lập luận của Đài Tư về việc cắt điện chưa chuẩn vì anh đang cấp điện bình thường, người ta trả tiền điện bình thường và không vi phạm gì, đùng một cái là cắt. Lập luận đơn giản quá. |
Các công văn từ Sở Công Thương Hà Nội, Ban quản lý các KCN – KCX Hà Nội vào cuối tháng 6/2009 cũng cùng chung mội nội dung yêu cầu Cty Hà Nội – Đài Tư thực hiện cung ứng điện ngay trong vòng 24 giờ cho Cty BBTH. Tuy nhiên, mọi cố gắng từ phía Cty BBTH cũng như cơ quan quản lý đều không đạt kết quả. Trong khi Cty BBTH chậm được cấp điện ngày nào là khốn khổ ngày đó, thì phía Cty Hà Nội – Đài Tư dường như có vẻ lại càng ung dung và đưa ra những điều kiện rất vô lý. Các cán bộ từ sở ban ngành đến lãnh đạo Cty BBTH đến làm việc thương lượng thì hầu hết chỉ gặp toàn nhân viên Cty Hà Nội – Đài Tư ra tiếp. Nhiều buổi, các bên làm việc rồi ghi biên bản, cán bộ Cty Hà Nội – Đài Tư nói chúng tôi không có thẩm quyền nên không ký... Thái độ dửng dưng trước khó khăn của bạn hàng, đối tác trên không chỉ là vấn đề văn hóa trong kinh doanh mà nó còn đi ngược lại chủ trương hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh của Chính phủ, của UBNDTP Hà Nội. Ông Dũng còn khẳng định: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, của UBNDTP Hà Nội, chúng tôi đã cố gắng không để các DN sản xuất bị mất điện trong bất cứ trường hợp nào. Quan điểm của tôi là những khúc mắc giữa hai bên có thể tiếp tục đàm phán, nhưng trước hết là phía Cty Hà Nội - Đài Tư phải cung cấp điện lại ngay cho phía BBTH
Đến những điều kiện vô lý
Người ký hợp đồng thuê đất với Cty Hà Nội – Đài Tư là Tập đoàn Trường Hải. Tập đoàn Trường Hải đã ủy quyền cho Cty con của mình là Cty BBTH triển khai xây dựng nhà máy và sản xuất kinh doanh trên khu đất được thuê tại KCN Hà Nội – Đài Tư, với đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Cũng theo ông Dũng, cái cớ để Cty Hà Nội – Đài Tư đưa ra để gây khó cho Cty BBTH là “Chúng tôi chỉ ký kết và làm việc với Tập đoàn Trường Hải” thật vô lý và không ai có thể chấp nhận được.
Ông Dũng cũng xác nhận việc phía Cty KCN Hà Nội – Đài Tư đã được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cấp giấy phép kinh doanh điện vào tháng 2/2009. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 11 và điểm C khoản 2 Điều 41 của Luật Điện lực quy định đơn vị phân phối điện là Cty Hà Nội - Đài Tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, côngtơ và đường dây dẫn điện đến côngtơ để bán điện.
Để tạo điều kiện cho nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Cty BBTH có thiện chí đầu tư dường cáp ngầm 24 kV của trạm D6-D7 Đài Tư và trạm biến áp 320 kVA -22/0,4 kV. Như vậy, cao hơn luật đã có tình. Theo ông Dũng, phía Cty BBTH đã đầu tư thay cho Cty Hà Nội – Đài Tư thì phía Cty Hà Nội – Đài Tư cũng nên dần dần hỗ trợ, bù đắp lại cho Cty BBTH phần kinh phí bỏ ra đầu tư. Đây là văn hóa kinh doanh của người VN.
Đã không xem xét đến cách xử lý tình cảm thì thôi, đằng này Cty Hà Nội – Đài Tư lai đi cắt điện của người ta. Đáng phê phán hơn, việc cắt điện của phía Cty Hà Nội – Đài Tư không những không có tình mà không đúng cả lý. Theo ông Nguyễn Chiêu Dương – Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội, Cty Hà Nội – Đài Tư đã không tuân thủ Quyết định 39/2005 của Bộ Công Thương khi cắt điện Cty BBTH. Đây là Quyết định quy định về “Điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung ứng điện”. Theo quyết định này Cty Hà Nội – Đài Tư không có căn cứ nào để cắt điện Cty BBTH (cả khẩn cấp lẫn tạm thời).
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com